Làng Phù Lưu, Bắc Ninh

(VOV5) - Làng Phù Lưu ở thôn Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh một thời có nghề buôn bán trầu cau, một đặc sản thường dùng của người Việt, nên tên làng được goi chệch là làng Giầu (hay chợ Giàu). Làng Giầu (tên Nôm), Phù Lưu (là tên chữ) vốn có truyền thống buôn bán giỏi, nhưng cũng là  quê hương của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ngày nay trong xu thế phát triển của đất nước, làng Phù Lưu xưa vẫn gìn được nét tinh hoa văn hóa truyền thống của vùng Kinh Bắc.

Làng Phù Lưu, Bắc Ninh - ảnh 1
Làng Phù Lưu đậm nét xưa

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Từ thế kỷ 15, chợ Giàu trong làng Phù Lưu đã nổi tiếng đông vui nhộn nhịp. Cuối thế kỷ 19 chợ Giầu thuộc loại chợ to lớn sầm uất bậc nhất cả nước,  người mua kẻ bán tấp nập, tràn cả vào sân đình. Vào ngày chợ phiên, mọi nhà trong làng đều mở cửa buôn bán. Sống trong môi trường đan xen giữa làng và chợ,  bởi thế người Phù Lưu còn được gọi là dân kẻ chợ. Bà Sâm, người cao tuổi ở làng Phù Lưu, kể: "Hồi xưa ở trong làng thì ở khu vực sân đình là dãy hàng trầu cau, hàng vải,. hàng xén và phía cuối làng là chợ bán trâu bò, cá, tôm, rồi hàng thịt . Nói chung chợ buôn bán đủ thứ từ cái cày bừa đến tơ lụa, vải vóc…Sau này chợ mới chuyển ra chợ ngoài đầu làng, chứ trước chợ chỉ họp trong làng".

Trong ký ức của nhiều người cao tuổi trong làng, Phù Lưu mang dáng dấp như một phố thị sầm uất với các của hàng cửa hiệu san sát hai bên đường. Dù làng ở giữa vùng đồng bằng Bắc bộ, cái nôi của nền văn minh lúa nước, những khác với các làng thuần nông, cuộc sống thường chỉ bó hẹp sau lũy tre làng, thì làng Phù Lưu là không gian mở để thu hút mọi người đến buôn bán ở chợ. Người Phù Lưu, nhất phụ nữ  Phù Lưu có tiếng quảng giao, có quan hệ làm ăn rộng rãi mà không  mất đi bản tính hiền hòa,  gốc gác của người dân quê miền Bắc. Ông Nguyễn Đình Phúc, người làng Phù Lưu, cho biết: "
Dân Phù Lưu chúng tôi trước đây chủ yếu làm thương nghiệp, nông nghiệp chỉ có mấy gia đình làm thôi. Bởi thế làng Phù Lưu có cái tục rất hay là cho đi làm con nuôi. Con cái thường nhờ người khác nuôi, còn các cụ đi buôn đi bán khắp nơi. Một thời làng Phù Lưu là làng có nhiều con nuôi nhiều nhất ở miền Bắc".

Làng Phù Lưu, Bắc Ninh - ảnh 2
Một góc Làng Phù Lưu

Theo phong tục truyền thống địa phương, phụ nữ làng Phù Lưu, chịu thương, chịu khó, đi buôn bán khắp nơi cũng chỉ nhằm thu vén cho gia đình, nuôi chồng, con ăn học. Xuất phát từ một làng buôn bán giàu có, lại gắn với truyền thống chăm lo học hành, Phù Lưu dần trở thành chốn danh hương với truyền thống hiếu học nổi tiếng trong lịch sử. Nhiều dòng họ có người học hành, đỗ đạt cao, đảm nhận nhiều địa vị quan trọng trong lịch sử đất nước. Nhiều thế kỷ trôi qua, ở thời hiện tại, Phù Lưu vẫn là quê hương của nhiều trí thức, văn nghệ sỹ tên tuổi lớn như: họa sỹ Hoàng Tích Chù, nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Địch Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng; nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bẩy, nhạc sỹ Hồ Bắc, họa sỹ Thành Chương.

Trở lại thăm làng Phù Lưu, không gian làng quê vẫn giữ được vẻ yên bình, cổ kính. Điểm nổi bất nhất ở làng Phù Lưu chính là con đường làng lát đá xanh. Đình làng Phù Lưu mái cong vút nằm dưới tán rợp mát của cây bồ đề cổ thụ, được xem là một trong ba ngôi đình đẹp nhất miền Bắc. Cạnh đình là chùa Pháp Quang với tháp chuông được xây cao. Vẻ cố kính hài hoà trong cảnh tập nấp mua bán ở Phù Lưu khiến cho du khách có cảm giác như được trở về quá khứ, nhưng rồi lại nhận ra ngôi làng ngày nay chẳng khác nào phố xá nơi đô thị. Ông Nguyễn Trọng Vũ ở làng Phù Lưu cho biết: "Làng hiện có các khu di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia gồm: đình, đền, chùa và nhà văn chỉ. Toàn làng hiện có gần 4000 nhân khẩu, ngoài nghề truyền thống buôn bán, giao thương khắp cả nước, người Phù Lưu còn có nghề làm đồ gỗ, nghề nấu cỗ phục vụ tiệc cưới. Những dãy cửa hàng sang trọng ngoài mặt phố đều là của người làng Phù Lưu". 

Cuộc sống đổi thay không ngừng , trong khi nhiều ngôi làng gỡ bỏ cổng cũ , thì người làng Phù Lưu lại phục dựng cổng làng theo nguyên bản của người xưa. Trên cổng làng có đôi câu đối ghi dòng chữ: “ Nhập hương vấn tục”  và “Xuất môn kiến tân” nghĩa là dù có làm đến chức nào đi nữa, nhưng khi về làng vẫn phải giữ được phong tục tập quán của làng. Còn khi ra khỏi làng bao giờ cũng phải đĩnh đạc trong giao tiếp với bạn bè, đón khách như đón người thân. Những lời răn dạy của các bậc tiền nhân vẫn được các thế hệ con cháu làng Phù Lưu lưu truyền và giữ gìn đến ngày nay.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác