Cửu đỉnh - đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Việt, được công nhận là Di sản Ký ức thế giới

(VOV5) - "Nói đến cội nguồn của dân tộc Việt Nam là xem trên Cửu đỉnh".

Nghe âm thanh bài tại đây:

 Tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Mông Cổ vừa qua, hồ sơ Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế đã được ghi danh vào Danh mục Ký ức Thế giới. 
Cửu đỉnh - đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Việt, được công nhận là Di sản Ký ức thế giới  - ảnh 1UNESCO trao chứng nhận vinh danh Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế vào danh mục Di sản Tư liệu Thế giới..

Phiên họp ngày 8/5/2024 tập trung xem xét 20 hồ sơ có giá trị về nhiều mặt và đạt các tiêu chí về ý nghĩa trong khu vực, tính độc bản và tính quý hiếm. Với những giá trị tiêu biểu, độc đáo về hình thức, nội dung thông tin, đặc biệt là các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hồ sơ “Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế” đã được ghi danh với số phiếu 23/23 nước tham gia.

Cửu đỉnh - đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Việt, được công nhận là Di sản Ký ức thế giới  - ảnh 2Cửu đỉnh trong Đại Nội Huế.

Cửu đỉnh là 9 đỉnh bằng đồng được khởi công chế tác vào cuối năm 1835 dưới thời vua Minh Mạng, được đặt tại sân Thế Tổ Miếu, Đại Nội Huế. Từ đó đến nay, Cửu đỉnh vẫn tồn tại nguyên vẹn ở vị trí này, là bản nguyên gốc và duy nhất, chưa từng được sửa chữa. Điều đặc biệt, Cửu đỉnh gắn liền với thụy hiệu của các vua nhà Nguyễn, được đặt ở vị trí đối diện án thờ các vua bên trong Thế Tổ Miếu. Cửu đỉnh Huế là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc, chứa đựng những nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, vũ trụ và thiên nhiên.

Trải qua 200 năm tồn tại, đến nay, Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Ngoài tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn thì Cửu đỉnh như một bộ “Địa dư chí lược” của Việt Nam đầu thế kỷ XIX được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với tổng cộng 162 họa tiết chạm nổi tinh xảo.

Cửu đỉnh - đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Việt, được công nhận là Di sản Ký ức thế giới  - ảnh 3Các bản đúc nổi trên đỉnh đồng - Ảnh: vov.vn

Cửu Đỉnh gắn liền với con số 9, một con số thiêng liêng theo quan niệm phương Đông; cũng là tư tưởng chủ đạo vua Minh Mạng trong việc đúc Cửu Đỉnh cho triều đại mình: Tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9. Đặc biệt, trên Cửu đỉnh, nếu ở phần Tuyên đỉnh có sông Hồng thì Huyền đỉnh có sông Cửu Long và Nhân đỉnh có sông Hương; Cao đỉnh có cọp trên rừng thì Nhân đỉnh có cá voi dưới biển. Các hình ảnh ở Cửu đỉnh đều biểu hiện những cảnh vật rất thật và gần gũi với dân tộc Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học- Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: "Cửu đỉnh được đúc theo lối thủ công truyền thống nên việc tạo khuôn đúc cũng thực hiện thủ công qua việc chọn lựa loại đất sét phù hợp một cách tỉ mỉ. Từ cách tạo dáng đến các hình chạm nổi trang trí bên ngoài cho thấy tất cả các hoa văn, họa tiết trang trí trên Cửu đỉnh là một thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại ở bất kỳ nơi đâu.

Theo Tiến sĩ Lê Thị An Hòa, qua nghiên cứu các nước đồng văn như, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapo, Nhật Bản, thì bộ Cửu đỉnh của Thừa Thiên Huế độc bản.“Mặc dù đúc đồng thì có nhiều nước có nghệ thuật đúc đồng nhưng riêng bộ Cửu Đỉnh này và các hình ảnh được chạm trổ trên nó, chỉ có duy nhất ở Huế thôi. Thì tất cả các tiêu chí để đạt được tư liệu của thế giới thì bộ Cửu đỉnh này tất cả các tiêu chí đó”.

Cửu đỉnh - đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Việt, được công nhận là Di sản Ký ức thế giới  - ảnh 4Du khách tham quan Cửu đỉnh.

Trong số 162 họa tiết chạm nổi trên Cửu đỉnh, có tới 90 hình ảnh là về các loài động, thực vật đặc trưng của Việt Nam như: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền… Hình ảnh biển đảo của nước ta đã được chạm khắc rõ ràng, minh xác trên Cửu đỉnh nhà Nguyễn.

Trong 9 đỉnh, có 3 đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất có khắc biển đảo nước Việt, gồm: biển Đông ở Cao đỉnh, biển Nam ở Nhân đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh. Cùng với hàng loạt tài liệu Hán Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cửu đỉnh - đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Việt, được công nhận là Di sản Ký ức thế giới  - ảnh 5Cửu đỉnh được đặt tại sân Thế Tổ Miếu đã gần 200 năm qua.

Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết: Tất cả các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh đều là những đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam: “Cửu đỉnh, là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, hai là tư tưởng thống nhất trong dân tộc, ba là một tác phẩm Đại Nam Nhất Thống Chí, viết sông núi, sản vật, nhân vật chí bằng hình ảnh. Cửu đỉnh của mình có tính thống nhất, mang tính độc quyền của một quốc gia, mang tính toàn vẹn của một lãnh thổ quốc gia. Tức là, nói đến cội nguồn của dân tộc Việt Nam là xem trên Cửu đỉnh”.

Di sản Ký ức thế giới hay Di sản Tư liệu thế giới là một trong các loại hình di sản được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) quy định và vinh danh.

Tại Việt Nam, hiện đã có 9 Di sản Ký ức Thế giới của UNESCO, trong đó 3 di sản cấp độ thế giới là Mộc bản triều Nguyễn (2009), bia tiến sỹ Văn Miếu Thăng Long (2010), Châu bản triều Nguyễn (2017); 6 di sản cấp độ châu Á - Thái Bình Dương gồm: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang (2012), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Mộc bản trường học Phúc Giang - Hà Tĩnh (2016), Hoàng Hoa sứ trình đồ - Hà Tĩnh (2018), Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (2022), Văn khắc Ma nhai Ngũ Hành Sơn (2022).
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác