Trả lời thính giả về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch VN cho người Việt Nam ở nước ngoài

(VOV5) - Tuần qua, chương trình nhận được của thính giả yêu cầu thông tin về việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho người Việt Nam ở nước ngoài. Thính giả cũng quan tâm tới thủ tục xin visa du học Mỹ. Đảo Ngọc Phú Quốc, một điểm du lịch nổi tiếng dịp hè cũng được giới thiệu trong chương trình.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chào quý vị, chào các bạn,

Mở đầu Hộp thư thính giả tuần này, chúng tôi xin thông tin về vấn đề mà người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm đó là việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Quý  thính giả thân mến !  Cho tới thời điểm này mới có 6 ngàn trong tổng số 4 triệu rưỡi người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Nguyên nhân do nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước sở tại, nên nhu cầu đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của họ không thật sự cấp thiết, thậm chí ở các nước theo nguyên tắc một quốc tịch cứng thì việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam có thể ảnh hưởng đến quy chế quốc tịch của họ ở nước sở tại, đến quyền lợi, công ăn việc làm, cư trú của họ.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị sửa đổi quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo phương án “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước ngày 01/7/2019 để giữ quốc tịch Việt Nam.” Tuy nhiên, việc đăng ký khó khăn, cộng công tác tuyên truyền hạn chế, cơ quan đại diện kiêm nhiệm nhiều nước nên phương án kéo dài thêm 5 năm thời gian đăng ký giữ quốc tịch như đề xuất của Chính phủ là khó khả thi. Ủy ban thường vụ cho rằng, chỉ cần quy định những người chưa mất quốc tịch theo pháp luật trước khi Luật quốc tịch có hiệu lực thì đương nhiên còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký để giữ quốc tịch theo quy định.

Tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa được tổ chức, các thành viên nhất trí, vẫn giữ việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không quy định cụ thể thời hạn đăng ký giữ quốc tịch.

Đây là một tin  vui đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu muốn giữ quốc tịch Việt Nam mà chưa có điều kiện đi đăng ký.

Về chủ đề du học, bạn Ngọc Nhu hỏi: “Năm lớp 12 em đã phỏng vấn xin visa di du học Mỹ nhưng đã bị từ chối 3 lần. Hiện nay em đã tốt nghiệp cao đẳng em muốn đi du học lại có được không và liệu có bị rớt visa hay không?”.

Bạn thân mến ! Số lần nộp xin visa không giới hạn. Tuy nhiên, tỷ lệ đạt visa của bạn còn tùy thuộc vào hồ sơ, điểm học, kế hoạch học tập, tài chính, lịch sử di trú trong gia đình… của bạn. Hiện nay bạn đã tốt nghiệp cao đẳng, bạn có thể ghi danh trực tiếp vào đại học. Yêu cầu đầu vào chung cho các chương trình đại học tại Mỹ  như sau:

- Yêu cầu về học thuật: Tốt nghiệp THPT

- Yêu cầu đầu vào về tiếng Anh:

+IELTS: từ 6.0 trở lên

+ TOEFL iBT: từ 71 trở lên

Quý thính giả thân mến! Nhiều thính giả ở nước ngoài và người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đã được nghe nói và cảm thấy rất cuốn hút với cái tên Đảo ngọc Phú Quốc. Hè này, nhiều du khách tới Việt Nam và trở về thăm quê hương muốn được khám phá địa danh này. Để giúp quý thính giả hiểu được phần nào về địa điểm du lịch này, từ đó, có sự lựa chọn về chuyến nghỉ mat vào mùa hè,  chúng tôi cung cấp một số tư liệu:

Đảo ngọc Phú Quốc từ lâu đã được mệnh danh là “thiên đường mặt đất”, là hòn ngọc quý của Việt Nam với những bãi biển còn nguyên sơ, bờ cát trắng mịn trải dài và đẹp. Khi đặt chân đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng và khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của rừng nguyên sinh, biển cả bao la với những bờ cát trắng mịn, nước tinh khiết, lặng ngắm san hô, câu cá. Ngoài ra, bạn còn có thể tìm hiểu về quy trình làm nước mắm, xưởng ngọc trai, ngắm những vườn tiêu bạt ngàn và nhiều khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế khác…

 Chúc các bạn có lựa chọn đúng và vui vẻ với kỳ nghỉ của mình dịp hè.

Quý thính giả thân mến ! Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, nhiều bạn trẻ tiếp tục bày tỏ nguyện vọng được tới Côn Đảo làm việc. Bạn Bùi Văn Tạo hỏi: “ Mình tốt nghiệp trường đại học y khoa Vinh, rất muốn được ra đảo làm việc nhưng không biết thủ tục thế nào. Nhờ chương trình tư vấn”

Thư của bạn Vương Thị Phượng viết: “Tôi hiện đang công tác tại trạm khuyến nông huyện Sơn Dương- tỉnh Tuyên Quang. Tôi sinh năm 1986 tốt nghiệp ngành trồng trọt trường Đại học nông nghiệp Hà Nội.  Tôi tình nguyện ra đảo làm việc thì thủ tục như thế nào?”

Bạn Thanh Huyền, có việc làm ổn định tại Vũng Tàu lại bày tỏ nguyện vọng được lập nghiệp và lập gia đình tại Côn Đảo.

Các bạn Nguyễn Văn Tâm, Yến Thi, Hoài Anh cũng mong muốn chương trình tư vấn về thủ tục để  được ra Côn Đảo làm việc.

Cảm ơn những tình cảm của các bạn và cũng rất cảm động trước những nhiệt huyết của tuổi trẻ được đóng góp công sức xây dựng quê hương.  Chúng tôi đã tra đổi về yêu cầu của các bạn với các chuyên gia và mong sớm sẽ có câu trả lời cụ thể, chính xác, giúp cho các bạn có lựa chọn đúng cho công việc của mình trong tương lai.

Tuần qua, chương trình nhận được thư của chị Hà Hải, ở Áo, như Phương, ở Sec, gửi tin, bài về hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại các nước. Trần Quốc Quân, doanh nhân người Việt ở Ba Lan cũng mong muốn được thông tin tổ chức buổi lễ ra mắt cuốn tiểu thuyết Tuyết Hoang; Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên dạy tiếng Việt ở Trường Sao Mai,  ở Beclin(Đức) xin các bài thơ về Trường Sa, về học sinh ở Trường Sa. Ngoài ra còn có thư của ông Nguyễn Văn Công, Hải Nam, ở Pháp; Phương Anh, ở Mỹ;  Trần Chính, ở Nga; Trường Giang, ở Đức.

Chương trình cũng tiếp tục nhận được tin, bài của các bạn đồng nghiệp trong nước, các cơ quan thường trú của Đài TNVN tại các nước Mỹ, Pháp, Lào, Nga về hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhân các ngày lễ kỷ niệm, đời sống của cộng đồng người Việt và tình cảm của người Việt Nam ở nước ngoài trước những diễn biến tại Biển Đông. Cảm ơn những tình cảm, sự đóng góp của quý thính giả, các CTV và chương trình mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của các bạn.

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ phát thanh đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vov.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này trên hệ VOV 5 vào lúc: 0h-1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.

Phản hồi

Các tin/bài khác