Xa quê, nhớ Tết

(VOV5) - Có lẽ, với những người con xa xứ, “xuân quê hương” là một nỗi nhớ có thể gọi tên. Chính vì thế mà dù có đi đến tận nơi đâu đi chăng nữa, thì mỗi khi xuân về chúng ta đều mong được có mặt trên quê hương. 

Mỗi khi mùa xuân về trên quê hương, những người Việt xa xứ lại nao lòng và nhớ… Quê nhà xa thẳm, nơi gốc rễ cội nguồn đang vào một bước chuyển mình, bỏ lại sau lưng những lo toan bề bộn để đón chào một năm mới với bao nhiêu hy vọng sáng tươi. 

Xa quê, nhớ Tết - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ca khúc Nỗi nhớ mùa xuân được nhạc sĩ Lê An Tuyên, một người Việt đang sinh sống tại CHLB Đức sáng tác trong nỗi nhớ Tết quê hương. Khi thể hiện ca khúc này, ca sĩ Đinh Trang chia sẻ, cô cũng rất xúc động bởi một ca khúc viết về mùa xuân, nhẹ nhàng, đưa người nghe tới những khoảng lặng của tâm hồn, với nỗi nhớ quê hương da diết và một tình yêu dành trọn cho mảnh đất nơi mình đã sinh ra. 

Xa quê hơn 20 năm, cuộc sống yên ả với công việc kinh doanh hàng thời trang ở CHLB Đức, Lê An Tuyên gửi gắm nỗi nhớ quê hương qua những vần thơ, điệu nhạc. Và đặc biệt, mùa xuân quê hương luôn gợi lên trong người con xứ Nghệ những tình cảm bồi hồi. Chị tâm sự: "Giữa trời mưa tuyết, trong cái giá lạnh của trời đất, ai đã từng xa xứ mới thấy thấm thía, đau đáu một nỗi nhớ quê hương tha thiết đến nhường nào. Ở đây có đầy đủ mọi thứ nhưng tôi vẫn thấy thiếu một không khí thuần Việt, thiếu mùi hương nồng trong gió sớm. Tôi thèm lắm cái tết trong gia đình thưở nao. Tôi nhớ lắm Tết quê hương, dù ở nơi đâu thì Tết Việt luôn trong tim tôi, được thấy mọi người trao cho nhau yêu thương và cầu chúc cho nhau một năm mới vạn sự an khang".

Cũng sống ở CHLB Đức, tác giả Trương Anh Tú lại gửi gắm nỗi nhớ xuân qua ca khúc Mơ về Hà Nội. Trong nỗi nhớ Tết xa quê, anh bồi hồi chia sẻ: "Tết nơi xa xứ, dù vật chất có đầy đủ đến đâu cũng không thể làm vơi đi nỗi nhớ!Tôi nhớ những chợ hoa Tết ở Hà Nội, nhớ những cánh đồng hoa bát ngát nơi quê nhà. Tôi tìm lại cây đào, cây mai trong khu vườn xưa. Thấy bố đang chuẩn bị quét vôi lại tường nhà. Thấy dòng chữ “Chúc mừng năm mới“mà bố treo trang trọng trên tường. Thấy mẹ tất bật đi chợ mua sắm. Mấy anh em giúp mẹ rửa lá dong, vo gạo nếp, chuẩn bị than củi cho nồi bánh chưng. Thấy những chậu hoa cúc, hoa cánh bướm được đặt thêm trước hiên nhà. Thấy cả nhà quây quần ngồi gói bánh chưng. Đỗ xanh thơm phức. Thấy trước lễ Tất Niên, cả nhà đi tảo mộ. Những ngôi mộ của tổ tiên được thăm viếng sửa sang lại. Bà đứng khấn rất lâu. Tôi kính cẩn chắp tay và cảm thấy một điều gì đó rất thành kính. Những bó hương đỏ rực, nghi ngút trong nghĩa địa chiều ba mươi. Thấy đúng 0 giờ, năm mới, bố tôi đốt pháo. Mấy anh em thức cả đêm đợi đón Giao thừa. Tiếng pháo râm ran. Tôi chạy ra vườn hái lộc, một cành bưởi đẫm sương thơm ngát"...

Có lẽ, với những người con xa xứ, “xuân quê hương” là một nỗi nhớ có thể gọi tên. Chính vì thế mà dù có đi đến tận nơi đâu đi chăng nữa, thì mỗi khi xuân về chúng ta đều mong được có mặt trên quê hương. Trên một hành trình từ Canada về Việt Nam đón tết, ngồi trên khoang máy bay có rất nhiều người Việt, chị Hiếu Đỗ đã xúc động viết nên ca khúc Mùa xuân tình yêu… Và cũng chính bởi nỗi nhớ ấy mà ca khúc Mùa xuân ca giữa quê hương do ca sĩ Jimmy Nguyễn trình bày, nhiều năm rồi vẫn được đón nhận với biết bao yêu mến: Này mẹ yêu... con sẽ đem lời ca thiết tha về quê hương yêu dấu... một mùa xuân…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác