Thông tin về cộng đồng người Việt đón Tết cùng phần trả lời thính giả về Tết cổ truyền Việt Nam

(VOV5) - Tuần qua, chương trình nhận được khá nhiều tin, bài về hoạt động đón Tết của cộng đồng người Việt tại các nước; thính giả cũng muốn biết về Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam; ý nghĩa của  cúng ông Công ông Táo.

Nghe âm thanh thư thính giả tại đây:


Chào quý vị và các bạn

Hòa cùng không khí đón Tết cổ truyền dân tộc trong nước, người Việt ở nước ngoài cũng đang háo hức tham gia  nhiều hoạt động cho sự kiện lớn của đất nước. Đây chính là chủ đề tràn ngập trên sóng phát thanh cũng như trang web của Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia. Những đồng nghiệp của chúng tôi đang công tác tại các nước, các cộng tác viên, các thính giả chính là những người chuyển tải được những nội dung này. Có thể liệt kê hàng loạt tin, bài ảnh gửi về cho chương trình suốt tuần qua: Cộng đồng người Việt tại Daejeon Hàn Quốc tổ chức mừng xuân Đinh Dậu 2017; Lễ tất niên của tăng ni phật tử chùa Phật Tích, Viêng chăn ( Lào); Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đón Tết 2017; Người Việt tại Canada tổ chức chương trình Tết tại Canada; Đại sứ quán Việt Nam gặp gỡ, chúc Tết cộng đồng người Việt ở Senegal.

Mong muốn được biết về Tết cổ truyền Việt Nam, thính giả Panni, người Lào và nhiều thính giả nước ngoài khác gửi email về chương trình hỏi về nội dung này: Các bạn thân mến! Tết hay còn gọi là Tết cổ truyền của dân tộc luôn mang ý nghĩa rất sâu sắc. Tết là dịp để những người con xa quê đoàn tụ với gia đình. Chỉ những người châu Á mới “ăn Tết Nguyên Đán”. Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Tết Nguyên Đán trước hết là Tết của gia đình. Chiều 30 Tết, nhà nhà làm lễ “rước” gia tiên và gia thần, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Như một thói quen linh thiêng và bền vững nhất, mỗi năm Tết đến, dù đang ở đâu, làm gì… hầu như ai cũng mong muốn và cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình. Người Việt ăn mừng Tết với niềm tin thiêng liêng: Tết là ngày đoàn tụ và là ngày của hi vọng. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình theo Phật giáo đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên đã qua đời về ăn cơm Tết với các con các cháu. Tết là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc.   Tết còn là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi, vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là chúc nhau thêm một tuổi mới.


Quý thính giả thân mến! Đối với câu hỏi của nhiều thính giả muốn biết về ngày cúng ông Công ông Táo, chương trình xin được thông tin:  Theo Phong tục, Tết của người Việt bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng lễ tiển đưa ông Táo chầu Trời. Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là Thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ.


Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.Lễ cúng tiễn đưa Ông Táo chầu Trời được cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm. Bởi thế nên, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa “Ông Táo “. Mỗi gia đình thường mua 2 mũ ông Táo, 1 mũ bà Táo bằng giấy và 3 con cá chép làm “ngựa” (chuyện cá chép hoá rồng) đế Táo quân lên chầu trời. Ngoài các lễ vật chính , các gia đình làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, xôi, chè, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.


Tuần qua, chương trình tiếp tục nhận được nhiều thư, điện thoại của thính giả trong nước và nước ngoài góp ý cho các chương trình. Thính giả Richard Nowak (Mỹ) rất thích bài phản ánh những chính sách của Chính phủ Việt Nam để giúp 7 triệu người khuyết tật tìm việc làm. Thính giả Joerg Clemens Hoffmann, người Đức, thích chuyên mục sắc màu dân tộc và ca nhạc của chương trình. Đối với thính giả, Đài Tiếng nói Việt Nam là nguồn thông tin tin cậy, không thể thiếu và là cầu nối giữa Châu Âu và châu Á. Thính giả Algeria Mohamed Bouzeboudja gửi thư khen  bài phóng sự về sách ở vùng nông thôn. Thính giả Magdalena, người Indonesia thích chuyên mục mới Chuyện của làng. Để giúp thính giả Bunluong, người Lào phân biệt mục Làng quê Việt Nam và Nông thôn mới, chúng tôi xin trả lời: Làng quê Việt Nam là những bài phản ánh về cuộc sống, sinh hoạt, phong tục của các làng quê với lũy tre, mái đình, cây đa, bến nước… Còn mục Nông thôn mới, chúng tôi nhấn mạnh về chương trình của Chính phủ với 19 tiêu chí đang được các địa phương của Việt Nam thực hiện như  như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, văn hóa, việc làm….góp phần làm thay đổi bộ mặt của nông thôn.


Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070                       

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web www.vovworld.vn vào lúc: 0h-1h (giờ Hà Nội) tức từ 17h đến 18h (giờ quốc tế); và 8h30-9h30 (giờ Hà Nội) tức từ 1h30 đến 2h30 (giờ quốc tế) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.  

Phản hồi

Các tin/bài khác