Tà áo dài Việt qua đôi mắt các bạn trẻ kiều bào

(VOV5) - Nguyễn Thị Anh Thư, một cô bé kiều bào đến từ Đức đã cùng nhóm bạn của mình dành một buổi chiều để khám phá về vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống.
Tà áo dài Việt qua đôi mắt các bạn trẻ kiều bào  - ảnh 1Anh Thư (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn tìm hiểu về tà áo dài Việt 

Trong dịp tham gia trại hè Việt Nam 2017 vừa qua, ngoài những hoạt động cùng tập thể, mỗi nhóm thanh niên kiều bào lại có các hoạt động riêng để khám phá văn hóa Việt Nam. Tại TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Anh Thư, một cô bé kiều bào đến từ Đức đã cùng nhóm bạn của mình dành một buổi chiều để khám phá về vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Vào một buổi chiều tháng 7 nắng vàng rực rỡ, Nguyễn Thị Anh Thư và nhóm bạn gồm 4 cô bé đến từ những quốc gia khác nhau đã quyết định khám phá và tìm mua cho mình những bộ áo dài truyền thống. Sau một hồi tìm kiếm, tất cả thống nhất sẽ đến một cửa hàng áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh nằm trên đường Lý Tự Trọng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Nói về điều này Anh Thư chia sẻ, đây là việc em muốn làm đầu tiên sau nhiều năm trở về thăm lại Việt Nam: “Hồi xưa em có một bộ áo dài lúc em đi mẫu giáo. Bộ đó em rất là thích, mặc rất nhiều. Nhưng mà lớn lên, áo đó bé đi sau em ít khi được mặc áo dài. Ở bên Đức ít khi có dịp được mặc áo dài nên em cũng không mua áo dài mặc, như vậy mặc áo dài đã lâu lắm rồi”.

Cửa hàng chỉ rộng khoảng 30m2 nhưng lại có biết bao loại vải với rất nhiều màu sắc phong phú, đa dạng. Vải lụa mỏng, mịn được dệt bằng tơ tạo nét duyên dáng cho người mặc áo dài. Vải voan mềm mại, có độ rủ cao, thích hợp với những dáng người tròn trịa. Còn vải chiffon mịn, trong suốt trông rất bắt mắt. Nhân viên tại cửa hàng rất nhiệt tình, giới thiệu cho các cô bé về đặc điểm cũng như nguồn gốc của từng loại vải.

Chăm chú lắng nghe từng thông tin, cô bé Nguyễn Thị Hồng Anh, một thanh niên kiều bào đến từ nước Nga nói: “Em được hiểu biết về kiểu may áo dài, cách từng loại nhuộm vải để may áo dài”

Sau một hồi chọn lựa, Anh Thư đã quyết định chọn cho mình một chiếc áo dài vải lụa may sẵn màu hồng san hô. "Em bây giờ thấy rất thích, vải rất nhẹ, mát, mượt. Màu đẹp, có nhiều hình, em cũng chọn được áo cho mình”

Trong nhóm bạn trẻ này, cô bé Đỗ Hồng Hạnh đến từ Pháp là nhỏ tuổi nhất. Với dáng người nhỏ nhắn và khuôn mặt thanh tú, Hạnh dễ dàng lựa chọn cho mình bộ áo dài ưng ý. Cô bé chia sẻ: “Khi em mặc áo dài em có cảm giác như là người Việt Nam vì áo dài là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, và em chọn áo dài màu trắng bởi vì em nghĩ cái gì đơn giản là đẹp nhất”.

Giờ thì năm cô bé đã chọn riêng cho mình năm chiếc áo dài với màu sắc khác nhau, nhưng tất cả đều mang chung một kiểu dáng của áo dài truyền thống, tôn lên những đường nét thanh thoát của cơ thể. Anh Thư và các bạn quyết định sẽ cùng đi bộ và chụp ảnh tại nhà thờ Đức Bà tại trung tâm Sài Gòn.

Tà áo dài Việt qua đôi mắt các bạn trẻ kiều bào  - ảnh 2 Cả nhóm vui vẻ cùng nhau chụp ảnh tại nhà thờ Đức Bà

Như những áng mây ngũ sắc rộn rã một góc phố, các cô bé vô tư cùng nhau chụp những bức ảnh kỷ niệm lưu lại khoảnh khắc khó quên cùng tà áo dài Việt. Ai cũng cảm thấy mình xinh xắn, dịu dàng hơn với trang phục “lạ mà quen” này.

“Đến hôm nay em mới mặc áo dài, từ bé 7 tuổi đến giờ cũng phải hơn 10 năm rồi đấy. Hôm nay thấy mình giống như người Việt Nam bởi vì bên kia bình thường không mặc được. Về đây hôm nay mặc, đi ở ngoài đường thấy vui vui, giống như mình là người Việt Nam, sống ở bên đây”. Đó là tâm sự của Anh Thư, người đầu tiên có ý tưởng khám phá tà áo dài cùng bạn bè.

Còn cô bạn Hồng Anh, đến từ nước Nga hào hứng bộc bạch: “Khi chúng em ra ngoài đường chụp ảnh quay phim ở nhà thờ Đức bà, em thấy mọi người ngắm chúng em chụp ảnh”

Trại hè Việt Nam 2017 vừa qua đã để lại trong lòng các thanh niên kiều bào biết bao nhiêu kỷ niệm khó quên. Đặc biệt hơn cả là những tình cảm các em dành cho quê hương Việt Nam thân yêu. Mai đây khi trở về đất nước bản xứ sinh sống và học tập, có lẽ không chỉ mang theo tà áo dài, Anh Thư và nhóm bạn mình còn đang mang theo cả những tâm hồn và tính cách của người Việt.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác