Nguồn năng lượng cho phát triển đất nước

(VOV5) - Việt Nam đã và đang không ngừng đa dạng hoá các nguồn năng lượng cũng như triển khai nhiều giải pháp phù hợp để đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển đất nước. Thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2012, với bên bán là các nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên, đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Nguồn năng lượng cho phát triển đất nước - ảnh 1
(Ảnh minh họa: .etc3.com.vn)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo Bộ Công Thương cho biết, các quy định, quy phạm pháp luật về vận hành thị trường điện đã được các đơn vị chào bán điện nghiêm túc thực hiện, cập nhật những phần mềm chào giá và các thông tin cạnh tranh trên thị trường. Trên cơ sở giá chào của các nhà máy điện, Công ty mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua điện từ giá thấp đến giá cao. Giá điện năng thị trường được thiết lập qua cơ chế cạnh tranh và phản ánh đúng quan hệ cung cầu. Tuy nhiên, Cục Điều tiết Điện lực- Bộ Công thương khẳng định: trong giai đoạn thí điểm, giá điện vẫn do Nhà nước quản lý, người tiêu dùng vẫn chỉ trả tiền điện theo biểu giá Nhà nước quy định. Còn theo ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ năng lượng và dầu khí- Bộ Công thương, hơn một năm qua, thị trường điện cạnh tranh mới là bước đầu trong lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động vận hành và định giá điện, thu hút đầu tư phát triển các nguồn điện mới. Ông Tạ Văn Hường nói: “Trên thực tế thì chúng ta mới ở giai đoạn đầu. Bất cứ cá nhân nào, doanh nghiệp nào có khả năng, có mong muốn hoạt động trong ngành năng lượng đều được phép: doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư, có thể là một nửa nhà nước, nửa tư nhân, hoặc là một số tư nhân. Đặc biệt phần có thể xã hội hoá nhất là khâu phôi phối điện năng cho các hộ ở nông thôn hay thành thị”.

Có thể thấy, môi trường cạnh tranh lành mạnh là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường điện vận hành đúng với các nguyên tắc kinh tế. Và quan trọng là buộc các doanh nghiệp đầu tư nhà máy điện phải đổi mới phương thức quản trị, công nghệ sản xuất, cách thức phân phối để đưa ra mức giá điện thấp hơn. Sự cạnh tranh sẽ khuyến khích các đơn vị phát điện tiết kiệm chi phí sản xuất, truyền tải, phân phối để có giá bán hợp lý, minh bạch tới người tiêu dùng. Riêng các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu như: Hòa Bình, Sơn La, Ialy... không tham gia chào giá trên thị trường phát và được vận hành trên cơ sở phối hợp tối ưu giữa chức năng phát điện với các nhiệm vụ xã hội như chống lũ, tưới tiêu....Việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong các dự án năng lượng điện trong hơn một năm qua cũng đã có những kết quản khả quan. Ông Nguyễn Đình Hiệp, phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ- Bộ Công thương cho rằng: “Chính phủ đã có nhiều quyết định tạo rất nhiều thông thoáng cho nhà đầu tư, cũng như có những cơ chế đặc biệt để giải ngân nhanh nguồn vốn cho đúng tiến độ. Hiện nay giai đoạn chuẩn bị của các dự án rất tốt, không vướng mắc gì cả. Nhưng chỉ chậm tiến độ ở khâu mà các dự án phát triển nguồn điện thường phải đặt hàng ở các hãng cung cấp thiết bị”.

Theo Tập đoàn địên lực Việt Nam EVN, từ nay đến cuối năm, nguồn điện sẽ được cải thiện đáng kể, do có một số thuận lợi về nguồn nước thủy điện, sự vận hành ổn định của nhiệt điện than và điện nhập khẩu. Các nguồn vận hành đúng tiến độ dự kiến cũng sẽ bổ sung thêm hơn 2000 MW cho hệ thống điện quốc gia. Việt Nam đang tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng nguồn và hệ thống điện, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn cung cấp điện truyền thống, phát triển các nguồn điện mới, năng lượng tái tạo và ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình...PGS.TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp cho rằng: “Để đảm bảo cung cấp cho lưới điện quốc gia, VN cần 87 tỷ đô la Mỹ, hàng năm phải đầu tư 2,8 tỷ đô la cho phần nguồn và 1,5 tỷ đô la cho phần lưới điện. Đó là gánh nặng rất lớn, nên phải làm sao đưa ra được cơ chế chính sách để huy động nguồn vốn trong nhân dân”.

Trên thực tế, ngành năng lượng điện Việt Nam những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh trong tất cả các khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối, xuất nhập khẩu điện. Về cơ bản, toàn ngành đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với quy mô các ngành điện, than, dầu khí đều vượt hơn hẳn hơn 10 năm trước. Việc huy động nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện, từng bước phát triển thị trường phát điện cạnh tranh nằm trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2025; trong đó chính sách an ninh năng lượng được coi là xương sống. Cùng với đó, định hướng chiến lược phát triển các ngành điện, than, dầu khí theo hướng đa dạng hóa sở hữu, khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo; tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước hình thành và phát triển thị trường cạnh tranh ở các lĩnh vực điện, than và dầu khí./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác