Lễ cúng tổ tiên, nghi lễ linh thiêng của đồng bào Lô Lô ở Hà Giang

(VOV5) - Đồng bào Lô Lô có nhiều lễ hội đặc sắc được tổ chức vào dịp tết cổ truyền như lễ hội nhảy cây; lễ hội hái ngô, nhưng nổi bật nhất là Lễ cúng tổ tiên.

Lô Lô là dân tộc ít người tại tỉnh Hà Giang, sinh sống chủ yếu tại vùng xã Lũng Cú, Cao nguyên đá Đồng Văn, có bề dày lịch sử và tín ngưỡng, văn hóa dân gian độc đáo. Đồng bào Lô Lô sinh sống hòa đồng, đoàn kết với các dân tộc xung quanh nhưng đời sống vẫn mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, UBND xã Lũng Cú huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang vừa tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô và Lễ cúng tổ tiên năm 2020.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Đồng bào Lô Lô có nhiều lễ hội đặc sắc được tổ chức vào dịp tết cổ truyền như lễ hội nhảy cây; lễ hội hái ngô, nhưng nổi bật nhất là Lễ cúng tổ tiên.

Lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được công nhận di sản văn hoá phi vật thể năm 2012, được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là nghi lễ cổ truyền của dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú, thường được tổ chức hàng năm vào ngày 24 và 25/7 (âm lịch) hàng năm. Đặc biệt người Lô Lô đen là một trong những tộc người còn sử dụng trống đồng trong sinh hoạt tín ngưỡng và nghi lễ. Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô có nội dung cầu xin cho con người khỏe mạnh, làm ăn chăn nuôi phát triển, cầu cho mưa thuận gió hòa...

Lễ cúng tổ tiên, nghi lễ linh thiêng của đồng bào Lô Lô ở Hà Giang - ảnh 1Bàn thờ của người dân tộc Lô Lô.- Ảnh VOV.VN 

Tuy mọi gia đình Lô Lô đều có ban thờ tổ tiên, nhưng Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô thường được tổ chức tại nhà trưởng họ (thầu chư) và được dòng họ chuẩn bị trước cả năm. Theo lệ thường, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình trong dòng họ đóng góp theo khả năng. Lễ vật bắt buộc phải có để dâng cúng tổ tiên gồm: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con gà, xôi, rượu, tiền vàng (phíu khí), đèn dầu, đôi trống đồng.

Khi dòng họ có kế hoạch làm lễ, trưởng họ phải trực tiếp đi mời thầy cúng (trừ khi trưởng họ là thầy cúng thì công việc này do trưởng họ đảm nhiệm) và cử một người đàn ông trong họ đi mượn trống đồng về để làm lễ. Đây là bảo vật linh thiêng của cộng đồng, luôn có đôi, chiếc trống đồng cái (giảnh đú) luôn là chiếc trống to, còn trống đực (giảnh kê) là chiếc trống nhỏ hơn. Đôi trống chỉ được đem ra đánh khi có lễ hội lớn trong cộng đồng, dòng tộc. Sau đó, mời nghệ nhân đánh trống đồng tại nhà trong Lễ cúng tổ tiên, mời và nhờ người hóa trang thành người rừng, hay còn gọi là Ma cỏ (Ghà Lu Ngang) để múa nghi lễ

Lễ cúng tổ tiên, nghi lễ linh thiêng của đồng bào Lô Lô ở Hà Giang - ảnh 2 Bộ trang phục người Rừng ( ma cỏ) người Lô Lô thể hiện trong nghi lễ cúng tổ tiên- Ảnh VOV.VN

Đây là nghi lễ có tính thiêng liêng, đầy chất nghệ thuật hiện vẫn được cấp ủy chính quyền và thôn Lô Lô Chải duy trì, thực hành hàng năm. Ông Lương Triệu Luân,  Chủ tịch UBND xã Lũng Cú huyện Đồng Văn cho biết: "Năm 2020 là năm thứ 2 liên tiếp, Ủy ban xã Lũng Cú tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào Lô Lô. Trong dịp này, chúng tôi tổ chức Lễ hội ôn lại điệu múa, điệu nhảy của đồng bào Lô Lô. Chúng tôi cũng tổ chức trò chơi dân gian của đồng bào Lô Lô như đẩy gậy, thi đá lợn, thêu dệt thổ cẩm truyền thống. Cũng tại Lễ hội này, chúng tôi cũng phục dựng và quảng bé lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô. Qua lễ hội này, đã thu hút đông dảo du khách không chỉ từ mọi miền tổ quốc mà còn có du khách đến từ nước ngoài."

Thôn Lô Lô Chải nằm nép mình dưới chân núi Rồng, bên Cột cờ quốc gia Lũng Cú, đây là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Lô Lô trên cao nguyên đá. Thôn Lô Lô Chải có 105 hộ, với hơn 500 nhân khẩu. Trong 54 dân tộc, dân tộc Lô Lô là một trong những tộc người có số dân ít nhất Việt Nam.

Thôn Lô Lô Chải chính là nơi duy nhất còn lưu giữ được đầy đủ, sống động đời sống vật chất, tinh thần của người Lô Lô ở Cao nguyên đá; từ kiến trúc nhà trình tường mái lợp ngói máng đến các nghề thuyền thống như thêu, dệt thổ cẩm. Cho đến nay các lễ hội truyền thống hàng năm vẫn luôn được cấp ủy, chính quyền duy trì tổ chức thực hiện gắn với bảo tồn và phát triển du lịch.

Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô còn có các hoạt động đắc sắc như thi trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô, thi thêu dệt thổ cẩm, thi cuốn dâu ngô và thi thái thuốc lào... Cùng với đó là trưng bày giới thiệu trang phục dân tộc Lô Lô và nhiều hoạt động trải nghiệm khác. Tại ngày hội du khách thập phương và nhân dân đã được trải nghiệm, hòa mình cùng các chàng trai, cô gái dân tộc Lô Lô để tham gia các hoạt động trò chơi dân gian, tham quan, trải nghiệm khám phá nét đặc sắc văn hóa của người Lô Lô.

Chị Nguyễn Thị Hà, Du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Khi mình tham gia vào lễ hội này, mình thấy vui và phấn kowir. Mình hòa mình vào với các đồng bào, các nghệ nhân để cùng tham gia vào các hoạt động lễ hội. Qua đó mình thấy hiểu rõ hơn những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Lô Lô."

Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô xã Lúng Cú và Lễ cúng tổ tiên năm 2020 là dịp quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào địa phương đến du khách trong và ngoài nước. Từ đó cụ thể hóa việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch tại địa phương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác