Xuân quê hương trong lòng Kiều bào

(VOV5) - Tết cổ truyền là ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm của mọi người dân Việt. Cứ đến Tết nguyên đán, bà con Kiều bào ai nấy lại chộn rộn, náo nức, sắm sửa về quê hương bản quán để đón chào năm mới theo truyền thống dân tộc.



Xuân quê hương trong lòng Kiều bào - ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đại biểu kiều bào dự lễ dâng hương tại Đền Hùng, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hướng


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Hàng năm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, vẫn thường tổ chức chương trình “Xuân quê hương” vào dịp Tết Nguyên đán để đón những người con đi xa trở về trong vòng tay của đất mẹ Việt Nam. Với “Xuân quê hương 2015” lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, cả nghìn Kiều bào từ phương xa ngàn dặm đã đăng ký tham gia chương trình và háo hức về vui xuân mới nơi quê nhà. Bác sĩ, Tiến sỹ y khoa, Phạm Thiên Hưng, Chủ tịch Hội đông y Việt Nam tại Liên bang Nga, tâm sự về dự chương trình Xuân quê hương, ông càng thấy thấm thía hai chữ “cội nguồn”: Người Việt Nam đã từ Việt Nam đi ra khắp thế giới công tác, làm việc rồi về xây dựng quê hương đầm ấm, hạnh phúc và giàu có hơn nữa. Theo tôi cảm nhận Kiều bào rất mong muốn “Xuân quê hương” cứ tiếp diễn hàng năm để nhớ đến lịch sử của đất nước Việt Nam.


Ông Mạc Văn Tấn, quê ở Hải Phòng, sang Đức từ đầu thập niên 80. Trở về Việt Nam vào dịp đất nước đón một mùa xuân mới, ông thấy ấm lòng sau 34 năm sống biền biệt nơi đất khách vì đối với ông Tết ly hương không thể so sánh với Tết quê nhà được. Ông làm mấy câu thơ nói hộ lòng mình và những bà con Kiều bào đang ở xa quê chưa có cơ hội về thăm đất nước: Quê người đâu phải quê ta. Không hoa đào nở, ve kêu ngày hè. Quê người trăm đắng nghìn cay. Thân mình lạc lõng tuyết rơi trắng đường. Quê hương nghĩa nặng tình sâu. Bao giờ trở lại thỏa lòng chờ mong.


Xuân quê hương trong lòng Kiều bào - ảnh 2


Kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2015 - Tổ quốc vinh quang" tại di tích Bến Nhà Rồng, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hướng

Bà Tứ Linh trước đây là Giám đốc cô nhi viện Lâm Tì Ni ở Sài Gòn. Bà kể, sang Mỹ nhiều năm nhưng nỗi lòng nhớ quê hương vẫn cồn cào, thắt ruột. Giờ đây, ở nước ngoài, tìm những đồ ăn của người Việt, tìm những nguyên liệu làm món ăn ngày Tết cũng không khó nhưng không sao tìm được không khí ấm cúng như ở quê nhà. Cái Tết có ý nghĩa nhất đối với bà là vừa được đón năm mới cùng những người thân quen vừa được tham dự một chương trình lớn của Nhà nước dành cho những người Việt xa quê: Con tôi không cho về vì sợ tôi không đủ sức khỏe. Nhưng quê hương của tôi, tôi phải về. Tôi về, tôi rất xúc động.


Không gì hạnh phúc hơn khi được đón Tết trên mảnh đất quê hương và chứng kiến sự đổi thay của đất nước mình. Cùng niềm vui đón Xuân mới, nhiều Kiều bào cũng phấn khởi khi năm qua, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng ngoài dự đoán và Xuân Ất Mùi đang tới lại hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển, nhiều tín hiệu vui về một năm mới thuận lợi. Đây cũng là động lực để họ đầu tư, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Kiều bào Philippines, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), chia sẻ: Tôi nghĩ rằng mình còn tiền, còn làm được. Còn những người khó khăn cần số tiền này hơn. Vì lý do đó, chúng tôi luôn đi tới các vùng miền xa xôi của đất nước. Có những nơi, từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ đến. Trong chương trình “Vì em không phải bỏ học”, tôi đi được 60 tỉnh thành. Tôi thấy được sự cần thiết và trách nhiệm cần giúp đỡ các em học sinh này. Tôi thấy tấm lòng là cao quý. Mình cần phải nhân rộng những tấm lòng.

Tình cảm với quê hương đất nước của những người con Việt xa quê là vậy. Hạnh phúc của họ là được sống cùng với không khí Tết nơi quê nhà và tình cảm ấy trở thành động lực để chung vai sát cánh cùng với đất nước. Họ đón mùa xuân mới, xuân Ất Mùi cùng hàng chục triệu người dân trong nước với niềm tin đất nước sẽ ngày càng giàu mạnh, hùng cường./.

Phản hồi

Các tin/bài khác