Dương Tường Thơ – trong thi có họa

(VOV5) - Dương Tường Thơ là tuyển tập những sáng tác rải rác trong cuộc đời của tác giả, trong đó thơ thị giác là một phần quan trọng trong sáng tác của Dương Tường.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Dương Tường Thơ – trong thi có họa - ảnh 1 Nhà thơ Dương Tường trong buổi ra mắt tập Dương Tường Thơ

Dịch giả Dương Tường làm thơ từ những năm 1952, là lúc ông còn trong quân ngũ. Bản thân Dương Tường coi phần thơ thị giác là một phần quan trọng trong quá trình sáng tác của mình. "Dương Tường là người làm chữ". Đấy là lời nhận xét của nhà văn Châu Diên trong buổi ra mắt sách. Như chính Dương Tường tâm sự thì: “Thơ là không biên giới, ở những giờ phút người ta hay gọi là “hứng” thì nó tự vụt ra. Những người một lòng, một đời vì con chữ thì không lúc nào là không vật vã để tìm ra những hướng mới cho thơ Việt”.

Nói về hai người bạn thơ Trần Dần và Dương Tường đối với hình thức thơ thị giác, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Đọc xong bài thơ là chúng ta hiểu nghĩa và không quan tâm đến ngôn ngữ. Cũng như đọc văn, chúng ta lấy ý và bỏ chữ. Còn đây là những nhà thơ làm chữ, bản thân chữ nó có những âm vang của nó. Và chữ này tựa chữ kia, sát chữ kia có thể gợi mở rất nhiều. Thơ này đòi hỏi hai thao tác, một là đọc, hai là nhìn.”

Dịch giả Châu Diên, cũng là người bạn thân lâu năm của nhà thơ Dương Tường chia sẻ rằng thơ Dương Tường khá khó đọc và cũng không phải dành cho số đông. Tuy nhiên cũng có rất nhiều độc giả với nhiều lứa tuổi yêu mến thơ Dương Tường. Trong cuốn Dương Tường Thơ có một phần phụ lục là phần do dịch giả Châu Diên chọn dịch từ những bài thơ của học sinh trường Quốc tế Pháp tại Hà Nội (tức trường Alexandre Yersin) gửi cho Dương Tường. Ông kể lại:

“Trong gần 100 bài thơ, Cộng hưởng bài “Chiều buông đầy những thở dài” của học sinh quốc tế Pháp, vì tôi có duyên với các em ở đó. Lúc tôi dạy các em học tiểu học, nhưng đến hôm giới thiệu thơ của Tường đã thấy các em đã lớn rồi  Rất nhiều thơ Cộng hưởng với Tường. Trong tập thơ này tôi chọn ra khoảng 4,5 bài thơ. Như vậy đó, con người gặp nhau bằng một hồn thơ nào đó, mong manh lắm”

Đến với buổi ra mắt sách cũng có nhiều người bạn thơ, độc giả là những người đã vô cùng yêu thơ Dương Tường. Cũng đồng quan điểm với dịch giả Châu Diên, nhà thơ Đỗ Thị Tấc cho rằng thơ Dương Tường không dễ đọc, độc giả cần phải đọc bằng tất cả trái tim của mình: “Thơ Dương Tường chỉ có thể đọc bằng thơ. Tôi rất mong ai đọc thơ Dương Tường đặt mình vào những trải nghiệm để đọc nó đúng hơn”.

Họa sĩ Trần Trọng Vũ đã có những dòng viết về Dương Tường “Đọc thơ Dương Tường, cũng có nghĩa đọc những cuộc hóa thân khác, chớp nhoáng theo một chiều từ âm thanh đến hình ảnh”. Có thể nói, Dương Tường dù ở tuổi 85 nhưng có lẽ vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong dòng phát triển chung của thơ hiện đại Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác