Gặp gỡ họa sĩ của Lôi động tinh phi: Người đam mê vẽ minh họa lịch sử

(VOV5) - CaoViet Nguyen (Nguyễn Cao Việt) là hoạ sĩ trẻ người Latvia gốc Việt, có niềm đam mê với lịch sử và vẽ minh họa lịch sử.

CaoViet Nguyen tác giả của một số truyện tranh tiếng Latvia như “Người giết gấu”, “Người thổi tù và vùng Talavas”,…và cũng tham gia là họa sĩ trong phim tài liệu lịch sử của Latvia (như Các bộ tộc vùng Baltic).., đặc biệt có sở thích và sở trường về minh họa truyện tranh lịch sử.

Đã tham gia nhiều dự án vẽ tranh minh họa của cả quốc tế và Việt Nam, CaoViet Nguyen cho biết anh thuộc trong số ít những người Việt đầu tiên định cư tại Lavia theo gia đình. Họa sĩ CaoViet Nguyen chia sẻ với phóng viên VOV5 câu chuyện về hành trình những ngày đầu sống, học tập và hòa nhập tại xã hội Latvia.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Gặp gỡ họa sĩ của Lôi động tinh phi: Người đam mê vẽ minh họa lịch sử  - ảnh 1Họa sĩ Nguyễn Cao Việt. 

PV: Xin chào họa sĩ Nguyễn Cao Việt . Anh có thể chia sẻ câu chuyện về những ngày đầu đến sinh sống tại Latvia, khi anh vẫn còn chưa đến tuổi trưởng thành?

CaoViet Nguyễn: Tôi sang Lavia từ năm 15 tuổi theo gia đình của bố. Ngày xưa bố ở Ba Lan, bố đã sống ở Châu Âu khoảng mấy chục năm. Một thời kỳ ông cùng gia đình từ Ba Lan về Việt Nam sống 3 năm, rồi lại cùng gia đình sang Latvia vì vợ ông là người Latvia. Lúc đó tôi học chưa hết lớp 10.

Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, vì giống như mình là một trong số những người Việt đầu tiên qua Latvia. Ở đó không có Đại sứ quán Việt Nam, thành ra con đường thủ tục giấy tờ để qua được Latvia tương đối khó. Gia đình ở cách xa thủ đô khoảng 40 km. Tôi được cho vào học ở trường địa phương gần đó, nhưng thực sự lúc đầu rất khó khăn vì mình không biết tiếng, học dự thính một năm không được, tôi được chuyển qua một trường khác để học. Lúc đó tôi bắt đầu tự học tiếng Latvia để có thể hòa nhập. Vì bên kia học trễ hơn Việt Nam một năm, tôi phải học lại lớp 10. Chương trình đơn giản hơn rất nhiều, với tôi chỉ khó về vấn đề ngôn ngữ. Vào buổi chiều tôi thường tới các lớp học vẽ ở địa phương. Sau khoảng 1 năm thì thi vào một trường mỹ thuật trên thủ đô, rồi  thi vào Đại học Mỹ thuật Lavia. Tôi học được hai năm, sau đó cảm thấy mình cũng… không cần tốt nghiệp nên ra ngoài làm luôn từ đó đến giờ.

PV: Anh nghỉ học do lý do nào khác hay là do không hòa nhập được với cuộc sống ở Lavia?

CaoViet Nguyen:  Không phải là không hòa nhập được, mà chính xác là chương trình bên ấy khá hàn lâm, chú trọng nhiều vào yếu tố nghệ thuật hơn. Cũng có 1 năm tôi đi qua Mỹ với ý định thi vào một trường đại học nghệ thuật Mỹ, nhưng bên đó quá đắt nên quay về học ở Lavia. Học ở Lavia rất ổn vì cơ bản là học miễn phí, mình chỉ bắt buộc phải thi vào. Đầu vào Đại học Mỹ thuật rất khó, một lớp có khoảng 12 - 14 sinh viên. Học rất tốt. Nhưng theo cá nhân tôi đánh giá thì đi ra rất khó để kiếm việc. Bạn bè tôi ở đó hiện tại rất nhiều người khó khăn để kiếm việc làm ổn định. Mình lại theo ngành minh họa, thời đấy ngành này ở Latvia cũng tương đối mới..

Gặp gỡ họa sĩ của Lôi động tinh phi: Người đam mê vẽ minh họa lịch sử  - ảnh 2Bìa cuốn “Người thổi tù và vùng Talavas" của CaoViet Nguyen.

PV: Vậy tại sao anh lại lựa chọn con đường trở thành họa sĩ vẽ tranh minh họa? Anh đến với việc đó như thế nào?

CaoViet Nguyen: Thật ra cũng khá tình cờ. Hồi nhỏ tôi khá thích vẽ rồi, nhưng lúc đó không nghĩ mình sẽ kiếm tiền, sinh sống bằng cái nghề này. Vì từ xưa đến nay,  nhiều người Việt luôn cho rằng họa sĩ thì nghèo. Nhưng khi qua bên Latvia, mẹ kế người Latvia biết được tôi thích vẽ, nên bà cho tôi vào học ở những trường vẽ ở địa phương. Lúc đó người thầy dạy mình vẽ đầu tiên, là chủ nhiệm của trường, khi ấy cũng sáu mấy tuổi rồi, chuyên đào tạo những học viên thi vào Đại học Mỹ thuật. Tôi học vẽ của ông khoảng 2 - 3 năm. Sau đó khi tôi ra ở riêng, thì dọn tới studio của ông ở luôn để học việc và phụ giúp vì thầy cũng đã có tuổi.  Bắt đầu cuộc sống (tự lập) như thế, nói chung xung quanh đều là nghệ thuật.

PV: Ngoài những dự án quốc tế hay dự án tại Việt Nam hiện nay thì được biết là anh đã từng có những dự án vẽ tranh minh họa lịch sử tại Latvia.  Anh có thể chia sẻ về những dự án mà anh thích nhất, đã làm tại Latvia?

CaoViet Nguyen: Ngày xưa tôi rất thích minh họa, vẽ truyện tranh,  nhưng việc đó ngốn rất nhiều thời gian. Ban đầu tôi vẽ truyện tranh, cũng xuất bản được vài quyển tại Lavia. Nhưng người ta biết được tôi nhiều nhất qua mảng minh họa lịch sử.

Tôi đã tham gia những dự án như tham gia bộ phim tài liệu lịch sử đầu tiên về thế kỷ 13 của Latvia, nhân kỷ niệm 100 năm Lavia,  là một trong hai họa sĩ chính. Nhiệm vụ của tôi là minh họa lại những phân cảnh người ta không thể dàn dựng được. Tôi minh họa khoảng 60 - 70 bức tranh cho dự án phim đó. Phim công chiếu toàn quốc năm 2018.

Hay dự án về bảo tàng mini của địa phương chẳng hạn, với một số địa phương muốn phát triển văn hóa. Như một địa phương có nhà thờ bỏ hoang được cải tạo lại thành Trung tâm văn hóa. Người ta muốn trên đỉnh của nhà thờ là một bảo tàng mini về quá trình phát triển của địa phương và lịch sử địa phương. Họ đã mời tôi tham gia vẽ khá nhiều tranh do dự án đó.

Xin cảm ơn họa sĩ Nguyễn Cao Việt về cuộc trò chuyện này.

Gặp gỡ họa sĩ của Lôi động tinh phi: Người đam mê vẽ minh họa lịch sử  - ảnh 3Tranh minh họa của họa sĩ CaoViet Nguyen trong cuốn Lôi động tinh phi - Ảnh: Comicola
Caoviet Nguyen / Kaovjets Ngujens là họa sĩ theo phong cách tả thực, tác giả truyện tranh “Người giết gấu”, “Người thổi tù và vùng Talavas”,…chuyên minh hoạ lịch sử các thời kỳ, truyện tranh và lĩnh vực thời trang. Anh cũng là tác giả phần hình ảnh của cuốn sách khảo cứu đầu tiên về lịch sử súng đạn của Việt Nam Lôi động tinh phi (Comicola và NXB Dân trí ấn hành).
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác