Một người phụ nữ Thái gốc Việt sưu tầm tư liệu về Hồ Chủ Tịch

(VOV5) - Mới đây nhất là việc bà Nguyễn Thị Xuân Oanh tiến hành tìm hiểu một chi tiết về nhà sư Thái Lan đã cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh khỏi tay mật thám Pháp.


Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, người Việt ở Thái Lan, làm việc trong ban quản lý di tích Hồ Chí Minh ở Udon Thani được năm năm kể từ khi khu tưởng niệm này thành lập. Gặp bà trong chuyến đi thăm Trường Sa tháng 4 vừa qua, bà say sưa kể về những ngày tháng Hồ Chủ Tịch hoạt động cách mạng tại Thái Lan với tình cảm trân trọng.


Một người phụ nữ Thái gốc Việt  sưu tầm tư liệu về Hồ Chủ Tịch - ảnh 1
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani, Thái Lan


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Nhiều năm trở lại đây, bà Xuân Oanh đã cùng ban quản lý di tích Hồ Chí Minh tại Udon Thani sưu tầm các tư liệu, hiện vật về quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh sống ở Thái Lan. Mới đây nhất là việc bà tiến hành tìm hiểu một chi tiết về nhà sư Thái Lan đã cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh khỏi tay mật thám Pháp. Bà Xuân Oanh đã đến chùa Phô Thi Xổm Phon, như trong tư liệu kể lại là nơi nhà sư Thái Lan trụ trì trong thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Thái Lan. Bà bảo chùa này từ khi xây dựng tới nay có ba nhà sư trụ trì, trong đó nhà sư giúp đỡ Hồ Chủ Tịch là sư trụ trì đời thứ hai vào năm 1927. Khi ấy, bị mật thám lùng, Hồ Chủ Tịch phải vào chùa để ẩn. Sư trụ trì đã khẳng khái nói với mật thám rằng: chùa này không có người xấu, chỉ có người tốt. Rồi ông gọi tất cả dân làng ra chùa, lẫn trong đám đông đó có Hồ Chủ Tịch. Ông nói với mật thám: “Đấy, hãy nhìn đi, nhìn xem ông nào không tốt?” Mật thám Pháp không phân biệt được và đành bỏ đi. Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành ghi nhận những thông tin và bức ảnh về nhà sư đã cứu Hồ Chủ Tịch mà bà Xuân Oanh thu thập vô cùng quý giá, bổ sung vào bộ tư liệu về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Thái Lan.


Một người phụ nữ Thái gốc Việt  sưu tầm tư liệu về Hồ Chủ Tịch - ảnh 2
Nhà sư Thái Lan, người đã cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh khỏi tay mật thám Pháp


Làm việc trong ban quản lý di tích, bà Xuân Oanh đón tiếp nhiều đoàn của Thái Lan đến thăm và được nghe nhiều lời tâm sự thú vị. Có người đến đây và nói rằng: “Tôi chỉ nghe tên và biết sơ lược về Hồ Chủ Tịch nên tôi đến đây để được nghe kể về con người và quá trình hoạt động của vị chủ tịch nước đã hi sinh đời mình cho đất nước Việt Nam. Tôi vô cùng ngưỡng mộ Bác Hồ”. Lại có người Thái nói: “Dân tộc Việt Nam may mắn có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là niềm tự hào của người dân Việt Nam”.

Không riêng những cô giáo, thầy giáo, quan chức Thái ở địa phương mà ngay cả cấp chính phủ cũng đưa cả gia đình đến tham quan. Nhiều quan chức chính phủ Thái nay đã về hưu cũng đến thăm khu di tích.

Theo lời bà Xuân Oanh, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Thái cũng chiếm số lượng đông trong các đoàn khách tham quan. Bởi cứ khi nào, trường Thái ra đề chẳng hạn như “kể về một người nổi tiếng trên thế giới” thì các học sinh Thái thường kể về Bác Hồ. Còn các nghiên cứu sinh đến với khu tưởng niệm để tìm hiểu, nghiên cứu đề tài luận án tiến sĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài công tác ở khu di tích, bà Xuân Oanh còn tham gia công tác xã hội. Nhận thấy các bạn người Thái thích tà áo dài Việt Nam mà bà con người Việt hay mặc trong các ngày lễ Tết và ngày 19/5, sinh nhật Hồ Chí Minh, bà Xuân Oanh cùng với bà Thế trong khu di tích đã đi vận động xin được 70 bộ áo dài của kiều bào ở Udon Thani và một số tỉnh khác. Điều bất ngờ nhất là Tết nguyên đán Bính Thân vừa qua, và cả hôm đón đoàn cán bộ tỉnh Udon Thani về thăm và chấm điểm làng sạch, đẹp nhất tỉnh, người Thái trong làng Noọng Ổn vui mừng đồng loạt mặc áo dài tham dự.


Một người phụ nữ Thái gốc Việt  sưu tầm tư liệu về Hồ Chủ Tịch - ảnh 3
Các học sinh tặng quà cho bà Nguyễn Thị Xuân Oanh nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11


Việc gìn giữ và quảng bá văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ được bà Xuân Oanh thực hiện thường xuyên trên đất Thái. Ở nhà, trong khoảng thời gian dạy thêm toán cho học sinh Thái, thấy các em yêu Việt Nam nên bà đã dạy tiếng Việt không lấy tiền. Thành quả là đến giờ nhiều em đã đọc được chữ Việt. Vừa dạy tiếng Việt, bà Xuân Oanh vừa dạy các em nhỏ hát các bài hát về Bác Hồ. Niềm yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó, như một mạch nguồn tự nhiên lan truyền sang các thế hệ trẻ người Việt và người Thái. “Thầy dạy cháu đọc i tờ/ Cô dạy cháu hát Bác Hồ kính yêu/ Tiếng Việt chưa biết bao nhiêu/ Nhưng kể chuyện Bác thì đều thích nghe/ Cô ơi, Bác đáng kính ghê/ Cháu mong có dịp được về viếng Lăng/ Bác Hồ như một vầng trăng/ Soi từ Tổ quốc, soi sang Việt kiều/ Bác Hồ chẳng ở cao siêu/ Trong tim, trong óc Việt kiều Thái Lan” (trích trong bài thơ của bà Xuân Oanh “Những bông hoa biết nói”).

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác