Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển

(VOV5) - Nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động. Đó là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đó cũng là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và doanh nghiệp vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 4 vừa qua.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:


 Nghị quyết 35 của Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2020, doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững và cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Điểm đáng chú ý là lần đầu tiên trong nghị quyết, Chính phủ xác định doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế. Một điểm mới nữa đó là chính phủ yêu cầu việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp công khai, tránh trùng lặp, chồng chéo; Công tác thanh tra, kiểm tra chỉ một lần trong năm, đặc biệt là cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế. Bà Nguyễn Thị Cúc, Hội tư vấn Thuế Việt Nam, chia sẻ:Hiện nay ngành thuế đã cải cách rất nhiều về các quy trình, nhất là công tác ứng dụng công nghệ thông tin, nhờ đó giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Tuy nhiên, ngành thuế cần có thêm những biện pháp sửa đổi các quy trình nhất là công tác đào tạo cán bộ thuế giỏi cả về nghiệp vụ cả văn hóa ứng xử và đạo đức nghề nghiệp nữa. Tôi tin rằng với với nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế các doanh nghiệp sẽ ủng hộ vào sự thay đổi, cải cách chính sách của chính phủ, trong đó có ngành thuế và hải quan.


Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển  - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước". Ảnh: Thống Nhất-TTXVN



Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực; xem xét trình Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Loại bỏ những giấy phép con, giảm thiểu và chuẩn hóa thủ tục hành chính trong bối cảnh hội nhập.


Trong buổi gặp gỡ với doanh nghiệp mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ: Tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số doanh nghiệp an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh. Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Nhà nước cũng bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư. Chia sẻ về quan điểm này, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, thành viên Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng: Chúng ta đang thấy Nhà nước cho phép kinh doanh những gì không cấm. Mọi người khi có tiền đầu tư kinh doanh, dù là kinh doanh nhỏ hay lớn là việc của doanh nghiệp, còn tiền của nhà nước đầu tư vào những gì mà doanh nghiệp nhà nước định hướng theo quốc kế dân sinh. Nhà nước cần đầu tư, thì doanh nghiệp chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép. Ở đây có hai con đường khác nhau: doanh nghiệp tư nhân thì có quyền kinh doanh những gì nhà nước không cấm, còn doanh nghiệp nhà nước chỉ được quyền làm những gì mà nhà nước cho phép. Điều này cũng không mâu thuẫn trong nền kinh tế thị trường. 
   

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển  - ảnh 2



Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách để giảm mạnh chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ cũng sẽ có chương trình ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất; tạo cơ chế phát triển kênh phân phối; tạo cơ chế khuyến khích phát triển các khu cụm công nghiệp đủ cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công.Những hành lang pháp lý đầy đủ này sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác