Nhạc sĩ Lê Thương: Đến khi núi lở sông mòn...

(VOV5) - Lê Thương có một sự nghiệp âm nhạc được đánh giá cao, đặc biệt qua trường ca Hòn vọng phu. Trường ca này gồm 3 phần, có nhiều sự kết hợp từ các âm hưởng dân gian khác nhau trong một chỉnh thể có tính chất truyện ca. 

Nghe âm thanh tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:


Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng

Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng

...Ta cố đợi nghìn năm

Một nghìn năm khác sẽ qua

Đến khi núi lở sông mòn

Mới mong tới hòn vọng phu...

Nhạc sĩ Lê Thương là một trong số những nhạc sĩ trình làng các ca khúc tân nhạc đầu tiên trước công chúng và sớm có được vị trí trong lòng người nghe. Những bản nhạc đầu tiên của ông đã có mặt trong các sự kiện sân khấu như buổi ra mắt vở kịch Ông Ký Cóp của Vi Huyền Đắc do Thế Lữ đạo diễn, tại Hải Phòng và Hà Nội tháng 10 và 11-1938. Tại đây, Lê Thương đã trình diễn các bài hát Tiếng đàn đêm khuya, Một ngày xanh, Trên sông Dương Tử, Xuân năm xưa, Khúc ly ca... Sau đó trong cuộc cổ động bài hát mới trên tờ Ngày Nay của Tự lực văn đoàn, ông đăng hai bài Xuân yêu đương và Bản đàn xuân (đã sáng tác từ 1938) vào các số báo trong năm 1939 và 1940.

Nhạc sĩ Lê Thương: Đến khi núi lở sông mòn... - ảnh 1Ảnh tư liệu nhạc sĩ Lê Thương qua các thời kỳ - Nguồn: vmef.vn

Lê Thương (tên thật Ngô Đình Hộ, sinh 1914- mất 1996), như các nhạc sĩ thời kỳ đầu tân nhạc vốn chỉ học một chút ít trong trường dòng và chủ yếu tự mày mò, song đã sớm đúc kết những kinh nghiệm để truyền thụ cho các đàn em. Các nhạc sĩ như Hoàng Quý, Tô Vũ, Phạm Ngữ, Canh Thân ở Hải Phòng, nơi Lê Thương dạy học vào cuối thập niên 1930, đã được ông chỉ bảo ban đầu. Bản thân Văn Cao cũng từng học hỏi ở Lê Thương thời gian này. Lê Thương dạy học nhiều nơi, Nam Định, Hải Phòng và Hà Nội, kết hợp với các ban kịch Tinh Hoa của Đoàn Phú Tứ, Thế Lữ, Lê Đại Thanh cũng như Hội Ánh Sáng của Tự lực văn đoàn. Ông phổ một số bài thơ của Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư như Bông hoa rừng, Tiếng thùy dương, Lời kỹ nữ, Tiếng thu.

Năm 1941, Lê Thương vào Sài Gòn tìm kiếm cơ hội công việc thu âm các đĩa hát, và chính thức sống ở miền Nam từ 1942. Ông tham gia nhiều đoàn nhạc, cùng các nhạc sĩ Đức Quỳnh, Lê Cao Phan, Trần Văn Trạch... Năm 1945, trong thời gian ở vùng kháng chiến Mỹ Tho, ông bắt đầu viết trường ca Hòn vọng phu và kịp đưa bản nhạc cho Lưu Hữu Phước trước ngày Nam Bộ kháng chiến 23-9-1945 và sau đó Lưu Hữu Phước đem ra Bắc in tại cơ sở Hoàng Mai Lưu ở Hà Nội. Sau đó khi về Sài Gòn, ông bị Pháp bắt giam 4 tháng vì tham gia kháng chiến.

Những năm 1946-1950, Lê Thương viết nhiều bài hát đa dạng, từ các phần tiếp theo của Hòn vọng phu (Ai xuôi vạn lý, Người chinh phu về) cho đến các bài hát thiếu nhi (Thằng Cuội, Tuổi thơ, Học sinh hành khúc) và một vài ca khúc trữ tình có hơi hướng truyện ca như Nàng Hà Tiên, Tiếng vang từ Cổ Lũy, Hoa thủy tiên, hoặc có tính xã hội như Lòng mẹ Việt Nam, Người chơi độc huyền... Ông viết một chùm bài hát có sắc thái châm biếm chính trị như Hòa bình 48, Liên hợp quốc, Hòa bình Việt Pháp, Liều thuốc độc lập, và bị chính quyền bắt giam vì châm biếm chính quyền Bảo Đại. Lê Thương cũng là người đã dạy ký âm pháp cho ca sĩ Mộc Lan và đã đặt nghệ danh cho cô sau khi tập bài Bông hoa rừng.

Sau năm 1954, ông tham gia viết nhạc cho phim cũng như nhiều đoàn nhạc của các đài phát thanh, truyền hình Sài Gòn. Ông thậm chí còn đạo diễn bộ phim truyện Áo dòng đẫm máu cho hãng Mỹ Vân. Sau này ông không viết nhạc tiếp và sống ở 55 Bùi Viện cho đến cuối đời. Đầu thập niên 1990 ông dần mất trí nhớ và mất năm 1996.

Lê Thương có một sự nghiệp âm nhạc được đánh giá cao, đặc biệt qua trường ca Hòn vọng phu. Trường ca này gồm 3 phần, có nhiều sự kết hợp từ các âm hưởng dân gian khác nhau trong một chỉnh thể có tính chất truyện ca. Năm 1953 trong chuyến lưu diễn Bắc du của Ban hợp ca Thăng Long, Phạm Duy và ban này đã kết hợp Hòn vọng phu cùng bài hát Chinh phụ ca của Phạm Duy viết năm 1945 thành một ca cảnh chủ đề Đá vọng phu, trong đó các ca sĩ vừa hát và ngâm một số đoạn thơ trong Chinh phụ ngâm. Nhiều danh ca đã thể hiện bộ ba này hoặc hát riêng từng phần, đặc biệt phần 2 - Ai xuôi vạn lý được đánh giá là tác phẩm hấp dẫn nhất, có màu sắc âm nhạc dân tộc rõ nét và cũng là khó thể hiện hơn cả.

Trường ca Hòn vọng phu khắc họa một không gian của những biến động chiến chinh, ly tán, thông qua biểu tượng những hòn vọng phu có trên khắp đất nước Việt Nam, dấu ấn của những cuộc chiến tranh trong nhiều thế kỷ: Nàng Tô Thị ở Đồng Đăng, hòn Vọng Phu ở Phú Yên... là những gợi ý song Lê Thương tìm kiếm một mạch tâm sự nói lên tiếng nói tìm kiếm hòa bình và thương cảm cho số phận con người trong thời loạn lạc. Cuộc chiến tranh bùng nổ vào năm 1945 khi quân Pháp-Anh tái chiếm Nam Bộ là gợi ý trực tiếp cho Lê Thương, song điều sâu xa mà ông gợi ra là cất tiếng nói hóa giải một truyền thống ly biệt nhiều đau khổ của người Việt suốt cả nghìn năm.

Bên cạnh Hòn vọng phu, những ca khúc khác thời kỳ đầu của Lê Thương cũng có những nét trong trẻo, lãng mạn và đượm vẻ cổ điển, đặc trưng cho những bài ca thời tân nhạc bắt đầu tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của trào lưu "bài ta theo điệu Tây".
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác