Chỉ số PCI-Thước đo năng lực điều hành và môi trường đầu tư

(VOV5) - Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 (PCI) vừa được Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Đây không chỉ là nghiên cứu điều tra, khảo sát mang tính tham khảo mà có thể coi là thước đo rõ nhất cho những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Kết quả công bố năm nay cho thấy một số địa phương đã vươn lên vị trí cao trong bảng xếp hạng. Phóng viên Việt Hà có bài đề cập.


Chỉ số PCI-Thước đo năng lực điều hành và môi trường đầu tư - ảnh 1
Ảnh minh họa: ipc.dangnang.gov.vn

Nghe âm thanh tại đây:





Trong bảng xếp hạng năm nay,Vĩnh Phúc lần đầu tiên nằm trong top 5 địa phương có năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư cao nhất nước. Nhìn lại chặng đường của địa phương này có thể thấy sự bứt phá ngoạn mục. Năm 2012, Vĩnh Phúc đứng 10 trong bảng xếp hạng, nhưng năm sau đã  “rơi tự do”  xuống vị trí thứ 43. Với quyết tâm nâng hạng thứ bậc, lấy lại môi trường đầu tư tốt cho doanh nghiệp, đến 2013 Vĩnh Phúc đã về top 26 và năm 2015 có mặt trong top đầu. Ông Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc, cho biết xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, lãnh đạo tỉnh luôn sát sao, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động:“Để môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan chức năng quan tâm thường xuyên đến doanh nghiệp. Mỗi quý đều khảo sát từ 50 – 90 doanh nghiệp để xem họ phản ánh gì về những khó khăn vướng mắc, các đề xuất, các cơ quan nhà nước đã phục vụ doanh nghiệp đến mức nào. Rồi các điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, các chính sách về đất đai, các thủ tục hành chính...Tỉnh luôn lắng nghe ý kiến từ phía doanh từ đó có hướng giải quyết”.

Thái Nguyên cũng là một điểm sáng trong cải thiện môi trường kinh doanh, khi từ vị trí 57/63 năm 2011, năm 2015 Thái Nguyên đã vươn lên vị trí 7/63. Ông Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên, cho rằng thông qua các chỉ số PCI, chính quyền địa phương nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đổi mới để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động. Ngược lại, chỉ số PCI tốt lên sẽ giúp địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư. Như năm 2015, sau khi vươn lên thứ 8 trong bảng xếp hạng PCI (năm 2014), kinh tế Thái Nguyên có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng đạt trên 25%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Đến nay, bên cạnh Tập đoàn Samsung, Thái Nguyên còn có hơn 80 dự án đăng ký đầu tư và nâng tổng vốn đăng ký đầu tư tại địa phương lên đến 7,1 tỷ USD. Ông Nhữ Văn Tâm cho biết:“Hiện nay Samsung đã đầu tư tại Thái Nguyên 6 tỷ USD, giải ngân được trên 5 tỷ USD. Hiện họ sử dụng trên 70 nghìn lao động, tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên. Hiện Thái Nguyên đang thực hiện cơ chế 1 cửa và 1 cửa liên thông, chúng tôi thực hiện tương đối tốt, và hàng năm đều có đánh giá rút kinh nghiệm. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”.


Bên cạnh xếp hạng chất lượng điều hành của các địa phương, Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 còn đưa ra bức tranh tổng thể về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã có điểm sáng về cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đăng ký và cấp giấy đăng ký doanh nghiệp. Ở một “lăng kính” khác, khối doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI ) cũng chia sẻ cảm nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam tương đối an toàn so với các địa điểm khác, nhưng lại đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh về chi phí không chính thức, gánh nặng thực hiện các quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công... Ngoài ra, mặc dù, doanh nghiệp FDI là nhân tố quan trọng, đóng góp tạo việc làm, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI. Kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt.

Năm nay, một lần nữa, những đầu tàu kinh tế của cả nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...tiếp tục vắng bóng ở nhóm các địa phương được xếp hạng cao nhất trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bên cạnh đó, không ít địa phương chưa thay đổi được vị trí xếp hạng của mình qua nhiều năm. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế với việc tham gia một loạt các hiệp định thương mại quan trọng, đòi hỏi các các tỉnh, thành phố này nhanh chóng cải cách, đổi mới chất lượng điều hành, gấp rút cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, bởi đây chính là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi địa phương.

Phản hồi

Các tin/bài khác