Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga: Những nhịp cầu văn hóa Nga – Việt

(VOV5)- “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” bằng tiếng Nga do Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành sẽ đến với bạn đọc Nga trong thời gian tới. Tiếng Nga là ngôn ngữ thứ 20 mà cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được dịch ra và phát hành rộng rãi trên thế giới. Trong tạp chí văn nghệ thứ bảy tuần trước, chúng tôi đã giới thiệu cùng quý vị và các bạn bài viết của tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, người Việt tại LB Nga, dành cho độc giả Nga. Lễ ra mắt cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” bằng tiếng Nga sẽ diễn ra ngày 24/7 tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.

Nhấn vào đây để nghe âm thanh:


Cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là kết quả của chương trình hợp tác giữa các dịch giả của Viện nghiên cứu Phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga) và CLB “May Thăng Long Moscow” với mong muốn đem lại cho độc giả Nga một góc nhìn mới về cuộc chiến tranh giành độc lập của Việt Nam. Nhà thơ, tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, là người tổ chức dịch tác phẩm này, cho biết bản tiếng Nga cuốn nhật ký do các dịch giả GS Anatoly Sokolov (nhà Việt Nam học người Nga) và Lê Văn Nhân chuyển ngữ, NXB Thế Giới xuất bản, Trung tâm văn hóa Đông Tây in ấn, phát hành:"Ý tưởng dịch quyển Nhật ký Đặng Thùy Trâm được nung nấu từ năm 2006, nhưng quả thật lúc đó không có điều kiện. Vào tháng 5 năm ngoái chúng tôi gặp Câu lạc bộ may mặc Thăng Long. CLB cũng có ý tưởng dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Hai ý tưởng kết hợp lại, và chúng tôi quyết định dịch cuốn sách này. Chúng tôi đã tập hợp được một nhóm là anh Sokholov, tôi và định một ai đó nữa. Nhưng sau tôi phát hiện anh Lê Văn Nhân đang dạy ở Vladdivoxtoc. Và tôi thay đổi ý định, chọn hai người dịch, một là anh Lê Văn Nhân – người rất giỏi tiếng Nga của Việt Nam, hai là anh Sokholov, người đã làm từ điển Việt Nga. Và tôi đứng ra tổ chức."

Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga: Những nhịp cầu văn hóa Nga – Việt - ảnh 1
Bìa Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga

Tiến sĩ ngôn ngữ, nhà Nga học Việt Nam Lê Văn Nhân là giảng viên tiếng Nga kỳ cựu, người sáng tác thơ bằng tiếng Nga, viết bằng cả hai thứ tiếng Việt – Nga, một trong những người sáng lập khoa phiên dịch Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Ông kể lại việc ông nhận cùng dịch Nhật ký: "Trùng lặp vào dịp tôi đi làm chuyên gia ở trường Đại học LB tại Viễn Đông 1 năm. Tôi bay sang Viễn Đông công tác ở đây rồi thì anh Hoàng gọi điện bảo cùng nhau dịch. Và tôi rất là mừng."


Annatoly Sokolov là Phó giáo sư, Tiến sỹ ngữ văn, cán bộ nghiên cứu
Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, nhà Việt Nam học rất quen biết với giới khoa học xã hội và văn học - nghệ thuật Việt Nam. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật về Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cho biết, hai dịch giả đã dịch bằng những văn phong khác nhau, và cuối cùng, có hai nhà văn Nga được nhờ cậy để biên tập lại bản dịch cuối. Dịch giả Lê Văn Nhân chia sẻ những khó khăn khi chuyển ngữ cuốn nhật ký này: "Nhật ký Đặng Thùy Trâm viết ở chiến trường, là viết cho chính mình, nên tính văn học nghệ thuật không cao. Rất nhiều kỷ niệm, sự kiện gắn liền với chiến trường. lịch sử nước ta những năm cuối thập kỷ 60, 70. Rất may chúng tôi là những người lớn tuổi, đã biết, đã trải qua thời kỳ khó khăn ấy nên không phải khó khăn lắm để truyền đạt. Nhưng quan trọng nhất là thời điểm bây giờ, bạn đọc trẻ Nga sẽ thấy xa lạ hoàn toàn với những điều ấy, thành ra chúng tôi phải tìm văn phong nào để trung hòa. Hễ có điều gì cảm thấy người đọc Nga hiện nay không hiểu được chúng tôi đều chú giải. Chúng tôi được biết Nhật ký Đặng Thùy Trâm được dịch ra những tiếng khác nữa, vì thế chúng tôi phải làm rất cẩn thận. Cách đây không lâu, Đặng Kim Trâm – em út Đặng Thùy Trâm ngồi với chúng tôi, phải công nhận: các anh làm công phu thật, và bản dịch ra tiếng Nga là một trong những bản công phu nhất."


Nhưng với tiến sĩ Lê Văn Nhân, việc cùng dịch thuật Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng mang lại cho ông nhiều niềm vui: "Khi dịch dù nó có những vất vả khó khăn, nhưng chúng tôi cũng có niềm đam mê nhất định, vì chúng tôi làm việc không phải chỉ với ngôn ngữ mà làm việc với cả nền văn hóa dân tộc, một giai đoạn lịch sử. Gần như chúng tôi lại được sống lại với đất nước Việt Nam những năm 68-70, những năm đầy ắp sự kiện. Tôi là người chịu trách nhiệm dịch toàn bộ những phần liên quan đến thơ trong nhật ký. Điều thú vị là tôi lại một lần nữa nhờ Đặng Thùy Trâm lại đi qua được lịch sử của đất nước hào hùng và đầy gian khổ, đầy đau thương. Đấy là một niềm đam mê và dù sao thì tôi thấy hoàn thành được trách nhiệm, niềm tin mà các vị đặt cho chúng tôi."


Theo tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, được sự tài trợ của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam tại LB Nga, sách in số lượng 3.500 bản nhưng sẽ không bán mà chỉ tặng bạn đọc. Tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng cho biết: "Quyển sách này in ra có hai ý tưởng. Một là sẽ phát cho Hội cựu chiến vinh Nga, Quỹ Hòa bình Nga, học sinh Nga, những người Nga gắn bó với Việt Nam. Thứ hai là cho những doanh nghiệp Việt làm ăn với Nga. Doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với Nga rất nhiều. Có thể bình thường họ tưởng người Việt chỉ lam lũ làm ăn thế này, nhưng đưa cho họ quyển sách đó, họ sẽ thấy được tầm văn hóa của người Việt, là một thông điệp để họ hiểu đất nước chúng tôi. Ý nghĩa thứ ba là sau 20 năm chưa hề có tác phẩm Việt Nam nào được dịch trở lại tiếng Nga, thì đây coi như là tác phẩm đầu tiên mở màn cho thời kỳ văn hóa dịch Việt Nam sang Nga."


“Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” - một "tác phẩm có lửa" của nữ bác sĩ anh hùng ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã chinh phục và lôi cuốn hàng triệu bạn đọc Việt Nam. Hy vọng qua những cây cầu nối dịch thuật là các nhà ngôn ngữ - văn hóa hàng đầu, qua những bàn tay tổ chức đầy nhiệt huyết, qua tầm nhìn văn hóa xa rộng của những doanh nhân trẻ ở CLB may Thăng Long, bản dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sẽ chinh phục nhiều tấm lòng đồng cảm trên đất nước Nga./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác