Số hóa nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và chăm sóc người dân

(VOV5) - Y tế là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu tại Việt Nam. 

Đẩy mạnh số hóa, giảm bớt thời gian làm thủ tục tại các cơ sở khám chữa bệnh là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tại các bệnh viện, nhiệm vụ này được triển khai tích cực, tạo nên những thay đổi rõ nét trong công tác khám, chữa bệnh.

Số hóa nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và chăm sóc người dân - ảnh 1Chẩn đoán và xử trí ban đầu cho bệnh nhân tăng huyết áp được kết nối qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh minh họa: thainguyentv.vn

Nghe âm thanh bài tại đây:

 

- Alo Ngân ơi, ca này chụp CT thấy có tổn thương rồi đấy.

-chuyển hướng 2 nhé

-liệt bên trái phải không?.

-Tổn thương bán cầu bên phải, vẫn còn trong giờ vàng nên xử lý cho bệnh nhân luôn đi.

-vậy là sử dụng tia xung huyết được, đúng không?

Trên đây là đoạn trao đổi về ca bệnh đột quỵ được bác sỹ Bùi Thị Yến Chi, bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, chẩn đoán cấp cứu nhanh tại chỗ thông qua hệ thống truyền tải hình ảnh.

Ứng dụng này được bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long triển khai từ năm 2021, giúp các bác sỹ chẩn đoán từ xa, xem được hình ảnh CT scan bằng máy điện thoại thông minh. Qua đó, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ trong giờ vàng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh.

Bác sỹ Bùi Thị Yến Chi, phụ trách đơn vị đột quỵ, bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: "Hiện tại, hệ thống Bass là hệ thống quản lý hình ảnh của bệnh nhân một cách tối ưu, giúp bác sỹ có thể sử dụng hình ảnh online trực tiếp. Chỉ cần điện thoại có kết nối internet thì bất cử ở đâu, bác sỹ cũng có thể xem tầm 1 - 2 phút, rồi đọc kết quả cho đồng nghiệp. Bệnh nhân không phải chờ lâu, tiết kiệm thời gian vàng, giúp cứu sống bệnh nhân kịp thời."

Đơn vị đột quỵ chỉ là 1 trong nhiều khoa của bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin. Việc thúc đẩy chuyển đổi số bệnh viện, thông qua các hệ thống kết nối trực tuyến đã thiết lập sự phối hợp từ xa giữa các chuyên khoa xử lý kịp thời, cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng mà không mất thời gian chuyển viện.

Trong khi đó, khâu khám bệnh cũng được rút ngắn hơn khi bác sỹ có thể xem trước hồ sơ kết quả siêu âm, xét nghiệm nhanh trên máy mà không cần đợi bệnh nhân cầm kết quả về phòng khám. Bác sỹ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, chia sẻ: "Bệnh viện cũng đã triển khai đăng ký khám chữa bệnh từ xa để làm sao giảm thời gian chờ của bệnh nhân, để bệnh nhân thuận lợi trong đăng ký khám cũng như trong quá trình khám bệnh. Đồng thời, bệnh viện cũng đang triển khai thu viện phí không dùng tiền mặt, có kế hoạch và thí điểm 1 số bộ phận để triển khai bệnh án điện tử, cho thấy hiệu quả đáng khích lệ. Thời gian tới, bệnh viện sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, như: quản lý sức khỏe điện, tử quản lý hồ sơ nhân lực, triển khai thu viện phí không dùng tiền mặt, dần dần sẽ triển khai toàn bộ việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử trong toàn bệnh viện."

Ở phạm vi rộng hơn, nhiều cơ sở y tế phía Nam của Việt Nam đã đưa ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh liên bệnh viện vào hoạt động. Ứng dụng này giúp người dùng truy cập, lựa chọn bệnh viện thuộc hệ thống liên kết, cung cấp thông tin cá nhân và yêu cầu khám, chữa bệnh cần thiết. Các thao tác được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm, thông tin được xử lý nhanh chóng, chính xác, giúp người bệnh dễ dàng thực hiện tại nhà mà không cần đến bệnh viện.  

 "Tôi đăng ký trên app luôn, không cần phải đến bệnh viện sớm để xếp hàng nữa. Khi đăng ký xong thì mới đến bệnh viện, nhờ nhân viên bệnh viện xác nhận, rồi vào khám liền, không cần chờ đợi như xưa nữa. Trên app có nhiều bệnh viện thì mình cứ vô đó, chọn bệnh viện rồi đăng ký khám thôi." "Từ ngày có phần mềm này, gia đình tôi đỡ lắm. Con tôi đăng ký lịch khám bệnh. Lúc trước thì còn phải xếp hàng, xếp sổ. Nhưng từ khi có chương trình kết nối này, tôi thấy rất hay, tôi hy vọng nó sẽ duy trì liên tục." - Các bệnh nhân chia sẻ.

Trong khi đó, ở phía Bắc, như: tại tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, việc khám chữa bệnh trên môi trường số cũng trở nên phổ biến. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ người dân đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa thành phố Lào Cai bằng căn cước công dân gắn chíp đạt 64%. 100% giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử được liên thông, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng dần.

Bệnh viện đa khoa thành phố Lào Cai cũng áp dụng bệnh án điện tử, duy trì tốt điểm cầu truyền hình trực tuyến và các phần mềm quản lý xét nghiệm, quản lý hình ảnh y khoa. Bệnh viện đã triển khai Ứng dụng chăm sóc sức khỏe người dân VNCARE từ đầu năm. Nhờ đó, các bác sỹ của bệnh viện nắm được lịch tái khám của bệnh nhân và gọi điện nhắc lịch, đặt giờ khám cho từng ca cụ thể. 

Bà Phạm Thị Thu, Trưởng phòng tổ chức hành chính - Tài chính kế toán, cho biết: "Thời điểm hiện tại, số lượng bệnh nhân đăng ký khám và nhắc hẹn là hơn 100 bệnh nhân/ngày, và đặc biệt là những trường hợp sử dụng phần mềm VNCARE khám rất tốt."

Còn tại tỉnh Thái Nguyên, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chip. Các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện kết nối liên thông với trên 1,1 triệu lượt khám. Gần 380 nghìn người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử (29,2% dân số của tỉnh). Đây chỉ là 2 trong rất nhiều những kết quả tích cực mà y tế Thái Nguyên đạt được, cũng là tiền đề để thực hiện mục tiêu xây dựng ngành y tế số.

Số hóa nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và chăm sóc người dân - ảnh 2Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên. Ảnh: thainguyentv.vn

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, cho biết: "Trong năm nay và những năm tiếp theo, để làm tốt hơn nữa công tác chuyển đổi số của ngành Y tế, ngành tập trung vào một số nhiệm vụ: tập trung nâng cao hạ tầng về công nghệ thông tin từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh để quản lý được việc khám, chữa bệnh; xây dựng những phần mềm để quản lý số; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin về y tế để giúp cho việc quản lý tốt hơn."

Với hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng ngay từ tuyến y tế cơ sở; hạ tầng đang dần được đồng bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao được bổ sung, ngành Y tế đang có những bước tiến trong lộ trình chuyển đổi số, góp phần tạo nên những thay đổi rõ nét trong công tác khám, chữa bệnh.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác