Độc đáo sử thi Đẻ đất đẻ nước

(VOV5) - Dân tộc  Mường có bộ sử thi “Đẻ đất đẻ nước” kể cho con cháu nghe về cuộc sống cha ông từ thuở khai thiên lập địa. Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” được coi là bộ bách khoa toàn thư về phong tục của người Mường, ở đó lịch sử của người Mường được tái hiện qua trí tưởng tượng trong trẻo, hồn nhiên, khoáng đạt đến kì lạ của con người. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Đẻ đất đẻ nước là bộ sử thi thần thoại lớn, nơi hội tụ hệ thống những câu chuyện thần thoại về sự hình thành trời đất của người Mường. Tác phẩm kết tụ đặc điểm của hai thể loại văn học dân gian : thần thoại và sử thi dân gian. Sử thi Đẻ đất đẻ nước được kể bằng văn vần về sự hình thành của thế giới, từ khi trái đất chưa có sự sống đến lúc bản Mường ổn định. Sử thi Đẻ đất đẻ nước được thầy mo diễn xướng trong các lễ tang, một nghi lễ bắt buộc của người Mường. Trước khi người mất rời khỏi cõi trần về với thế giới của tổ tiên được thầy mo kể cho nghe về lai lịch của cha ông, tổ tiên, người Mường sinh ra như thế nào, phong tục tập quán ra sao. Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, cho biết: Sử thi kể về một câu chuyện sinh ra trời đất, con người như thế nào. Giải thích nguồn cội của đất nước, của bản mường, con người. Sử thi phản ánh một giai đoạn lịch sử của người Mường. Và quan trọng được diễn xướng trong đám tang. Người Mường có ông Mo nên trước khi tiễn người chết về với thế giới bên kia thì ông Mo muốn đọc cho người chết lai lịch về con người; con người từ đâu đến, tồn tại như thế nào, đưa tiễn về thế giới như thế nào. Vì thế người ta gọi đây là sử thi sống, có ý nghĩa với đời sống con người.

Ngay từ thuở xa xưa, dân tộc Mường không ngừng nhận thức, khám phá và lý giải nguồn gốc muôn vật và loài người, không ngừng tìm hiểu những hiện tượng tự nhiên đầy bí ẩn tác động lên sự sống con người. Người Mường cho rằng không có thần linh hay thần thánh nào sinh ra đất, nước mà chính tự nhiên đã đẻ ra đất, trời, đẻ ra nước nên mới có sông, suối. Cuộc sinh nở này thật là vĩ đại song chưa có con người, chưa có muôn loài. Đất trời khi đó hoang vu, lạnh lẽo: Đây là sử thi truyền miệng. Ở đây có rất nhiều sự kiện như về cây có cây chu đồng là cây thần. Đây là một cây vũ trụ phản ánh thế giới con người và trời đất và cây si, và sự kiện người Mường sinh ra như thế nào. Đặc biệt có chuyện sinh ra trứng, trứng sinh ra các dân tộc như thế nào. Sự tưởng tượng của sử thi rất là phong phú. Đây là tác phẩm truyền miệng, truyền cho nhau qua việc diễn xướng khiến họ giữ được sử thi và vẫn đảm bảo được tính thống nhất của sử thi.

Độc đáo sử thi Đẻ đất đẻ nước - ảnh 1

Qua quá trình phát triển, sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường xuất hiện nhiều dị bản. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết:  Có nhiều dị bản, dị bản ngắn nhất là 8000 câu và dài nhất là 16000 câu, ít nhất có khoảng 7 đến 8 dị bản. Dị bản phụ thuộc vào các địa phương khác nhau và truyền thống của cư dân, cơ bản khác nhau về mặt tình tiết còn cái chung vẫn đảm bảo. Người Mường rất tự hào về sử thi. Có rất nhiều lớp kể về người dân, kể về tầng lớp quý tộc, thầy lang. Ngoài vai trò của nhân dân thì còn có vai trò của quý tộc. Việc truyền dòng họ từ đời này sang đời kia như thế nào.

Có thể nói, sử thi Đẻ đất đẻ nước là một công trình văn hóa, trong đó có cả văn học dân gian, văn hóa dân gian, cả triết học, sử học, dân tộc học. Trong sử thi Đẻ đất đẻ nước có thể nhận thấy những đặc trưng, sắc thái riêng của nghệ thuật dân gian. Cách cảm, cách nghĩ của người miền núi xưa đã tạo nên cách nói năng mang dấu ấn riêng biệt. Người Mường dùng lối đối lời, đối câu tạo nên những hình ảnh trùng điệp, chồng chất tầng tầng lớp lớp, phù hợp với cấu trúc có tính hoành tráng của sử thi. “Mưa dầm dề chín đêm mười ngày/ Mưa rào rào chín buổi sáng mười đêm” Điều này đã thể hiện được cả hai vẻ đẹp, vẻ đẹp trí tuệ và vẻ đẹp tâm hồn của người Mường trong trường ca Đẻ đất đẻ nước./.

Tin liên quan

Phản hồi

Trần Duyên

Xin cảm ơn tác giả. Bài rất hay.

Các tin/bài khác