Việt Nam tái cơ cấu ngành nông nghiệp để hội nhập và phát triển

(VOV5) - Sau hơn hai năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có bước tăng trưởng rõ rệt. Đứng trước những thách thức khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do khu vực và toàn cầu, nền nông nghiệp Việt Nam trong năm 2015 đẩy mạnh hơn quá trình tái cơ cấu, tạo tiền đề để nền kinh tế hội nhập bền vững trong năm 2016.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Việt Nam tái cơ cấu ngành nông nghiệp để hội nhập và phát triển  - ảnh 1


Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Việt Nam cụ thể hóa bằng 6 tiểu đề án trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và chế biến nông, lâm, thủy sản và muối. Đến nay, đã có 47 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch hành động của địa phương. Năm 2015, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đạt gần 20 ngàn tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2014. Bình quân giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trong năm 2015 đạt khoảng 160 triệu đồng/1ha. Đánh giá về sự thành công này, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Nông nghiệp Việt Nam đã tái cơ cấu và đạt được những tín hiệu đáng mừng, trong đó nổi bật là mô hình cánh đồng mẫu lớn. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào nông nghiệp như Tập đoàn Vincom đầu tư vào sản xuất các mặt hàng rau quả sạch. Ngành nông nghiêp Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu hơn nữa để đưa những người nông dân thành những người công nhân nông nghiệp và bảo đảm những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu”.

 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo vùng, vật nuôi, phương thức chăn nuôi, đổi mới hệ thống giết mổ và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng. Năm 2015, sản xuất chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng và chuyển đổi theo hướng tích cực, giá trị kinh tế tăng khoảng 5% so với năm 2014, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

 

Tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những yếu tố để tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: “Phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trong đó nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu đó là tổ chức lại sản xuất với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp, tổ chức lại các hợp tác xã, các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị. Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ thông qua các doanh nghiệp xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân để góp phần thay đổi sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân”.

 

Năm 2016, Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới qua các hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và là thành viên của  Cộng đồng kinh tế ASEAN, ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng đứng trước nhiều cơ hội, thách thức. Do vậy nông nghiệp Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến, hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm chủ lực. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức cho rằng: “Khi tham gia sâu vào thị trường thì phải nâng cao sức cạnh tranh, nông dân không thể nâng cao năng lực cạnh tranh nếu như không có sự hỗ trợ của cơ quan cức năng, cấp chính quyền, tạo ra sự thuận lợi hơn cho người chăn nuôi, sản xuất, doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận thông tin, thị trường, thiết bị, máy móc công nghệ mới. Chúng ta làm thế nào để doanh nhân hóa nông dân”.

 

Với khoảng 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong quá trình hội nhập quốc tế, nông nghiệp Việt Nam xác định mục tiêu tăng cường mối quan hệ giữa khoa học - doanh nghiệp - nông dân, để tăng sức cạnh tranh với hàng hóa bên ngoài. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: “Yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới đặt ra chất lượng của các mặt hàng nông lâm sản đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tái cơ cấu làm sao nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Trước hết địa phương phải xác định trồng cây gì, nuôi con gì là chủ lực và làm sao nâng cao giá trị của nó lên. Chúng ta chỉ đạo nó như thế nào để giá trị của sản phẩm nông nghiệp được nâng lên”.

 

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong triển khai tái cơ cấu cả nền kinh tế đất nước. Chính vì vậy, các Bộ, ngành đã và đang phối hợp với các địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp một cách đồng bộ, quyết liệt; nắm bắt những cơ hội, hóa giải những thách thức để song hành cùng tiến trình hội nhập khu vực và thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác