Tranh thờ cúng, nét văn hóa truyền thống của người Dao Lô Gang

(VOV5) - Nhóm Dao Lô Gang là một trong số ít nhóm Dao theo Đạo giáo, tức là thờ rất nhiều thần thánh.

Các nghi thức tín ngưỡng của Đạo giáo ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống của người Dao Lô Gang từ việc tổ chức tang ma, lễ cấp sắc, lễ cưới, các nghi lễ của gia đình và dòng họ…

Đặc biệt, các nghi lễ không thể thiếu tranh thờ. Với nhóm Dao Lô Gang, tranh thờ là hiện thân các vị thần không thể vắng mặt trong các nghi lễ quan trọng và mang tính giáo dục cao. 

Tranh thờ cúng, nét văn hóa truyền thống của người Dao Lô Gang - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Hệ thống tranh thờ của người Dao rất phong phú, hình vẽ trên tranh thể hiện quan niệm sơ khai của người Dao về nguồn gốc hình thành vũ trụ, mối quan hệ giữa vạn vật trong đó có con người. Trong quan niệm đó, các vị thần còn có sức mạnh và quyền lực siêu phàm tác động đến mọi mặt của đời sống. Ông Triệu Như Hồng, người Dao Lô Gang ở xóm Đèo Bụt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Tranh thờ là những vị thần trên thiên đình. Trên trời thì có thiên đình thiên phủ, dưới đất thì có âm phủ. Tất cả những bức tranh của người Dao đều có mặt của các vị thần, không thiếu một ai. Vì người Dao quan niệm trên trời có vị thần nào và làm gì thì ở dưới đất có tất cả những vị thần ấy và việc làm ấy".

Một số tranh của người Dao cũng có chủ đề giống tranh thờ của một số dân tộc khác như Tày, Nùng, Sán Dìu, trong đó phải kể đến bộ tranh Tứ đại Nguyên Súy, về 4 vị thần gồm thần sấm, thần mưa, thần gió và thần mây. Ông Đặng Hồng, thầy cúng người Dao Lô Gang xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ cho biết các lễ Tết khác nhau của người Dao lại có những loại tranh riêng, trong đó phổ biến thông dụng là bộ tranh Tam Tượng và bộ Đại Đường Quân. 2 bộ tranh này dòng họ nào cũng phải có, bởi nếu không có thì không thể tiến hành các lễ cúng của dòng họ như lễ cầu mùa hay lễ tháng 7. Theo ông Hồng: "Trên bàn thờ mỗi gia đình đều phải có bộ tranh thờ. Tranh thờ chính là quần áo của bàn thờ. Bàn thờ chung của tập thể nhưng mỗi người phải gánh lần từ lượt già đến trẻ. Ví dụ như ông anh lớn làm cấp sắc xong rồi thì lại chuyển cho người em. Em xong rồi thì chuyển cho cháu. Một năm có 4 cái Tết. Tất cả những cái Tết ấy, anh em họ hàng mỗi gia đình phải đem 1 chai rượu, con gà đến ấn định để cúng Tết cầu mùa".

Tranh thờ cúng, nét văn hóa truyền thống của người Dao Lô Gang - ảnh 2

Tranh thờ của người Dao thể hiện niềm tin, là cách lý giải của người dân về vũ trụ, về các hiện tượng trong cuộc sống từ thủa xa xưa. Ngày nay, mặc dù khoa học phát triển và có có cách lý giải hợp lý, tin cậy về các hiện tượng này nhưng người Dao vẫn lưu truyền những tích chuyện cổ xưa và giữ gìn bộ tranh thờ.

Lý giải vì sao những  bộ tranh này lại có sức mạnh đến vậy, ông Bàn Phúc Tề, người Dao Lô gang hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hợp Tiến, cho biết: với một dân tộc rất trọng đạo lý như người Dao thì những bức tranh ấy không chỉ là tín ngưỡng mà còn là niềm tin. Dù quan niệm của người Dao về vũ trụ còn mang tính sơ khai, nhưng thông điệp trên những bức tranh ấy lại rất rõ ràng và có tính giáo dục cao. Người Dao Lô Gang cho rằng các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc của con người và sẵn sàng phạt người nào làm việc ác. Chỉ cần nhìn tranh các vị thần được khắc họa oai nghiêm, dữ dằn như bức Tứ đại Nguyên Soái Tam Thanh, thì ai có ý nghĩ xấu xa, những mưu đồ đen tối sẽ bị đẩy lùi.

Thông thường, loại tranh này được vẽ trước tết Nguyên đán vài tháng và người muốn vẽ tranh phải đến nhờ các thầy cúng biết vẽ trong cộng đồng dân tộc của mình. Đến ngày Tết, các dòng họ còn đem tranh thờ ra để con cháu đến học lễ nghi phép tắc. "Bộ tranh không phải tự nhiên mình dùng được mà phải thuê thầy vẽ họa. Khi vẽ xong phải có thịt lợn, thịt gà sắp lễ, cúng lễ khoảng 1 ngày, bức tranh đưa ra khai quang thì mới dùng được. Ví dụ như tập quán trước của người Dao có Tết Niên Liên, là học cúng thần xong thả tranh ra để con cháu trong dòng tộc đến để học chữ học làm thầy, học ra bản sắc dân tộc" - ông Tề nói.

Trong các nghi lễ thờ cúng của người Dao, dù là lễ cúng có quy mô của một gia đình nhưng luôn tập trung rất đông bà con trong dòng họ, làng bản. Các bức tranh cúng thường được treo kín trên vách nhà được những người hiểu biết về nội dung chỉ dẫn cho người chưa biết. Nội dung trong tranh thờ cúng của người Dao Lô Gang chứa đựng nhiều giá trị giáo dục, tính nhân văn cho con người. Vì thế, tục thờ tranh dân gian liên quan đến đạo giáo được người Dao nói chung, nhóm Dao Lô Gang nói riêng, bảo tồn từ đời này qua đời khác./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác