Thơ Quang Dũng - còn mãi bên trời

(VOV5)- Quang Dũng (1921 – 1988) với sự nghiệp thơ lừng lẫy cùng thời với những tên tuổi của thơ kháng chiến chống Pháp như Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên…, nhưng cũng lại rất riêng, với một dấu ấn “lạ”. Là “ốc đảo, cô đảo giữa biển các nhà thơ kháng chiến” - theo cách nói của nhà thơ Vũ Quần Phương; đặc biệt với bài thơ “Tây tiến” tiêu biểu, ghi dấu ấn lịch sử, và sau này là “Đôi bờ”, “Mắt người Sơn Tây”… Quang Dũng càng trở nên độc đáo.

Mời quý vị nhấn vào đây để nghe âm thanh toàn bài viết, cũng như nghe giọng hát của con gái nhà thơ Quang Dũng với bài Không đề phổ thơ ông, và đọc thơ Tây tiến; cũng như giọng hát Đức Tuấn với ca khúc Đôi mắt người Sơn Tây (phổ thơ Quang Dũng):

 


Như chúng tôi đã đưa tin, trong tuần, vừa diễn ra cuộc tọa đàm về thơ Quang Dũng nhân dịp ra mắt Tập “Tinh tuyển thơ Quang Dũng – Mắt người Sơn Tây”. Diễn giả tọa đàm gồm có nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - giữ vai trò người dẫn dắt, nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà thơ Vân Long - người bạn lâu năm của nhà thơ Quang Dũng. Nhiều nét đặc biệt về cuộc đời và văn nghiệp Quang Dũng đã được nói tới trong buổi hội thảo này.

Thơ Quang Dũng - còn mãi bên trời  - ảnh 1
Chị Bùi Phương Thảo - con gái nhà thơ Quang Dũng - hát bài Không đề và đọc thơ Tây Tiến


Giọng hát các bạn đang nghe đó là giọng hát mộc tại khán phòng đêm thơ, của kiều nữ Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng. Hẳn quý vị nhận ra ca từ là những câu thơ quen thuộc của bài thơ nổi tiếng Không đề, được con trai nhà thơ – nhạc sĩ Bùi Đăng Vĩnh phổ nhạc.


Bài thơ, hẳn sẽ không còn lại đến ngày nay, nếu không có những người bạn lưu giữ nó, mà ký ức về nó được nhà thơ Vân Long chia sẻ: "Anh Trần Lê Văn có nói khoảng những năm 70, sau khi Quang Dũng gặp lại “cô gái vườn ổi” – người tình xưa, thì Quang Dũng về nhà Trần Lê Văn. Và không biết có phải vì e ngại không muốn viết những dòng ấy ở nhà không, nhưng 
ông đòi lấy sổ tay của Trần Lê Văn, viết vào đó bài Vườn ổi và bài Không đề - có những lời như vừa rồi cháu Thảo hát. Nhưng ngay hôm sau Quang Dũng đến và bảo: Ông Văn ơi, ông trả tôi mấy bài ấy đi. Trần Lê Văn: Không, sổ sách của tôi, trả sao được. Quang Dũng: Thì ông xé ra ông trả tôi, tôi đốt nó đi ông ạ, tôi thấy nó trẻ con thế nào ấy. Vậy là có những phút (Quang Dũng) nghĩ lại như thế. Nhưng ý nghĩ đốt thơ của ông không phải chỉ một lần. Ghi chép của người bạn thân Phan Thanh Hoài có nói lại rằng: Quang Dũng rất khổ tâm với chuyện Chiêu Dương - cái gì Quang Dũng viết hắn cũng giữ - nguy lắm vì không biết người khác đọc bằng con mắt khác thì sẽ như thế nào. Một lần ông Phan Thanh Hoài đi phố về thì thấy Quang Dũng đang đốt một cái gì đó ở nhà mình. Ông Hoài hỏi: Ông đốt cái gì đấy? Quang Dũng bảo: Mình đốt mấy bài thơ ấy mà, giữ làm gì. Ông Hoài bảo: không được, rồi lấy luôn cái ấm nước đang đun dở dội vào bản thảo thơ để cứu – một khối như thế mà đã cháy một nửa...Không biết phần đã mất rồi, mất những gì nữa, nhưng có những phút người bạn cứu kịp. Tôi được biết ít nhất là hai lần Quang Dũng định đốt thơ của mình"

Thơ Quang Dũng - còn mãi bên trời  - ảnh 2
Nhà thơ Vân Long

Với nhà thơ Vân Long, nhà thơ Quang Dũng là một người bạn, người anh thân thiết. Ông cho biết hai niềm đam mê lớn nhất của đời Quang Dũng là “đi” và “bạn”, ông luôn mang trong lòng giấc mộng phiêu du và bạn bè dường như là điều quý giá nhất với ông, hơn cả thơ. Nhà thơ Quang Dũng cùng Trần Lê Văn và Ngô Quân Miện trở thành bộ ba thân thiết nổi tiếng thời kỳ đó. Thế hệ ông là những người cuối cùng trước Cách mạng thu hút được tinh túy của văn hóa phương Tây, và theo nhà thơ Vân Long, điều quan trọng nhất gắn kết ba người chặt chẽ đến vậy là do họ đồng cấp về tinh thần và tâm hồn. Theo nhà thơ Vân Long, thơ là hệ quả tất yếu từ hai điều quan trọng nhất trong đời Quang Dũng là “đi” và “bạn”, nhưng dường như khi đặt cạnh hai yếu tố này, thơ bỗng trở nên không chút quan trọng."Nhà thơ Trần Lê Văn trong lời nói đầu của tuyển tập đầu tiên của thơ Quang Dũng có nói: Chúng tôi là những người bạn thân của nhau. Chúng tôi học lẫn nhau. Người này tìm ra những cái ưu điểm của bạn để bổ sung cho mình. Ví dụ Quang Dũng ưa tôi (Trần Lê Văn) ở sự cần mẫn, toi ưa Quang Dũng ở sự phiêu diêu. Nhưng ông phiêu diêu nhiều tới mức vô tâm cả với những tác phẩm mình đã sinh ra.Cho nên NXB Văn học muốn in tuyển thơ văn về Nhà đồi chẳng hạn, cũng phải tìm khó như tìm tác phẩm của tác giả đã quá cố. Mà tập Nhà đồi thì phần lớn cũng chỉ là những bài đã in trên báo rồi, bài bút ký cũng chỉ mấy tháng trước đấy thôi, nhưng anh Dũng không buồn giữ, nữa là thơ, là cái gì rất dễ “vương vãi. Rồi tập Mây đầu ô do anh Trần Lê Văn là người thân nhất đứng ra để tuyển chọn, thì sưu tầm như sưu tầm của một người đã quá cố. Thực ra cái sự rơi vãi của anh cũng dễ có địa chỉ để tìm, bởi vì anh rất tùy hứng trong việc viết, nhưng trong chuyến ngao du giang hồ vặt trên phố, có nhà bạn thân tiện anh ấy sẽ ghé vào, sẵn bút giấy để viết, xong đến khi về cũng quên không mang về. May mà có những người bạn thân rất yêu quý từng chữ của nhà thơ Quang Dũng, nên khi cần sưu tầm thì ông Trần Lê Văn chỉ cần đến những địa chỉ mà Quang Dũng thường hay tới."


Thơ Quang Dũng - còn mãi bên trời  - ảnh 3
Nhà thơ Vũ Quần Phương

Nhà thơ Vũ Quần Phương thì đánh giá rất cao vị trí của Quang Dũng đối với thơ ca thời chống Pháp. Theo ông, trong khi thế hệ nhà thơ rất nổi tiếng trước cách mạng lâm vào thế lúng túng khi Cách mạng tháng Tám diễn ra, thì một thế hệ nhà thơ mới nổi lên với chất hào hoa, lãng mạn như Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Quang Dũng… Trong số này, Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ “Tây Tiến”, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến. Nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá tập thơ Quang Dũng do Nhã Nam tinh tuyển có một ưu điểm rất lớn, đó là việc sưu tầm những bài thơ từ 1937 (bài thơ “Chiêu Quân”), thời điểm thịnh vượng của phong trào Thơ mới.

Nhờ những sưu tầm này, Vũ Quần Phương nhận ra được con đường đưa Quang Dũng tới “Tây Tiến”, đỉnh cao của thơ Quang Dũng. Ông bày tỏ sự tiếc nuối khi Quang Dũng không còn bài thơ nào vượt qua, hay chí ít là na ná được bài “Tây Tiến”. Theo ông, thời thế cũng có phần trách nhiệm khi làm biến mất cái hướng đi độc đáo mà Quang Dũng có được trong bài “Tây Tiến”. Theo ông, Quang Dũng là một người sống nội tâm, mọi sự với ông đều hư ảo. Ở ba bài thơ thành công nhất (Tây Tiến, Đôi bờ, Mắt người Sơn Tây), Quang Dũng đã cho thấy tâm hồn lãng mạn một cách phiêu du nhưng mang đậm hơi hướng dân tộc.

Thơ Quang Dũng - còn mãi bên trời  - ảnh 4
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Nhà thơ Vân Long nhấn mạnh sức hút mãnh liệt của Quang Dũng trong thơ. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên rất đồng tình với nhận xét của nhà thơ Vân Long về sức lan tỏa mãnh liệt và từ trường của thơ Quang Dũng:  “Nếu chọn top ten 10 bài thơ kháng chiến, mà rộng hơn nữa là 10 bài thơ hiện đại của nền thơ hiện đại Việt Nam thế kỷ 20, thì nhất định có Tây Tiến, 5 bài, vẫn có, mà rút xuống 3 bài, chắc vẫn có. “Tây Tiến” độc đáo, như một tượng đài, là một bài thơ có số phận rất kỳ lạ, mà kỳ diệu thì đúng hơn. Một bài thơ được kỷ niệm 60 năm ra đời của bài thơ đó, một bài thơ làm sống dậy cả một trung đoàn Tây Tiến, để họ tìm lại gặp nhau, ngoài tình quân ngũ, kỷ niệm gặp gỡ nhau, nhưng có khi không bền được như thế nếu không có bài thơ Tây Tiến; một bài thơ khiến chữ “Tây Tiến” trở thành tên đường, và địa danh Tây Tiến trở nên âm vang mãi trong lòng người dân Việt Nam. Tôi nói người dân Việt Nam ở đây, vì có những bài thơ phía này phía kia không chung nhau được, như với “Tây Tiến” thì phía kia, phía này đọc lên vẫn gặp nhau. Một điều tự hào, đó là một hòn ngọc, một giá trị lớn của tâm hồn Việt, tinh thần Việt và thơ ca Việt. Chính vì những giá trị đó mà chúng ta có mặt ở đây, nhân dịp tập thơ văn” tinh tuyển Mắt người Sơn Tây”của nhà thơ Quang Dũng được ấn hành nhân dịp kỷ niệm 90 năm  sinh của ông..

Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng nêu quan điểm cho rằng đã đến lúc phải đánh giá lại thơ ca kháng chiến. Ông cho rằng giá trị của các nhà thơ phải gắn với từng bài thơ và nếu không đánh giá giá trị thực, thơ ca sẽ mất độc giả, nhất là trong tình hình hiếm độc giả của thơ hiện nay. Theo ông, thơ ca đương đại vừa phải tìm tòi cái mới vừa phải tìm đến độc giả bởi một bài thơ hay, dù không được in, sẽ vẫn tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả, và khi đó, bài thơ sẽ được lưu giữ, lưu truyền bằng nhiều cách.

Thơ Quang Dũng - còn mãi bên trời  - ảnh 5
Nhà phê bình văn học Vũ Nho

Trong rất nhiều ý kiến của độc giả, nhà phê bình Vũ Nho cho rằng ở bài “Tây Tiến”, Quang Dũng đã sáng tạo nên rất nhiều điểm mới, độc đáo mà cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, như những hình ảnh “nhớ chơi vơi”, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, “sông Mã gầm lên khúc độc hành”, “gục lên súng mũ bỏ quên đời”vv… Theo ông, nhờ Quang Dũng, trung đoàn Tây Tiến đã nổi tiếng khắp nơi, và cuộc chinh chiến của các chàng trai Hà Nội đọng lại những hình ảnh đẹp về trận chiến hùng tráng và những phút thơ mộng, lãng mạn của họ.


Thơ Quang Dũng - còn mãi bên trời  - ảnh 6

Buổi tọa đàm khép lại những dư âm khó quên về một tài năng thơ ca độc đáo thời chống Pháp, một con người tuy vất vả nhưng không bao giờ bận tâm về cái vất vả đó, “đám mây hư ảo trong phòng”, như lời của Trần Lê Văn nói về ông.  Với nhà thơ Quang Dũng, thơ chỉ là hư ảo không phải thứ gì ghê gớm lắm! Được đi và làm bạn mới chính là nguồn sống, là đam mê suốt cuộc đời ông./.

Phản hồi

Các tin/bài khác