Ảo thuật Việt Nam: Làm sao để có những thành tựu xứng đáng

(VOV5) -Từ Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ IV vừa diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, khán giả và người làm nghề có thêm kỳ vọng về bước phát triển mới của bộ môn nghệ thuật đặc biệt hấp dẫn này. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

Sau những kỳ liên hoan được tổ chức cách quãng, chưa gây được chú ý trước đây, hiện nay cả cơ quan chủ quản cũng như đơn vị phối hợp như Sở văn hóa TP.HCM, Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và các đơn vị, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn ảo thuật đều đã nhất trí về việc cần phải quan tâm hơn, đầu tư đúng mức hơn cho bộ môn có tính giải trí cao này. 
Ảo thuật Việt Nam: Làm sao để có những thành tựu xứng đáng - ảnh 1Tiết mục "Ảo thuật lớn" của nhóm nghệ sĩ từ Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội - Ảnh: Báo Văn hóa

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó GĐ Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, việc tổ chức được một kỳ liên hoan sau 5 năm gián đoạn (Liên hoan ảo thuật lần thứ III diễn ra năm 2018) cũng là một cố gắng lớn, mang lại hiệu quả đáng kể cho những người làm nghề và khán giả hâm mộ, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu thưởng thức của khán giả:"Việc tổ chức Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ IV thể hiện một sự cố gắng lớn, một sự phối hợp chặt chẽ và tốt đẹp giữa Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM với các ban ngành liên quan trong đó có Hội nghệ sỹ sân khấu VN, Liên đoàn Xiếc để tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp cho những người làm ảo thuật… Sự kiện này cũng là sự mong mỏi rất lâu nay của chúng ta nên đã mang đến biết bao cảm xúc, ấn tượng đẹp. Tôi cũng hy vọng về việc sẽ tổ chức theo định kỳ cho liên hoan này."

Bàn thêm về công tác tổ chức sự kiện cũng như tạo thêm nguồn lực để phát triển cho ảo thuật Việt Nam, NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho rằng: "Tới đây Liên hoan ảo thuật toàn quốc sẽ ấn định việc được tổ chức 3 năm một lần để các ảo thuật gia có cơ hội thi thố tài năng và nâng cao kỹ năng biểu diễn. Đồng thời Hội NSSKVN với các đơn vị liên quan cũng sẽ hướng tới việc kết nối, chuẩn bị để có thể tổ chức Liên hoan ảo thuật quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh".

Cũng trong định hướng phải đầu tư và nâng cao cho ảo thuật, NSND Tạ Duy Ánh - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan ảo thuật lần thứ IV cho rằng để tăng tính hiệu quả cho các tiết mục ảo thuật biểu diễn phục vụ nhân dân,  trước tiên phải chú ý đến yêu cầu về kỹ thuật, nghệ thuật và đặc biệt là kỹ năng tương tác giao lưu với khán giả của nghệ sỹ: "Tôi thấy về kỹ thuật biểu diễn thì nghệ sỹ nào cũng có. Quan trọng là chúng ta vận dụng nó như thế nào thôi, và với mỗi tiết mục thứ quan trọng hơn là kỹ năng biểu diễn của người diễn viên, khả năng của họ để giao lưu, tương tác với khán giả. Thêm nữa là việc cần có vai trò đạo diễn trong các tiết mục, cần có phong cách, dấu ấn cá nhân của các ảo thuật gia…"

Ảo thuật Việt Nam: Làm sao để có những thành tựu xứng đáng - ảnh 2Phần biểu diễn của nghệ sỹ ảo thuật Nguyễn Văn Bảy (K'Tay) được nhiều khán giả đón nhận - Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Về phía nghệ sĩ biểu diễn, các ảo thuật gia cũng thể hiện rất rõ niềm đam mê với nghề. Dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng bên trong mỗi cá nhân đều quyết tâm nỗ lực để đạt được những thành tích cao của ảo thuật, như ảo thuật gia K.Tay, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Không phải trước đây mà ngay cả bây giờ, nghệ thuật cũng như ảo thuật đang gặp nhiều khó khăn so với các ngành khác. Thế nhưng những người làm nghề như chúng tôi, nhất là các bạn trẻ đều, rất yêu nghề, có lẽ là noi theo những người đi trước. Đồng thời, tôi thấy việc theo đuổi nghệ thuật ảo thuật hiện nay khá phổ biến, các lớp học cung như nhiều địa chỉ trên mạng xã hội được mọi người chia sẻ rộng rãi. Vì vậy, tôi nghĩ ảo thuật cũng sẽ phát triển tốt."

Khi được hỏi về những thành quả đã đạt được, ảo thuật gia Việt Duy, một trong 5 thí sinh đoạt huy chương vàng trong Liên hoan ảo thuật lần này chia sẻ: "Tôi đã từng giành huy chương vàng trong Liên hoan ảo thuật lần thứ III năm 2018, được vào đến bán kết của cuộc thi Vietnam’s got talent. Và mới đây tôi cũng vừa tham gia một khóa học tại Hàn Quốc kéo dài 1 tháng và được đánh giá xuất sắc trong số 11 người tham dự của tổng số 8 quốc gia…"

Nắm bắt được khó khăn của những nghệ sĩ ảo thuật, nhất là các cá nhân, nhóm xã hội hóa hoạt động đơn lẻ, vừa qua cũng trong khuôn khổ của Liên hoan ảo thuật lần thứ IV, đã diễn ra một cuộc Hội thảo bàn về việc hỗ trợ và nâng cao cho người hoạt động trong lĩnh vực ảo thuật được làm nghề trong điều kiện để phát triển và nâng cao tài năng.

Theo đó các đơn vị và cơ quan chủ quản như Hội nghệ sỹ sân khấu VN, Sở Văn hóa – Thể thao TP. HCM, Liên đoàn xiếc VN sẽ hỗ trợ cho các nhóm, cá nhân ảo thuật đơn lẻ bằng cách tổ chức các đợt tập huấn để chuẩn hóa chất lượng các tiết mục, đồng thời tạo điều kiện để các ảo thuật gia có cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức để hoàn thiện về phong cách biểu diễn.

Bên cạnh đó việc tự thân đầu tư cho nghề nghiệp đối với các ảo thuật gia là điều tất yếu. Vì hiện nay thị hiếu thẩm mỹ của người xem được nâng lên rất nhiều, nếu cứ diễn mãi những trò ảo  thuật cũ với các đạo cụ đơn giản, phổ biến như khăn tay, bồ câu hay hoa lá sẽ rất dễ khiến cho tiết mục bị đơn điệu. Nhận xét về các dấu hiệu  đáng mừng trong Liên hoan ảo thuật lần này, NSND Tạ Duy Ánh nói: "Có khá nhiều các tiết mục xiếc được đầu tư công phu từ đạo cụ cho đến kỹ năng, phong cách biểu diễn. Các bạn thí sinh đã dám bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư cho đạo cụ thậm chí được mua và sưu tầm từ nước ngoài về. điều đó cho thấy một khát khao lớn trong công việc của họ…

Hy vọng, với những cố gắng từ nhiều phía, ngành ảo thuật Việt sẽ có thêm bước phát triển mới, là lĩnh vực giải trí được nhiều người quan tâm và lựa chọn như trước đây. Và trên con đường dài hơn, những nỗ lực đó sẽ góp phần giúp ngành ảo thuật Việt không chỉ dừng lại ở việc phục vụ nhu cầu giải trí cho người xem trong nước, mà sẽ có những bước đi dài tới các sân khấu lớn trên thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác