Hà Nội đa màu sắc trong các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh

(VOV5) - Ông vừa được trao Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 16 vì những cống hiến xuất sắc cho Hà Nội thông qua những tác phẩm điện ảnh và văn học thấm đẫm giá trị lịch sử và nhân văn.
Nghe âm thanhbài viết tại đây:

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, tên tuổi của đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đặng Nhật Minh đã gắn liền với nhiều tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh nước nhà. Trong số các tác phẩm, từ văn chương đến điện ảnh của ông, chủ đề Hà Nội xuất hiện và được khai thác ở nhiều góc độ, đa sắc màu, từ thời cuộc cho đến con người.

Hà Nội đa màu sắc trong các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh - ảnh 1Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 16. Ảnh: Vietnam+

Nhận Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 16, hôm 05/10, là niềm vui lớn với đạo diễn Đặng Nhật Minh. Đây cũng là thời điểm diễn ra “Tháng phim Đặng Nhật Minh”, sự kiện do Trigger Film Academy và Storii tổ chức, nhằm tôn vinh 9 tác phẩm điện ảnh đặc sắc của ông. Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: "Hà Nội là tình yêu của tôi, là nơi tôi gắn bó hơn 60 năm cuộc đời. Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội mà tôi được nhận lần này là sự ghi nhận cho tình yêu đó trong tôi. Tình yêu này được thể hiện qua những phim mà tôi làm về Hà Nội. Giải thưởng này càng quý giá với tôi hơn khi tôi được nhận nó trong những ngày tháng 10 đáng nhớ này."

Trong sự nghiệp điện ảnh đồ sộ gồm nhiều bộ phim nổi tiếng trong nước và quốc tế, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh có chùm 5 phim về Hà Nội và người Hà Nội, là: “Hà Nội mùa đông năm 1946” (1997), “Mùa ổi” (2001), “Trở về” (1994), “Đừng đốt” (2009) và mới đây nhất là “Hoa nhài” (2020).

Mỗi tác phẩm là một dấu mốc thành công của ông. Có thể kể tới như: “Hà Nội mùa đông năm 46” được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto (12/1997) và Liên hoan phim quốc tế Singapore (04/1998); “Mùa ổi” đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam (2001), Giải của Ban Giám khảo trẻ và Giải Donkihote của Hiệp hội các Câu lạc bộ điện ảnh thế giới tại Liên hoan phim Locarno (Thụy Sĩ, 2000), Giải đặc biệt của Hiệp hội phê bình phim quốc tế tại LHP Oslo (Na Uy, 2001), Bằng khen đặc biệt tại Liên hoan phim Namur (Bỉ, 2000), Giải NETPAC tại Liên hoan phim Rotterdam (Hà Lan); “Đừng đốt” không chỉ nhận được lời khen từ quốc tế mà còn giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, như: Liên hoan phim Việt Nam, Giải Cánh diều, giải thưởng do khán giả bình chọn tại Liên hoan phim quốc tế Fukuoka (2009)…

Hà Nội đa màu sắc trong các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh - ảnh 2Tác phẩm của đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh. Ảnh: Minh Anh/Vietnam+

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 16, cho rằng: "Từ “Hà Nội mùa đông năm 46” cho đến các tác phẩm sau này của đạo diễn Đặng Nhật Minh, anh đều thể hiện một tình yêu Hà Nội rất sâu sắc. Cuộc đời của đạo diễn Đặng Nhật Minh gắn bó với Hà Nội nên mỗi khía cạnh trong tác phẩm của anh đều mang hơi thở của Hà Nội, xuất phát từ tình yêu Hà Nội. Giải thưởng Lớn năm nay trao cho đạo diễn Đặng Nhật Minh là hoàn toàn xứng đáng, đã ghi nhận sự đóng góp của một nghệ sĩ lớn đối với thủ đô Hà Nội, tình cảm của anh đối với Hà Nội thông qua các tác phẩm."

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh sinh năm 1938, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Với Huế, ông chỉ sống những năm tháng tuổi thơ. Trong khi đó, ông đã gắn bó với Hà Nội suốt 60 năm qua. Với ông, Hà Nội thân thương “như một người ruôt thịt”. Chính Hà Nội đã hình thành nên con người nghệ sĩ Đặng Nhật Minh, một người làm điện ảnh “đều bởi Hà Nội”. Hà Nội đã chứng kiến Đặng Nhật Minh trưởng thành và Đặng Nhật Minh cũng là người chứng kiến những sự đổi thay đổi của Hà Nội qua năm tháng. Cứ thế, với những gắn bó và thấu hiểu, từng giai đoạn của Hà Nội đã trở thành những thời để nhớ trên phim về Hà Nội của Đặng Nhật Minh.

Trong phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh, khán giả có thể thấy một Hà Nội vừa hoài niệm, vừa hiện thực, vừa bình yên với những người dân cụ thể, thân thuộc. Điều đó là do ông đặc biệt chú trọng tiếp cận số phận của từng con người, đi vào bên trong tâm tính, phẩm giá của người Hà Nội. Theo ông, làm phim về Hà Nội, điều quan trọng nhất là nói được cái bên trong của con người Hà Nội, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ về “Hoa nhài”, món quà ông dành tặng Hà Nội khi đã ngoài 80 tuổi: "Đây là một bộ phim nói về những người Hà Nội, những người mà hằng ngày chúng ta vẫn gặp ở trên đường phố, ngoài vỉa hè, cùng những buồn vui, mối lo toan trong cuộc mưu sinh. Họ là những người đã truyền cho tôi cảm hứng để làm nên bộ phim này. Tôi phải cảm ơn những người Hà Nội mà tôi đã gặp. Đây không phải bộ phim với những xung đột kịch tính gay gắt, mà là một bộ phim bình dị, nói về những con người bình dị."

60 năm gắn bó, hiểu và yêu Hà Nội, những trải nghiệm của đạo diễn Đặng Nhật Minh với vùng đất này luôn khiến ông rung động. Cảm xúc ấy ngày càng được bồi đắp theo năm tháng và được thể hiện qua những thước phim. Trong phim của ông, Hà Nội hiện lên bình dị nhưng lại như bức tranh đa màu sắc khiến người xem muốn khám phá, tìm hiểu vẻ đẹp ẩn giấu bên trong.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh là người đầu tiên đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Ông từng được vinh danh tại nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Năm 1993, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân;

Năm 2005, ông được vinh danh giải thưởng "Thành tựu trọn đời" vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan Phim quốc tế Gwangju;

Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh cho các tác phẩm: “Thị xã trong tầm tay”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Hà Nội mùa đông năm 46” và “Mùa ổi”;

Năm 2010, ông được Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ vinh danh tại Hollywood là đạo diễn có đóng góp xuất sắc cho điện ảnh Việt Nam;

Năm 2016, ông được Hà Nội vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú";

Năm 2022, ông được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật của Pháp 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác