Xuất khẩu Việt Nam 2016 nỗ lực vượt khó

(VOV5) -  Năm 2016 là năm có nhiều dấn ấn quan trọng của Việt Nam với nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết, đây được coi là tín hiệu tích cực, tác động đến kinh tế.


Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của các ngành kinh tế mũi nhọn như dệt may, da giày, điện tử, nông sản… và nhiều ngành hàng khác trong năm qua vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, song cũng ghi nhận nhiều nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế khu vực và thế giới.


Xuất khẩu Việt Nam 2016 nỗ lực vượt khó - ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet



Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Năm 2016, mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn với diễn biến suy giảm mạnh cả về cung và cầu trên thị trường, song kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2016 nhìn chung vẫn tiếp tục giữ xu hướng tăng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ nhịp độ tăng trưởng, dù mức tăng trưởng còn thấp so với mục tiêu đã đề ra.


Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng kim ngạch xuất nhập cả nước đạt khoảng 170 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng 7-7,5%. Qua đây có thể thấy một xu hướng khá rõ là xuất khẩu vẫn duy trì tăng trưởng dù ở mức thấp hơn so với mục tiêu đề ra (10%), nhưng đây là một trong những yếu tố góp phần giữ vững xu thế xuất siêu trong nửa đầu năm. 

Nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng thấp chủ yếu do giá xuất khẩu giảm mạnh, bao gồm cả giảm giá dầu thô và giá xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến. Điều này cho thấy cũng như nhiều nước trong khu vực, xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng suy giảm rất lớn từ xu thế giảm giá của thị trường thế giới liên tục từ năm 2015 trở lại đây. Dệt may Việt Nam, lĩnh vực xuất khẩu được kỳ vọng nhất từ trước tới nay, cũng không nằm ngoài xu thế chịu tác động của xu thế giảm giá của thị trường thế giới năm nay. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội da giày-túi xách Việt Nam cho biết: “Đối với tăng trưởng của ngành da giày năm 2016, do sự suy giảm của các thị trường xuất khẩu như EU, trong đó những thị trường then chốt như thị trường Anh có mức suy giảm đáng kể, nên cũng ảnh hưởng tới kim ngạch của cả ngành. Với kế hoạch của ngành da giày đang dự tính tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, toàn ngành sẽ đạt hơn 16 tỷ. Tuy nhiên, đến thời điểm này khả năng mức tăng trưởng đó chỉ đạt được 8%. Do vậy, từ giờ đến hết tháng các doanh nghiệp đang phải nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy các đơn hàng cũng như cố gắng đạt được các kế hoạch đã đặt ra”.

Mặc dù xuất khẩu năm 2016 chưa cán đích, song vẫn còn những điểm sáng đáng chú ý. Một số mặt hàng mới có tốc độ tăng trưởng cao như rau quả tăng 30% so với năm ngoái; bánh kẹo tăng 17%; thức ăn chăn nuôi tăng 17% trong khi xơ sợi dệt tăng 14%... Một số mặt hàng truyền thống cũng có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu…. Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2016 là điểm sáng. Đơn cử như cá tra của Việt Nam đã có mặt ở 140 thị trường, tăng thêm 4 thị trường so với 2015. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Mỹ, thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, đạt ở mức trên 360 triệu USD, chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đối mặt với những biến động thị trường, các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, mức tăng trưởng này là một sự nỗ lực lớn. Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng: “Những giải pháp để chúng ta thúc đẩy tăng trưởng đều gắn với nâng cao hiệu quả chất lượng, năng suất. Điều này Chính phủ cũng đã nêu ra nhiều đặc biệt là trong nông nghiệp, đã có nhiều việc làm thúc đẩy đối với khởi nghiệp, áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Các ngành khác từ công nghiệp, dịch vụ cố gắng rất nhiều để tái cơ cấu gắn liền với thể chế”.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong bối cảnh các nước xuất khẩu lớn khác cũng bị giảm sút về tốc độ tăng trưởng nhưng việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng trên 7% là  rất đáng ghi nhận. Bởi vậy, bước sang năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hoàn toàn có thể kỳ vọng tăng trưởng ở mức cao hơn. Ông Trần Thanh Hải phân tích: “Bên cạnh việc mở rộng thị trường, chúng ta cũng phải quan tâm tới việc điều chỉnh các ngành hàng. Không chỉ chú trọng vào việc chiếm lĩnh các thị trường mà còn phải chiếm lĩnh được những ngành hàng có lợi thế trên bản đồ thế giới. Ví dụ cách đây 5 năm chúng ta không nghĩ là Việt Nam là điểm sáng trong làng công nghệ hoặc một công sở để sản xuất về mặt hàng điện thoại di động, thì nay chúng ta đã có tên tuổi. Do đó cần xác định lại các ngành hàng và phát triển các ngành hàng mà ta có lợi thế”.

Năm 2016 là một năm đầy khó khăn của các mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Những khó khăn đã qua là chất xúc tác để các doanh nghiệp phát huy nội lực và tranh thủ lợi thế của việc tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, vươn lên hội nhập toàn cầu. Đây là những cơ hội tiếp tục tăng cường và thúc đẩy phát triển thương mại, là cú hích đối với tăng trưởng xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của đất nước trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác