Tái cấu trúc ngành sản xuất cá tra

(VOV5) - Đến nay, Việt nam vẫn là một trong những nước đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, những biến động của thị trường thế giới thời gian qua, cộng với những khó khăn trong nước đã khiến ngành cá tra phát triển không ổn định. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành cá tra Việt Nam đang đặt ra nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý và điều chỉnh ở tất cả các khâu nhằm đảm bảo lợi ích của người nuôi và doanh nghiệp, đồng thời chú trọng chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường.

 

Tái cấu trúc ngành sản xuất cá tra - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Cá tra  là một trong những mặt hàng xuất khẩu có nhiều tiềm năng của Việt nam. Năm 2013 xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD và tính đến cuối tháng 4 vừa qua, giá trị xuất khẩu cá tra cũng đạt 546 triệu USD.  Mặt hàng cá tra của Việt nam hiện có mặt trên 149 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và chiếm khoảng 26%  trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.  Tuy nhiên, cho đến nay,  việc sản xuất và tiêu thụ cá tra của Việt nam vẫn gặp nhiều khó khăn, do thị trường nhập khẩu truyền thống của Việt nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Thêm vào đó, những cuộc cạnh tranh trong thương mại ở các thị trường lớn như: Mỹ, Eu cũng đã gây không ít tổn thất cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam.


Để đứng vững và phát triển thị trường, ngành cá tra Việt nam đang đề chiến lược phát triển lâu dài và mang tính bến vững. Giải pháp quan trọng là tăng cường chất lượng xuất khẩu, chú trọng việc quảng bá sản phẩm cá tra, giúp thị trường tiêu dùng hiểu rõ hơn về nguồn gốc và qui trình chế biến theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Ở trong nước, ngành cá tra Việt nam thực hiện hàng loạt các giải pháp cải cách quá trình sản xuất, nuôi và chế biến nhằm theo phương thức đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các sản phẩm cá tra nhằm đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường.


Một trong những giải pháp được ưu tiên là đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi cá tra, nhằm tăng cường kiểm soát diện tích nuôi, thông qua đó kiểm soát được sản lượng cá tra thương phẩm, đảm bảo đảm các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản. Ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt nam, cho biết: Chính phủ đã có Nghị định 36  về đẩy mạnh  thực hiện tiêu chuẩn VIET GAP( Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt nam)  và GLOBAL GAP( Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Sắp tới đây sẽ xây dựng các tiêu chuẩn này để cải thiện các vùng nuôi. Nghị định này cũng đưa ra những điều kiện ràng buộc, nhất là xây dựng những tiêu chuẩn chất lượng có sự tương thích với các  điều kiện của nơi nhập khẩu.

 

Tái cấu trúc ngành sản xuất cá tra - ảnh 2

Mới đây tại cuộc họp giữa Ban Kinh tế Trung ương và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cũng đã nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh tái cấu trúc ngành cá tra. Tại hội nghị, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Lê Vĩnh Tân dã nhấn mạnh các giải pháp cân bằng giữa nhu cầu phát triển gắn với thị trường tiêu thụ, trong đó coi trọng chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh liên kết, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi. Ông Lê Vĩnh Tân, cho rằng: Bây giờ quy hoạch thì phải theo quy luật thị trường. Trong đó phải tích điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, nước v.v.. Cơ chế thị trường chỉ chấp nhận và tồn tại những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, làm tốt và tuân thủ các quy định. Cái này nên có chính sách đối với những doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường nhưng không có vốn để đầu tư.

 

Tái cấu trúc ngành sản xuất cá tra - ảnh 3

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt danh mục dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra, cá basa bền vững tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Switch-Asia của EU.


Dự án sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế và thông qua dự án, EU sẽ hỗ trợ trực tiếp toàn bộ chuỗi cung ứng cá tra từ khâu cung ứng giống, sản xuất thức ăn, nuôi và chế biến của Việt Nam đến các nhà xuất nhập khẩu và người tiêu dùng cuối cùng, trong đó có EU, hiện đang là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu cá tra Việt Nam.


Dự án được thực hiện trong 4 năm từ 2013 đến 2017, tập trung vào nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất. Trong đó, xác định cá tra là ngành kinh doanh có điều kiện, phát triển theo cụm ngành và quản trị theo chuỗi ngành hàng từ cơ sở nuôi đến chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ thông qua các quy định về chất lượng sản phẩm. Đây là điều kiện để ngành cá tra Việt nam hướng tới sản xuất bền vững . đem lại thu nhập cho người lao động với hiệu quả kinh tế cao./.

Phản hồi

Các tin/bài khác