Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển

(VOV5) - Một trong những nét độc đáo của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến là dấu ấn các  nghề thủ công truyền thống.

Tuy nhiên, ngày nay, các ngành nghề này đối mặt với nhiều thách thức đến từ thị hiếu khách hàng cũng như sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp. Thực tế đó đòi hỏi Hà Nội vừa phải gìn giữ giá trị truyền thống của từng nghề vừa phải sáng tạo, đổi mới sản phẩm để phát triển.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển - ảnh 1Tranh Hàng Trống dưới sự kế thừa và sáng tạo trên các chất liệu mới của các họa sĩ trẻ. Ảnh: VOV

Hà Nội được coi là “kinh đô” của các nghề thủ công. Nhắc tới Hà Nội là nhắc tới những phố nghề, như: Hàng Thiếc, Hàng Bạc, Hàng Hòm, Lò Rèn… Mỗi con phố đều gắn với một nghề thủ công truyền thống.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngày nay, phần lớn các phố vẫn giữ tên như xưa nhưng nghề gắn với tên phố thì đã mai một. Nhiều con phố đã trở thành các phố thương mại, kinh doanh các mặt hàng khác nhau.  Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, cho biết: "Trên phố cổ Hà Nội bây giờ không còn nhiều làng nghề mà chủ yếu là nơi để họ tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi cũng đang mong muốn được kết nối giữa phố nghề với làng nghề để làm sao những sản phẩm đưa lên trên phố là những sản phẩm đặc trưng cả về chất lượng và mẫu mã để đáp ứng sản phẩm quà tặng, phục vụ khách du lịch."

Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển - ảnh 2Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội. Ảnh: VOV

Hơn thế nữa, những sản phẩm thủ công truyền thống của các phố nghề Hà Nội cũng đang phải cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thị trường tiêu thụ hạn chế... Nghệ nhân, họa sĩ vẽ tranh Hàng Trống Nam Chi cho biết: "Với xã hội hiện nay, tranh Hàng Trống nếu chỉ tồn tại với những mẫu truyền thống thì tôi nghĩ nó chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Vì thế, cần có một số  đổi mới, như: đưa yếu tố lịch sử, yếu tố bản địa vào bức tranh để có sự sáng tạo, đưa kỹ thuật nghiền vàng, dát vàng lên tranh Hàng Trống để thích ứng với thị trường."

Trước thực tế trên, thành phố Hà Nội đang dần hoàn thiện, xây dựng cơ sở dữ liệu di sản nghề thủ công truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng thực hành những sáng tạo mới, mang lại những giá trị mới cho các phố nghề thủ công truyền thống. Đồng thời tạo nguồn quỹ phục vụ bảo tồn, lưu giữ tri thức dân gian nghề thủ công, cũng như hỗ trợ khơi nguồn thiết kế sáng tạo từ giá trị di sản. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ mang đến sức sống mới, hơi thở đương đại cho các sản phẩm dựa trên nguồn vốn di sản hay nền tảng tri thức dân gian, qua đó, chinh phục được khách hàng trong nước và quốc tế.

Nghệ nhân kim hoàn Nguyễn Chí Thành ở phố Hàng Bạc cho rằng: "Sản phẩm làm theo theo truyền thống thì đẹp hơn nhiều so với làm bằng máy. Bây giờ, ở Hàng Bạc, rất nhiều máy móc công nghệ nhưng phải phân biệt được hai vấn đề cơ bản là: mỹ thuật công nghiệp và mỹ thuật thủ công. Sản phẩm của chúng tôi là thủ công, mọi cái chúng tôi đều nấu lên và dàn ra thành sản phẩm. Người ta thì làm bằng khuôn, còn công nghệ hiện đại thì làm sáp, đúc... Trong nghề cổ truyền, có thú vui là khi mình làm cho khách một sản phẩm đẹp, khách hài lòng mình cũng thích."

Bên cạnh đó, Hà Nội 36 phố phường với những câu chuyện về các thương hiệu  vẫn luôn có sự hấp dẫn, như một dấu ấn đậm nét của lịch sử Hà Nội xưa. Chính vì thế, theo chị Đỗ Diệu Linh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Di sản, cùng với việc thay đổi mẫu mã các sản phẩm thủ công truyền thống thì cần xâu chuỗi chuyện kể về các phố nghề thành một sản phẩm du lịch: "Hiện tại, phố nghề của mình không có câu chuyện hoặc nếu có thì mờ nhạt. Vậy nên cần phải thiết kế câu chuyện về phố nghề và nghề còn đang thịnh hành để kể cho khách du lịch. Có rất nhiều cách kể chuyện, như: thông qua hình ảnh, video… Ngoài ra, việc tăng sức hút cho các tổ đình có diện tích và kiến trúc tốt bằng một số hoạt động, như: trưng bày, giới thiệu, học làm sản phẩm…Những hoạt động này hoàn toàn có thể tổ chức và làm được."

Hà Nội ngày nay tuy không còn nhiều phố nghề theo đúng nghĩa nhưng những giá trị đặc trưng của phố nghề vẫn mang những dấu ấn lịch sử. Vì vậy, những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là mỗi nghề thủ công vừa kế thừa những giá trị truyền thống lại vừa có sự đổi mới, sáng tạo sẽ giúp cho nghề thủ công truyền thống của Hà Nội được bảo tồn và phát triển.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác