Sản phẩm OCOP và kỳ vọng về hướng phát triển mới cho nông thôn Sơn La

(VOV5) - 110 sản phẩm đa dạng, đậm bản sắc vùng miền, là kết quả của tỉnh Sơn La sau gần 5 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:

 

Những sản phẩm OCOP mới này đang nâng tầm các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp địa phương. Tỉnh Sơn La đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo nên hướng đi mới cho vùng nông thôn.

Sản phẩm OCOP và kỳ vọng về hướng phát triển mới cho nông thôn Sơn La - ảnh 1Chương trình OCOP được kỳ vọng là cơ hội để chè san tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại “thiên đường mây” Tà Xùa vươn xa trên thị trường. Ảnh: VOV

Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, nét đẹp văn hóa truyền thống, cùng sự thân thiện, mến khách… khiến Homestay A Chu ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Năm ngoái, địa điểm này đón gần 10.000 lượt khách du lịch, trong đó có 20% là khách quốc tế.

Năm nay, Homestay A Chu đã đăng ký để xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La. Anh Tráng A Chu, Chủ Homestay A Chu, chia sẻ:"Mong muốn được tham gia vào chương trình OCOP để quảng bá được bản sắc văn hóa, khai thác dịch vụ du lịch của mình, như: làm giấy gió, xay ngô làm mèm mén, vẽ sáp ong... Qua đó, du khách biết thương hiệu Homestay A Chu được xây dựng dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc tại Hua Tạt; đồng thời để giúp đỡ được nhiều người Mông có Homestay tại bản địa có thu nhập tốt hơn và đi với hướng khác biệt hơn."

Là một trong những sản phẩm chủ lực được tỉnh Sơn La định hướng nâng tầm, xây dựng, sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia, Bạch Trà mây, của Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc, huyện Bắc Yên, đang dần khẳng định chất lượng, thương hiệu.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc, cho rằng Chương trình OCOP sẽ là cơ hội để chè san tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại Tà Xùa vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế: "Bạch trà mây là nhóm trà chế biến không dùng công nghệ, máy móc. Trà tự lên men và làm khô dưới nắng gió Tà Xùa. Bởi vậy, trà có mùi hương nhẹ của hoa rừng, vị ngọt của trái cây chín… Chúng tôi mong muốn nhiều người Việt, bạn bè quốc tế, biết đến một thức trà đặc biệt, không gây mất ngủ, dễ sử dụng với cả người già đến người trẻ."

Sản phẩm OCOP và kỳ vọng về hướng phát triển mới cho nông thôn Sơn La - ảnh 2Sơn La phát triển nhiều sản phẩm mới, nâng tầm các sản phẩm chủ lực tham gia chương trình OCOP. Ảnh: VOV

Kế thừa Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, một trong những điểm mới là việc đánh giá, phân hạng sản phẩm được thực hiện từ ngay cấp xã, thay vì từ cấp huyện như trước đây. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện sẽ công nhận các sản phẩm OCOP 3 sao thay vì cấp tỉnh như trước. Điều này được các địa phương, doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân Sơn La đồng tình, nhờ sự thuận lợi, chủ động hơn trong lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện cho các chủ thể. 

Ông Cầm Văn Trình, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phù Yên, cho biết: "Bộ tiêu chí trong giai đoạn mới nâng cao so với giai đoạn trước, nhưng phù hợp với điều kiện thực tế và nâng cao chất lượng sản phẩm. Phù Yên năm nay thực hiện đánh giá lại 8 sản phẩm năm 2020. Năm 2023, huyện Phù Yên phấn đấu có thêm 5 sản phẩm OCOP được công nhận mới."

Cũng trong bộ tiêu chí mới, các hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP dành cho các chủ thể đã sửa đổi theo hướng giảm nội dung và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện, góp phần khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, tham gia chương trình OCOP.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Sơn La, cho biết: "Trong năm nay, mỗi huyện, thành phố ít nhất phải chứng nhận được từ 5 sản phẩm OCOP trở lên, như vậy khối lượng việc rất lớn. Chúng tôi cũng đưa vào dự kiến phấn đấu từ 70-80 sản phẩm được chứng nhận trong năm nay từ 3 sao đến 4 sao."

Năm nay, tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP  đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Các sản phẩm được lựa chọn, định hướng “gắn sao”, “nâng sao" được nâng lên về chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh; đúng với tinh thần của chương trình OCOP. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đổi mới tư duy, cách làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con và thực hiện việc khoác “tấm áo mới” cho nông thôn Sơn La
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác