Vượt lên trên hết: Những tấm lòng

(VOV5) - Khi cảm xúc đã lắng sâu sau buổi dự lễ ra mắt cuốn Đại từ điển Giáo khoa Séc – Việt tôi mới tự hỏi lòng: “Sao lại có những con người dũng cảm như thế ở thời buổi này?” dằn lòng như vậy là bởi, hơn ai hết tôi hiểu công trình mà họ bắt đầu theo đuổi còn quá dài phía trước, bởi sự quan tâm của các Hội đoàn trong cộng đồng quá hạn hẹp và không biết rồi đây trong lúc khủng hoảng kinh tế buôn bán vô cùng chật vật thì sự đón nhận của bà con với cuốn Đại từ điển sẽ ra sao? Ấy là cứ lo viển vông chứ cứ nhìn vào sự tự tin của hai con người đã vào độ tuổi ”xưa nay hiếm” trước công trình của mình cũng đủ thấy “khó như làm từ điển “ còn làm được huống hồ là việc khác.


Vượt lên trên hết: Những tấm lòng - ảnh 1
Tác giả Ivo Vasiliiev và kỹ sư Nguyễn Quyết Tiết. Ảnh: congdong.cz


Cách đây nhiều năm, khi tiếp xúc với nhà Việt Nam học Ivo Vasilijev và kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến tôi đã nghe họ nói rất nhiều về ý định làm cuốn Đại từ điển này. Âm ỉ gần 20 năm, hai con người ấy hễ có dịp lại bàn cùng nhau về ý nghĩa của các từ và các ví dụ mang tính dẫn giải. Khó có thể biết  mật độ giao dịch giữa hai nhà dịch giả này qua e-mail là bao nhiêu, chỉ biết rằng nhiều khi chỉ vì một từ mà họ đã trao đi, đổi lại tới vài chục lần để cốt tìm ra nghĩa sao cho gần nhất với thực tế cuộc sống. Ấy là chưa kể đến việc họ phải đọc, phải tra cứu trong rất nhiều tài liệu về văn học, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ khác để ngõ hầu tìm ra chứng cứ xác đáng về một chi tiết trong ví dụ chứng minh. Đã có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh việc dịch thuật bởi có người rất giỏi tiếng mẹ đẻ lại biết sơ sài tiếng địa phương và ngược lại có người giỏi tiếng địa phương lại không giỏi tiếng mẹ đẻ. Trong những trường hợp như vậy từ điển phải là trọng tài phân giải để thuyết phục điều trái ngược trên. Một việc làm không đơn giản chút nào với cuốn từ điển thông thường chứ đừng nói đến từ điển giáo khoa. Với 632 trang phần một từ vần A đến G, hai nhà soạn từ điển trong thời gian kỷ lục gần hai năm làm việc nghiêm túc và gần 20 năm âm thầm chuẩn bị dữ liệu đã cho ra đời những trang viết đầy trách nhiệm và nhiệt huyết. Một số giáo sư đang giảng dạy về ngôn ngữ trong các trường Đại học lớn tại Thủ đô Praha đã rất vui và khâm phục tinh thần của những người soạn ra cuốn Đại từ điển này. Họ phát hiện ra một điều mà rất nhiều cuốn từ điển làm còn thiếu hoặc không biết ấy là trong vần C có từ: Cimrman, Jára Cimrman là một nhân vật huyền thoại tựa như tác phẩm truyện Kiều của Việt Nam, đã được phóng tác ra rất nhiều tác phẩm văn học và sân khấu. Ngay sau phát hiện họ đã tổ chức một buổi nói chuyện về nhân vật huyền thoại này và mời hai người cùng bạn bè của họ tới dự.

Hôm gặp mặt với  Đoàn cán bộ cao cấp từ Việt Nam sang thăm Séc, anh Quyết Tiến đã bổi hổi rằng: “Không có Quyết Tiến này đã có Quyết Tiến khác, nhưng không có ông Ivo Vasilijev thì sẽ không có người nào thay thế nổi”. Chúng tôi ngồi im cùng nhìn về con người coi Việt Nam như máu thịt kia lưng đang chùng xuống ở độ tuổi 77 và cầu mong cho ông những điều tốt lành. Chúng tôi nhẩm tính, nếu cứ 2 năm cho ra đời một tập thì phần còn lại 5 tập kia sẽ trọn 10 năm. Mong sao sức khỏe của hai người hưu trí làm công việc không hề có lương này được dồi dào để hoàn thành tâm niệm cuối đời phục vụ cộng đồng người Việt ở đây.

Rồi đây những cuốn Đại từ điển giáo khoa này sẽ là người bạn song hành trong công tác, học tập, nghiên cứu, giúp cho các công dân Việt Nam hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Có thể còn những hạn chế bởi tầm cỡ công trình của một viện nghiên cứu mà đây chỉ có hai người, lại làm trong một thời gian ngắn. Nhưng vượt lên trên hết đó là tấm lòng của hai con người sinh ra từ hai đất nước xa xôi yêu Việt Nam và Séc đến nặng lòng. Việc làm này của họ được đánh giá như dấu son thắm đượm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Séc – Viêt Nam./.

Phản hồi

Các tin/bài khác