Trồng hồ tiêu theo hướng bền vững, nông dân Gia Lai thu trái ngọt

(VOV5) -  Việc cẩn trọng đầu tư và chuyển hướng canh tác hồ tiêu hữu cơ đã giúp nông dân thu nhập ổn định.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Gia Lai là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn ở Tây Nguyên với trên 17.000ha, có thời điểm tăng lên đến 18.000ha.  Những ngày này, nông dân trong tỉnh đang vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu. Hồ tiêu được canh tác theo hướng bền vững, giúp vườn cây phát triển ổn định, đồng thời đảm bảo lợi nhuận cho người trồng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lệ Thu (ở thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) có 5,5 ha hồ tiêu đang ở giai đoạn thu hoạch. Bà cho biết, sản xuất hồ tiêu hữu cơ, gia đình để cỏ mọc tự nhiên trong vườn vừa tạo độ tơi xốp, vừa giúp giữ ẩm cho đất. Phân hoá học hạn chế tối đa, thay vào đó chủ yếu bón bã đậu ủ cùng vỏ cà phê; thuốc hoá học cũng được thay thế bằng các chế phẩm sinh học. Quy trình canh tác phải ghi chép từng ngày trong nhật ký thời vụ. Vào bất kỳ thời điểm nào, doanh nghiệp thu mua sẽ về vườn lấy ngẫu nhiên mẫu lá, trái hồ tiêu. Nếu mẫu kiểm định đảm bảo yêu cầu, thì sản phẩm hồ tiêu của gia đình sẽ được thu mua với giá cao hơn thị trường 30%.

Trồng hồ tiêu theo hướng bền vững, nông dân Gia Lai thu trái ngọt - ảnh 1Hợp tác xã dịch vụ và nông nghiệp Nam Yang vượt qua bão giá và dịch bệnh nhờ canh tác hồ tiêu theo hướng bền vững. Ảnh: VOV

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu cho biết, niên vụ này, vườn cây cho năng suất khoảng 3,5 tấn /1 ha. Năng suất thấp hơn trước, nhưng với giá bán lên tới 110 triệu đồng/ 1 tấn, thì lợi nhuận lại cao hơn: “Tôi chọn hướng canh tác hữu cơ để vượt qua khó khăn do khí hậu, dịch bệnh. Cũng may mắn, tôi liên kết được với Công ty Hương Gia Vị Sơn Hà mua tiêu hữu cơ xuất khẩu đi Châu Âu. Vừa tốt cho mình, vừa tốt cho công ty, tốt cho sức khoẻ những người làm cho mình và tốt cho môi trường.”

Cũng tại xã Nam Yang, 2 năm trước, hơn 50 hộ dân trồng tiêu đã cùng nhau thành lập Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững. Người đi đầu phong trào này là anh Ngô Văn Tiên,Tổ trưởng Tổ liên kết. Anh Tiên chia sẻ: “tham gia vào Tổ liên kết, bà con nông dân cùng chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay trong sản xuất. Theo đó, nông dân tự liên kết với các doanh nghiệp cung ứng kỹ thuật, phân bón hữu cơ vi sinh để có giá đầu vào ở mức thấp nhất. Tương tự, đầu ra cũng được nông dân lựa chọn đối tác nhằm loại bỏ các chi phí không cần thiết qua khâu trung gian. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, giá trị sản phẩm luôn có giá cao gấp đôi so với sản phẩm khác”.  Theo anh Tiên, muốn thay đổi từ cách làm truyền thống theo hướng công nghệ cao, sản xuất sạch không phải nói mà làm được ngay, “phải thực hiện từ từ”. Đây là cuộc cách mạng thay đổi tư duy, nếu thành công thì người nông dân sẽ đứng ở thế chủ động, ít phụ thuộc bởi các yếu tố bên ngoài như biến động giá cả, giá thành đầu vào và các rủi ro khác.

Nói về mô hình “nông dân liên kết với nông dân” trong trồng tiêu, anh Nguyễn Tấn Công – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ và Nông nghiệp Nam Yang cho biết: thời điểm năm 2018, HTX có 15 thành viên, diện tích hồ tiêu trên 50ha. Ban đầu vận động người dân vào HTX cũng khó khăn do bà con e ngại không biết vào HTX sẽ làm ăn như thế nào. Nhưng sau một thời gian hoạt động, thấy tiêu của HTX bán giá cao gấp 1,5-2 giá bình thường nên bà con rất hào hứng. Đặc biệt, HTX cũng đã liên hệ với 2 doanh nghiệp ở TP HCM bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra”.

Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ và Nông nghiệp Nam Yang có 80 ha hồ tiêu kinh doanh thì đã có trên 40 ha được sản xuất theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước có yêu cầu khắt khe về chất lượng. Diện tích còn lại được sản xuất đại trà nhưng hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các chất hoá học, không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Anh Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết: “Qua cơn bão dịch và giá cả 2017, 2018 và 2020, người nông dân chúng tôi nhận ra rất nhiều điều. Bây giờ, người nông dân đã có lãi, thực hiện trồng xen canh, không độc canh, không ồ ạt như trước. Định hướng của chúng tôi và nông dân là canh tác bền vững, canh tác sinh thái, hữu cơ, hướng tới bền vững về môi trường, về thu nhập và ổn định của vườn cây.”

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, hiện nay, tổng diện tích hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai là 13.600 ha. Năng suất niên vụ này trung bình đạt 3,37 tấn/ 1 ha. Diện tích hồ tiêu được giữ ổn định từ năm 2017 cho tới nay ở những vùng thổ nhưỡng phù hợp và được canh tác theo hướng bền vững. Điều đáng mừng là 2 năm qua, giá hồ tiêu lên cao từ 75.000 đồng đến trên 80.000 đồng/ 1 kg, nhưng không có tình trạng chặt bỏ cây khác để trồng tiêu ồ ạt.

Ông Đoàn Ngọc Có cho rằng, việc cẩn trọng đầu tư và chuyển hướng canh tác hồ tiêu hữu cơ đã giúp nông dân thu nhập ổn định: “Diện tích hồ tiêu trước đây đã được chuyển đổi sang cây trồng khác để đem lại hiệu quả cao hơn. Toàn bộ diện tích hồ tiêu còn lại hiện nay được phát triển ổn định, được chuyển hướng sản xuất sang hướng theo tiêu chuẩn, bền vững và cũng đã giảm nhiều sâu bệnh trên cây trồng. Nhờ đó mà năng suất và sản lượng ổn định.”

Trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững thì sẽ không bao giờ lỗ, có thể chi phí và điều kiện ban đầu cao nhưng khi đã làm thành công thì hiệu quả rất lớn. Với hướng đi này, nông dân tỉnh Gia Lai đang có thêm những vụ mùa bội thu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác