Ẩm thực, nét văn hóa đặc sắc của người Kinh

(VOV5) -  Ẩm thực của người Kinh phong phú và đa dạng với cách chế biến, thưởng thức món ăn theo đặc điểm tự nhiên, sinh hoạt, sản xuất và phong tục tập quán ở từng vùng miền khác nhau.

Ẩm thực, nét văn hóa đặc sắc của người Kinh - ảnh 1
Những món ăn đắc sắc của người Việt


Nghe âm thanh tại đây:



Ẩm thực người Việt ở các vùng miền khác nhau có sự phân hóa rõ rệt song vẫn có hai yếu tố thống nhất là gạo đóng vai trò chủ đạo và trong bữa ăn, nhất định phải có nước chấm, gia vị. Người Việt ít khi ăn món nào riêng biệt, mà mỗi bữa ăn thường là sự tổng hòa các món ăn từ đầu đến cuối bữa. Chính điều này khiến những món ăn ba miền Bắc, Trung, Nam vừa riêng biệt lại vừa có thể cùng hòa thanh trên bàn tiệc ẩm thực Việt. Tuy nhiên, sự khác biệt trong cách chế biến và cách sử dụng nguyên liệu đã đem lại những tiếng nói riêng của những món ăn ở từng miền. Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Đào Hùng, Tạp chí Xưa và Nay, cho biết: “Để nói đặc điểm về ẩm thực, phải đi vào đặc tính của từng miền, mỗi miền có một bản sắc riêng. Nhưng nó vẫn có một cái chung để tạo nên bản sắc về ẩm thực người Việt. Văn hóa ẩm thực của người Việt riêng biệt, tạo nên một đặc sắc khác hẳn những nước xung quanh và khác với thế giới để đến bây giờ nó thành một đặc điểm được nhiều nước trên thế giới ưa thích”.


Ở miền Bắc, tộc Việt sống tập trung tại khu vực đồng bằng sông Hồng, nhất là khu vực Hà Nội và các vùng lân cận. Ẩm thực miền Bắc thường không đậm các vị cay, béo, ngọt bằng các vùng khác, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm cũng như nhiều món rau và các loại thủy sản nước ngọt dễ kiếm như tôm, cua, cá, trai, hến..
. Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Đào Hùng cho biết thêm: “Người Hà Nội ăn cơm với thịt lợn. Người Hà Nội ăn cá thì ăn cá sông, cá đồng chứ ít ăn cá biển. Bà nội trợ Hà Nội ít biết về cá biển. Trong khi đó, một bà nội trợ Huế hay Sài Gòn biết được tên từng thứ cá và người ta chọn cá rất nhiều còn người Việt ở Hà Nội ăn thịt rim, thịt kho, chủ yếu là ăn thịt”.


Ẩm thực, nét văn hóa đặc sắc của người Kinh - ảnh 2
Bát phở Hà Nội

Ở miền Bắc, phong cách ăn uống luôn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Từ việc xếp vị trí ngồi trong bữa cơm hằng ngày đến việc sắp xếp mâm cỗ, chia phần trong các cỗ tiệc đều mang nặng tính kiểu cách. Việc nấu nướng cũng rất cầu kỳ, lựa chọn nguyên vật liệu hay phối hợp gia vị cũng được chú trọng, luôn làm theo một chuẩn mực nhất định. Trong đó, phở Hà Nội đã trở thành món ăn nổi tiếng khắp thế giới, được các du khách nước ngoài khi đến Việt Nam đều thích. Một bát phở ngon là miếng thịt phải mềm, bánh phở phải dẻo và quan trọng nhất là nước dùng phải ngọt, phải thơm, cái ngọt thật của xương, mùi thơm phải đặc trưng của nước phở.


Ẩm thực miền Trung có hương vị riêng biệt, nhiều món ăn cay và mặn hơn đồ ăn miền Bắc và miền Nam, màu sắc được phối trộn phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm. Các tỉnh thành miền Trung do gần biển, rất nổi tiếng với các loại mắm được chế biến từ hải sản. Chị Trần Thị Nga, chủ cửa hàng Nét Huế, 36 C Mai Hắc Đế, Hà Nội, cho biết: “Người miền Trung rất thích ăn các loại mắm như mắm cốt là phần mắm mà người ta lấy nước cốt đầu tiên chứ không có pha trộn hay thêm bớt gia vị gì. Ngoài ra, có một loại mắm rất đặc trưng là mắm ruốc được ăn kèm trong rất nhiều món ăn của Huế như bún bò, thịt kho hoặc cá kho trong các bữa cơm hàng ngày thì người Huế cũng cho thêm mắm ruốc để làm nổi bật thêm vị rất đậm đà”.

Ẩm thực, nét văn hóa đặc sắc của người Kinh - ảnh 3
Ẩm thực Huế cầu kỳ trong chế biến và trình bày

Ẩm thực Huế do ảnh hưởng từ phong cách ẩm thực hoàng gia, cho nên rất cầu kỳ trong chế biến và trình bày. Món Huế ngày nay được các thực khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Các món đặc sản như cơm hến, bánh lá, bánh bèo, nem… được đưa vào thực đơn tại các nhà hàng món Việt. Chị Trần Thị Nga cho biết thêm: “Ẩm thực Huế có sự pha trộn giữa miền Bắc và miền Nam. Người Huế thích ăn cay, ngoài ra cũng có vị đậm đà giống người miền Bắc, món gì cũng muốn hương vị phải rõ rệt, phải đậm đà. Bên cạnh đó, người Huế ăn món ăn có vị nghiêng sang miền Nam một chút, đó là hơi ngọt. Các món chính của người Huế cũng giống như ở những vùng khác, đó là bún, phở, cơm. Người Huế cũng rất thích ăn vặt nên có rất nhiều loại bánh. Các loại bánh ở Huế rất phong phú từ bánh lọc, bánh nậm, bánh bèo, bánh ram ít, các loại bánh ướt tương tự như phở cuốn của người miền Bắc. Bên cạnh đó cũng có món ram Huế, các loại cuốn. Người Huế rất chú trọng đến các món ăn mát, nhiều đồ rau, củ, quả”.


Ẩm thực, nét văn hóa đặc sắc của người Kinh - ảnh 4
Mâm cỗ miền Nam là sự phong phú trong thể loại thức ăn


Khác với miền Bắc và miền Trung, ẩm thực miền Nam đặc sắc ở chỗ nó mang sắc thái riêng, hương vị ngọt ngào riêng bởi sông nước, ruộng vườn mênh mông. Với tính cách phóng khoáng của con người Nam Bộ, cách ăn uống của họ không đi vào cầu kì, tỉ mỉ. Với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, các món ăn từ các vùng miền khác khi du nhập đến đây lại được chế biến theo phong cách đặc trưng. Là một trong số ít những nhà hàng chuyên về các món ăn Nam Bộ trên đất Hà Thành, nhà hàng Vườn Nam Bộ, 42 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội là một địa chỉ được nhiều người yêu thích món ăn Nam Bộ tìm đến. Anh Phan Cao Quốc Duy, người Nam Bộ, bếp trưởng nhà hàng cho biết: “Những món ăn đặc trưng của miền Nam rất phong phú. Món ăn miền Nam khác với miền Trung và miền Bắc. Ở miền Bắc thì ăn ít cay và hơi nhạt còn miền Trung thì ăn cay, mặn. Ở miền Nam thì ăn hơi ngọt và ít cay. Món ăn đặc trưng nhất của miền Nam là lẩu mắm. Khẩu vị của người Nam Bộ ăn thiên về đường nên hơi ngọt hơn các vùng miền khác. Ở miền Nam , gia vị cho các món ăn rất nhiều. Ngoài ra, món kho quẹt là món đặc trưng của người miền Tây, có nước mắm và đường, mỡ, tiêu, ớt, nấu lên sánh và quện lại để chấm với cơm cháy”.

Ẩm thực của người Kinh tuy có khác nhau về món ăn từng vùng miền nhưng vẫn có những điểm tương đồng, hài hòa, tạo nên phong cách ẩm thực thống nhất, độc đáo. Những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực ấy luôn cần được lưu giữ và phát huy mãi mãi để góp phần làm phong phú thêm cho bức tranh muôn màu của các dân tộc Việt Nam./. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác