Xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em

(VOV5) - Chúng ta cũng sẽ phải tích cực nâng cao nhận thức của mỗi người lớn để cùng chung tay tạo dựng một môi trường an toàn cho trẻ em

Từ khi phê duyệt Công ước về quyền trẻ em năm 1990 đến nay, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu và tiến bộ trong việc đảm bảo trẻ em được phát huy những quyền chính đáng của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, trước tác động xấu của những nhân tổ chủ quan và khách quan, nhiều trẻ em vẫn phải đối diện với những rủi ro, nhất là tai nạn thương tích, bạo hành, xâm hại trẻ em ở cả môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Vậy làm thế nào để xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em, để các em có một mùa hè an toàn, các bậc cha mẹ, cơ quan nhà nước, ban ngành cùng trách nhiệm như thế nào. Phóng viên Hà Nam phỏng vấn bà Lê Hồng Loan, trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam về nội dung này. 

Nghe nội dung phỏng vấn tại đây: 
 PV: Thưa bà, chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay là “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, nhằm xây dựng một môi trường an toàn lành mạnh và thân thiện cho tất cả trẻ em. Theo bà chủ đề này có ý nghĩa như thế nào?

Bà Lê Hồng Loan: Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay là “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, nhằm hướng tới xây dựng một môi trường an toàn lành mạnh và thân thiện cho tất cả trẻ em. Theo tôi là hết sức có ý nghĩa và là một chủ đề rất là quan trọng. Hy vọng các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em xoay quanh chủ đề này sẽ góp phần trong việc nâng cao nhận thức và huy động vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội để đảm bảo một môi trường tốt đẹp cho mọi trẻ em Việt Nam.

Xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em - ảnh 1Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em
Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

PV: Vâng thưa bà, ở đây chúng ta vừa nói tới việc làm thế nào để xây dựng một môi trường an toàn lành mạnh cho trẻ em.

Bà Lê Hồng Loan: Những tháng hè là lúc có nhiều thời gian cho trẻ em vui chơi và cũng là thời điểm mà các tổ chức xã hội, đoàn thanh niên các tổ chức của địa phương và cũng có thể tận dụng để có thể là tổ chức các hoạt động vui chơi sinh hoạt và trang bị cho các em những kiến thức kỹ năng sống quan trọng. Ví dụ, trang bị cho các em các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước hay là các kỹ năng sống an toàn. Tôi nghĩ là việc tạo ra và đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ em là trách nhiệm của tất cả chúng ta, đặc biệt là của người lớn. Trong những năm trước đây, thì chúng tôi - Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc đã ghi nhận và đã có những hợp tác với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng những quy định về môi trường an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em Việt Nam những tiêu chuẩn như: Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn hay cộng đồng an toàn. Vấn đề ở đây là chúng ta cần phải truyền thông, phổ biến đến người dân, đến các cơ quan, các tổ chức, các doanh nghiệp để họ hiểu rõ về các tiêu chuẩn an toàn cho trẻ em. Thúc đẩy việc thực thi các quy định này đảm bảo một môi trường an toàn cho trẻ em. Cần có sự vào cuộc của các cấp

các ngành, các đơn vị và cả các doanh nghiệp trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn này đã được thực hiện. Bên cạnh đó cũng cần có những chế tài khi để xảy ra những vi phạm trong việc đảm bảo môi trường an toàn của trẻ em.

PV:  Vâng thưa bà, một trong những mối lo lớn nhất hiện nay của các bậc phụ huynh khi các con bước vào kỳ nghỉ hè, đó là các con sẽ tiếp cận nhiều với Intenet và công nghệ, vậy bà có thể phân tích những nguy cơ và rủi ro mà trẻ em có thể gặp phải trên môi trường mạng?

Bà Lê Hồng Loan: Intenet đã thay đổi cuộc sống và cơ hội cho tất cả chúng ta, trong đó có trẻ em. Ở Việt Nam thì tỷ lệ trẻ em sử dụng Internet rất lớn và intenet đã giúp cho các em trong vấn đề giải trí, kết nối, trò chuyện, giao lưu bạn bè và đặc biệt là có được một nguồn thông tin và kiến thức khổng lồ để giúp các em nghiên cứu và học tập. Tuy nhiên, intenet cũng tiềm ẩn rất nhiều cái rủi ro. Trong khi đó có nhiều trẻ em không biết cách sử dụng an toàn. Chúng ta cần lưu ý rằng internet và công nghệ thông tin không có hại nhưng Intenet và công nghệ đã làm thay đổi quy mô, phạm vi và các nguy cơ đối với trẻ em trong môi trường mạng. Không gian mạng tiềm ẩn rất nhiều nguy hại và hiểm họa đối với trẻ em, đó có thể là những hình thức bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em thông qua tài liệu. Sử dụng intenet thì tội phạm có thể truy cập tài liệu tương đối dễ dàng và trao đổi chia sẻ mà không mất phí. Một vấn đề nữa đó là intenet đã được những kẻ xấu sử dụng để bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến. Họ sử dụng các mạng thông tin để làm quen và dụ dỗ trẻ em, yêu cầu trẻ em xuất hiện trước webcam để thực hiện các hành vi tình dục hoặc bị xâm hại hại tình dục, đổi lấy tiền từ một khách hàng trả tiền cho các em và họ có thể xem trực tiếp hoặc là yêu cầu các em thực hiện các hành vi mà họ yêu cầu.

Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong vấn đề đảm bảo trẻ em được an toàn, trong đó có cả an toàn trong không gian mạng, đặc biệt phải kể đến việc xây dựng Chương trình bảo vệ trẻ em và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025 và Chính phủ cũng đang có nhiều các nỗ lực trong việc cải thiện khung pháp luật. Tuy nhiên chúng ta cũng đứng trước rất nhiều thách thức. Ở Việt Nam thì số lượng trẻ em được sử dụng intenet là lớn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 phần 3 các em được hướng dẫn cách để đảm bảo sử dụng mạng intenet một cách an toàn. Như vậy, chúng ta cần nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng quy mô toàn quốc trong vấn đề đảm bảo các em có các kiến thức và kỹ năng trong việc sử dụng mạng intenet và các chương trình này cũng không chỉ hướng đến các em mà cần hướng đến các bậc cha mẹ, thầy cô giáo cần tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, ứng phó với tất cả các hình thức xâm hại và bạo lực đối với trẻ em cả trực tuyến và ngoại tuyến

PV:  Vậy Quỹ nhi đồng liên hợp quốc có những khuyến cáo gì cho Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách cũng như đảm bảo một môi trường sống an toàn thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em?

Bà Lê Hồng Loan: UNICEF đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường hành lang pháp lý để đảm bảo là mọi trẻ em, trong đó có cả người chưa thành niên dưới 18 tuổi được bảo vệ một cách đầy đủ tới tất cả các hình thức, trong đó có cả việc được bảo vệ các em khỏi bị bóc lột và xâm hại qua mạng intenet.

Tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em để phòng ngừa và ứng phó với tất cả các hình thức bạo lực trực tuyến và cũng như ngoại tuyến, trong đó thì vấn đề đầu tư về nguồn nhân lực về làm công tác bảo vệ trẻ em là hết sức quan trọng. Thời điểm này thì Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều những đầu tư vào nguồn nhân lực. Tuy nhiên Việt Nam cũng chưa có hệ thống cán bộ công tác xã hội làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã, phường và chúng ta cũng chưa có lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em chuyên trách làm toàn thời gian ở cấp xã, phường.

Cùng với việc phải đầu tư nguồn lực cả vật lực và con người thì chúng ta cũng sẽ phải tích cực nâng cao nhận thức của mỗi người lớn để cùng chung tay tạo dựng một môi trường an toàn cho trẻ em

 Vâng, xin trân trọng cảm ơn bà.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác