Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt

(VOV5) - Năm nay, nhờ sự giúp đỡ của Bộ đội biên phòng và sự quan tâm của các cấp chính quyền, đồng bào Chứt tổ chức Tết Lấp lỗ sung túc hơn mọi năm. 

Ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, có một dân tộc ít người từng sống hoang dã, là cộng đồng dân tộc Chứt. Từ khi được bộ đội biên phòng Hà Tĩnh phát hiện, đưa ra khỏi rừng, người Chứt đã có một cuộc sống mới, hòa nhập với cộng đồng. Nhiều hủ tục lạc hậu đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều nét văn hóa  riêng vẫn được duy trì, trong đó có Tết Lấp lỗ.

Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt - ảnh 1

Tết Lấp Lỗ báo hiệu đã hoàn thành việc gieo hạt nương rẫy, người chứt tổ chức tết để ăn mừng, làm lễ cảm tạ trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng, bội thu, gia đình mạnh khỏe, no đủ và phát triển.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đồng bào Chứt là một dân tộc rất ít người sống ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Tết Lấp Lỗ  của đồng bào Chứt thường được tổ chức  tại bìa rừng, gần bản vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch, với nhưng nghi thức cúng trang trọng. . Địa điểm cúng được chuẩn bị sẵn tại bìa rừng gần bản. Ngày này, bà con dân bản mỗi người một việc, chuẩn bị mâm cỗ, hương lễ. Khi mọi thứ xong xuôi, tất cả bà con tập trung về đây, chờ thầy cúng làm lễ. Tiếng cầu khấn của thày cúng có đoạn: "Thưa các loại ma rừng, các vị thần linh và các vị đã khuất! Hôm nay ngày mùng 7 tháng 7, bản ta tổ chức Tết Lấp Lỗ chẳng có gì nhiều. Chỉ có gạo, có xôi, có thịt lợn, thịt gà, trầu cau cùng một ít hương hoa. Ta thay mặt bà con mời các vị về đây cùng ăn, cùng uống, đừng làm cái xui, cái xẻo để phù hộ độ trì cho dân bản được mạnh khỏe, không đau ốm, làm ăn may mắn để có cuộc sống no ấm, hạnh phúc".

Sau lời cúng, thầy cúng bốc một ít gạo trong chiếc bát đặt ở trên mâm cỗ, tung ra bốn phía để mời con ma rừng, các thần linh và những người đã khuất về hưởng. Sau khi cúng xong, mâm lễ được một thanh niên khỏe mạnh bê mâm cúng về nhà ông thầy cúng, rồi cả mọi người cùng nhau hưởng lộc. Lúc này tiếng nhạc lại vang lên, các chàng trai, cô gái Chứt ca hát vui chơi hết ngày. Tết Lập lỗ của đồng bào Chứt năm nay dường như đông hơn bởi có sự tham gia của đại diện Bộ đội Biên phòng, đại diện chính quyền tỉnh và bà con các dân tộc anh em đến cùng chung vui.

Ông Nguyễn Tiến Bảo, ở bản Rào Tre, cho biết: "Tết Lấp Lỗ của người Chứt là một nghi lễ nông nghiệp. Nghi lễ tuy đơn giản, nhưng có một giá trị tâm linh với đồng bào. Lễ hội Tết lấp lỗ tức là khi  bà con làm xong mùa màng gieo trỉa, lấp lố xong thì tổ chức lễ hội này ăn mừng báo với thần linh, báo với những người đã khuất là chúng tôi đã làm xong mùa màng, xin thần linh phù hộ độ trì cho mùa màng tươi tốt, cây trái trổ sinh mùa màng được nhiều cho mọi người có sức khỏe khỏi ốm, khỏi đau may mắn, no ấm".

Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt - ảnh 2

Tết "Lấp lỗ" của bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre được tổ chức vào 7/7 âm lịch hàng năm. Tết Lấp Lỗ mang ý nghĩa "cắm lỗ, gieo hạt".

Tết Lấp Lỗ của người Chứt báo hiệu đã hoàn thành việc gieo hạt trên nương rẫy để đồng bào tổ chức ăn mừng, làm lễ cảm tạ trời đất; đồng thời  cầu cho mưa thuận gió hòa để mùa vụ tiếp được bội thu. Hai dịp lễ cúng của người Chứt là lễ Lấp lỗ (tháng 7) sau mùa gieo trồng và lễ Chăm chà bới - mừng cơm mới (tháng 11) sau khi thu hoạch đều có bộ đội biên phòng cùng chung vui. Những năm gần đây, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ bà con thêm nhiều vật chất. Những thói quen cũ ngày xưa: uống nhiều rượu, không đi săn bắt xa, không “thích” làm quen với các cộng đồng khác…

Năm nay, nhờ sự giúp đỡ của Bộ đội biên phòng và sự quan tâm của các cấp chính quyền, đồng bào Chứt tổ chức Tết Lấp lỗ sung túc hơn mọi năm. Niềm vui được nhân lên khi những ngôi nhà sàn bằng gỗ mới xây khang trang như một điểm nhấn, tô điểm thêm vẻ đẹp giữa trập trùng núi rừng Ka Ðay ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Đại tá Võ Trọng Hải chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Để đồng bào Chứt có được cuộc sống đổi thay như ngày hôm nay là biết bao công sức của các cấp chính quyền và Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh. Anh em bộ đội Biên phòng đã truyền toàn bộ nhận thức cho bà con, từ cách thức làm ăn. Trước đây đồng bào sống chủ yếu nhờ vào săn bắn hái lượm, các chiến sĩ biên phòng đã kiên trì thuyết phục từ việc dạy tiếng phổ thông rồi hướng dẫn họ sản xuất và sinh hoạt theo nếp mới".

Sau hơn gần 20 năm định canh, định cư, bản Rào Tre của đồng bào Chứt đang đổi từng ngày với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền và Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh.

Phản hồi

Các tin/bài khác