Gìn giữ văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ người Việt tại Đức

(VOV5) - Gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ nơi xa xứ là mong muốn của mỗi gia đình người Việt Nam sống ở nước ngoài. Người Việt tại Đức cũng vậy. Những ông bố, bà mẹ, những cô giáo, thầy giáo người Việt tại Đức đã truyền cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương qua ngôn ngữ, phong tục tập quán.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:


|Trong tà áo dài duyên dáng cùng với giọng nói nhỏ nhẹ, cô giáo Nguyễn Lan Hương gây được thiện cảm với những người xung quanh bằng vẻ đẹp của người phụ nữ Hà Nội cho dù đã nhiều năm sống ở Đức. Cô chia sẻ về công việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài với nhiều trăn trở, ưu tư, với mong muốn được gìn giữ tiếng nói dân tộc nơi xa xứ. Còn trong gia đình, từng ngày, cô vẫn gieo cho các con tình yêu tiếng Việt qua những câu thơ ngộ nghĩnh, hay dạy con tập viết văn, viết thơ. Ẩn sâu trong tâm hồn là nỗi niềm canh cánh với quê hương, với những giá trị truyền thống của dân tộc. Cô giáo Hương Lan kể:Về nhà các cháu phải nói tiếng việt.  Đến bây giờ cháu lớn đọc tiểu thuyết, nghe nhạc Việt như người Việt. Còn cháu trai thì biết viết, gieo vần đoạn thơ và cũng nói thạo tiếng Việt. Con tự làm thơ, tự gieo vần. Đề tài gì cũng có thể làm được. Tôi nhớ bài văn của con tôi như thế này: Hôm nay trời đẹp ông mặt trời xuyên qua cửa sổ phòng em. Ở dưới đường mọi người ăn kem nhóp nhép. Không tin người đọc đến mà xem. Em mong trời đẹp đến tận trưa và trời không có mưa. Mỗi gia đình quan tâm như thế thì sẽ biết nói tiếng Việt. Gia đình vẫn là cơ bản. Các bạn gìn giữ được hay không,  nói tiếng Việt được hay không do bố mẹ là chính. Tết thì tôi vẫn có mâm ngũ quả thắp hương, giỗ tổ tiên, dạy con khấn. Để cho các con biết người Việt chú trọng đến truyền thống”.

Gìn giữ văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ người Việt tại Đức - ảnh 1
Trẻ em người Việt và người Đức tham gia hoạt động văn hóa. Ảnh: vnexpress.net


Với mỗi người Việt Nam, giống như cô giáo Hương Lan, gia đình là nhân tố quan trọng trong việc gìn giữ phong tục tập quán, tiếng nói cho con em mình. Chính vì vậy, ngoài thời gian đi làm, các ông bố, bà mẹ vẫn cố gắng giúp các em, thế hệ trẻ sinh ra ở Đức duy trì những sinh hoạt truyền thống từ ăn uống, lễ hội đến ngôn ngữ. Bà Trần Thị Phương, người Việt sống ở  Đức mấy chục năm chia sẻ: "Bên đấy lễ truyền thống, hội truyền thống của người Việt rất lớn. Tổ chức cho các cháu Tết, ngày Trung thu, 1 tháng 6, lớn nhất của nước Đức. Chúng tôi gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc rất tốt, bên đó, tổ chức Tết cho người Việt. Chúng tôi thường xuyên luyện tập nói với các con bằng tiếng Việt nam. Nói về món ăn dân tộc thì  tuyệt đối như ở Việt Nam”.

Cuộc sống bận mải nơi xa xứ khiến nhiều gia đình người Việt cũng gặp không ít khó khăn trong việc gìn giữ phong tục tập quán của Việt Nam. Hơn nữa, con em của họ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, lập gia đình với người bản xứ thì việc pha trộn giữa các nền văn hóa là điều không tránh khỏi. Đó là những trăn trở của khá nhiều ông bố, bà mẹ đang sống tại Đức. Hãy nghe tâm sự của ông Nguyễn Xuân Hùng, một việt kiều Đức: “Gia đình tôi bên Đức, con trai có bạn gái Đức. Thế hệ sau này dần dần pha trộn hai nền văn hóa. Thế hệ con của tôi còn giữ được vì  bố mẹ cố gắng nói với nó. Nhưng nhiều khi cũng phải chấp nhận sự pha trộn của văn hóa phương tây. Đến con của chúng nó càng mất dần. Tôi vẫn đau đáu, vẫn tin con cháu mình  rồi nước chảy về nguồn mãi mãi là người Việt Nam.  Những việc làm của mình và của anh em bạn bè cố gắng giữ bản sắc văn hóa Việt Nam”.

Đó cũng là ý kiến của anh Trường Giang người Việt ở Đức khi nói về việc duy trì tiếng nói dân tộc trong mỗi gia đình người Việt Nam tại Đức: “Ở bên đó, có nhiều lớp dạy tiếng Việt ở thành phố lớn. Gia đình nào quan tâm thì các cháu nói tốt, còn bố mẹ bận mải công việc thì  việc dạy con giữ gìn ngôn ngữ tiếng nói cũng có nhiều khó khăn. Nhiều khi bố mẹ bận con cái cũng không đến được các lớp tiếng Việt thường xuyên”.

Gìn giữ văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ người Việt tại Đức - ảnh 2


Với tâm niệm “ nước chảy về nguồn, mãi mãi là người Việt”, những  người con đất việt ở Đức đang cố gắng gìn giữ và truyền tình cảm quê hương, tình yêu đất nước cho các thế hệ sau, giúp họ không quên cội nguồn, tổ tiên, duy trì nền nếp trong các gia đình Việt. Bà Chu Bích Ngọc, 30 năm sống ở Đức, có con dâu người Đức và các cháu sinh ra ở nước ngoài tâm sự "Trước tiên là về tâm linh, ngày Tết hướng dẫn thế hệ thứ 2, thứ 3 đến chùa hiểu được tập quán của người Việt Nam như lễ phật. Mình kính phật thì mới lễ phép với bố mẹ. Nên truyền thống của người Việt Nam trước tiên là nhớ đến tổ tiên,  ông bà sinh thành ra bố mẹ mình, rồi đến bố mẹ mình rồi đến con cái. Tôi có ba cháu thì 2 cháu nói sõi tiếng Việt. Ở trường nói tiếng Đức nhưng về nhà phải nói tiếng Việt".


Nhiều năm qua, đón Tết xa quê, cảm giác cô đơn vì không có người thân, bạn bè, nhưng đổi lại, bà Ngọc vẫn cảm nhận được quê hương ngay bên mình khi tới chùa cầu may, khi nhận những phong bao lì xì theo tục lệ của người Việt. Ở nơi xa, những người phụ nữ Việt Nam vẫn khoác lên mình bộ áo dài truyền thống để luôn nhắc nhở họ nhớ tới quê hương, đồng thời họ cũng luôn truyền dạy cho con em mình về sự tồn tại của giá trị văn hóa dân tộc trong lòng mỗi người cho dù ở bất kỳ nơi nào.

Phản hồi

Các tin/bài khác