Ký ức về Hà Nội mùa đông năm 1946 qua hiện vật lịch sử

(VOV5) - Triển lãm “Bản hùng ca mùa đông năm 1946”, được trưng bày theo phương pháp kết hợp chặt chẽ giữa hình ảnh, hiện vật lịch sử, nhằm nêu bật được tinh thần chiến đấu của quân và dân Việt nam.

Trong những ngày cả nước tưng bừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016), triển lãm “Bản hùng ca mùa đông năm 1946”, đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trở thành một địa chỉ thu hút đông đảo người dân, những chiến sỹ cách mạng năm xưa tham quan, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.

Nghe âm thanh tại đây:

 

Triển lãm “Bản hùng ca mùa đông năm 1946”, được trưng bày theo phương pháp kết hợp chặt chẽ giữa hình ảnh, hiện vật lịch sử, nhằm nêu bật được tinh thần chiến đấu của quân và dân Việt nam trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Không chỉ đưa ra những tài liệu, hiện vật minh chứng cho sự cấp thiết của Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước tình thế “đất nước ngàn cân treo sợi tóc”, triển lãm còn phản ánh khí thế chiến đấu quả cảm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của quân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông Nguyễn Văn Tập, cán bộ Phòng Trưng bày tuyên truyền, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho biết: Triển lãm “Bản hùng ca mùa đông năm 1946” muốn giới thiệu tới công chúng những hiện vật lịch sử quý về những ngày Toàn quốc kháng chiến mà Bảo tàng đang lưu giữ, qua đó thể hiện sinh động, trung thực tinh thần chiến đấu dũng cảm của thế hệ cha ông đi trước; đồng thời cũng là dịp để tri ân những lãnh thành cách mạng, các chiến sĩ kiên trung đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc:Triển lãm chủ yếu đưa ra các hiện vật mà trước đó chưa được trưng bày, ví dụ như các phù hiệu, huy hiệu của các chiến sỹ cảm tử quân chiến đấu tại thủ đô Hà Nội, trước khi rút ra khỏi thủ đô, phù hiệu đó để nhận ra chiến sỹ của Trung đoàn khi mà hành quân rút ra khỏi nội thành Hà Nội về vùng căn cứ địa Việt Bắc an toàn. Hoặc là những hiện vật như khẩu súng trường đã bắn rơi máy bay của Pháp ở phố Hàng Gai, Hà Nội, hay thẻ đoàn viên của chiến sỹ Trịnh Báu và rất nhiều hiện vật khác mà lần đầu được giới thiệu.


Ký ức về Hà Nội mùa đông năm 1946 qua hiện vật lịch sử - ảnh 1
Những nhân chứng lịch sử từng tham gia sự kiện Toàn quốc kháng chiến năm 1946 vui mừng khi gặp lại đồng đội năm xưa.


Điểm nhấn triển lãm là phần trưng bày mang chủ đề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, phản ánh cuộc chiến đấu dũng cảm giành giật lại từng ngôi nhà, góc phố của quân và dân Hà Nội, nơi mở đầu Toàn quốc kháng chiến. Các hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của phần này như: Pháo đài Láng bắn những quả đạn đầu tiên vào các vị trí của thực dân Pháp trong thành Hà Nội, mở đầu toàn quốc kháng chiến vào đêm 19/12/1946; bom ba càng của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô dùng để chiến đấu trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến; Huy hiệu các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đeo trong lễ thành lập “Đội quyết tử” tại rạp Chuông Vàng (Hà Nội); thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Trung đoàn Thủ đô nhân dịp Tết Định Hợi năm 1947… Là người đã từng tham gia chiến đấu trong “60 ngày đêm khói lửa” mở đầu toàn quốc kháng chiến của quân dân Hà Nội, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô xúc động cho biết:   Phải nói lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đầu cuộc kháng chiến đã mang lại một niềm tin cho toàn thể nhân dân Việt Nam để quân và dân cùng đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nó làm cơ sở để quân và dân Việt Nam chủ động đánh địch, giúp Việt Nam giành thắng lợi. Ngay ngày đầu là ngày 20/12/1946 chúng ta đã tập kích vào 21 địa điểm của địch ở trong thành phố Hà Nội.


Ký ức về Hà Nội mùa đông năm 1946 qua hiện vật lịch sử - ảnh 2
Triển lãm chia làm 3 phần: Đất nước ngàn cân treo sợi tóc; Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh; Âm vang bản hùng ca kháng chiến.


Tham quan triển lãm, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh giá: Toàn bộ hiện vật ở đây đều là những hiện vật gốc cả và những hình ảnh chúng ta giữ lại rất là quý giá. Thế hệ trẻ hôm nay khi nhìn vào những hình ảnh đó thì chúng ta thấy được tầm vóc, ý nghĩa cũng như những gian khổ, hy sinh và tinh thần bất khuất, oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong giai đoạn hết sức khó khăn vào năm 1946, mở ra một thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc hết sức là oanh liệt, anh dũng của quân và dân Việt Nam dưới một thời đại mới, đó là thời đại Hồ Chí Minh.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, triển lãm “Bản hùng ca mùa đông năm 1946” được ví như cuốn lịch sử sống động. Gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, tại triển lãm đã tái hiện sinh động về sự kiện Toàn quốc kháng chiến năm 1946 của quân và dân Việt Nam, đặc biệt là quân dân thủ đô Hà Nội, nơi mở đầu cho những ngày Toàn quốc kháng chiến gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác