Trần Nữ Yên Khê lần đầu tiên triển lãm mỹ thuật cá nhân tại Việt Nam

(VOV5) - Từ 21/10 đến 9/12 năm nay,  triển lãm loạt tác phẩm mới của nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Trần Nữ Yên Khê có tên "White Blank", sẽ diễn ra tại Galerie Quynh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:

Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của nghệ sĩ với các tác phẩm điêu khắc, tranh mới sáng tác gần đây nhất, được hoàn thiện tại Paris và TP.HCM.

Được biết đến với vai trò diễn viên điện ảnh, chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế phục trang, song nữ nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê đã âm thầm thực hành nghệ thuật xuyên suốt hơn ba thập kỷ qua, dù hiếm khi công khai. Theo những giới thiệu từ Galerie Quynh, thực hành nghệ thuật trong điêu khắc, hội hoạ và điện ảnh, Trần Nữ Yên Khê đã tạo ra thế giới, nơi diễn ra những căng thẳng giữa hình thể và chất liệu, nơi ánh sáng và bóng tối hoà quyện trong một vũ điệu dịu êm.

Tác phẩm của Yên Khê không cố gắng đại diện hay tái tạo một hình ảnh cụ thể mà hướng tới những dạng hình trừu tượng, sống động, khơi dậy vô vàn cung bậc cảm xúc với những câu chuyện hư tưởng được trần thuật bằng ngôn ngữ thơ ca, nhấn mạnh sự phức tạp và mâu thuẫn trong hành vi con người. 

Trần Nữ Yên Khê lần đầu tiên triển lãm mỹ thuật cá nhân tại Việt Nam - ảnh 1Tác phẩm của nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê - Ảnh nguồn: galeriequynh.com

Trong bộ tác phẩm điêu khắc được trưng bày lần này với tựa đề White Blank, Yên Khê tạo ra các dạng thể trôi chảy mang đến một nguồn lặng tưởng và khuây khỏa khỏi những hỗn loạn trong thế giới chúng ta đang sống. Làm nên từ nhiều chất liệu như thạch cao, đồng đúc và vật liệu tổng hợp, tạo hình của chúng mềm mại, sống động mà chẳng thể nhận dạng như những thực thể rõ ràng, lại đồng thời thật thân quen.

Lấy cảm hứng từ một trích dẫn của Kandinsky, "Trắng nghe như sự im lặng, là cái không trước mọi khởi đầu," tác phẩm của YênKhê hoàn toàn không màu - chỉ trở nên hữu hình khi ánh sáng hiện diện. Do được định hình bởi các vùng tối và sáng nhẹ nhàng, chúng chuyển mình thay đổi cấu trúc theo chuyển động của ánh sáng. 

Yên Khê nói: "Tạo hình cầu kì của những điêu khắc này khơi gợi sự phức tạp của cây cỏ và đại dương, cũng như cái nguyên sơ của hang động, dấy lên dòng cảm xúc và thôi thúc trong sắc trắng, thông qua tương phản và giản lược, hàm chứa và vẫy gọi vào một trải nghiệm tĩnh lự." Sống động và nhiều lớp, chúng hé lộ nhiều chiều kích khám phá mới khi được ngắm nhìn với chủ ý thong dong.

Loạt tranh 'Giữa Chắc chắn và Hoài nghi' cũng không kém phần lôi cuốn, với tựa đề ngụ ý về sự phân cực ngày một gia tăng trong thời đại này, nơi những quy kết đối lập của các bên tạo nên hoài nghi trong chúng ta. Kết hợp các vật liệu truyền thống với mỹ quan hiện đại, nghệ sĩ - nhà phê bình Joe Fyfe đã nêu bật khả năng của chúng trong việc "thực hiện một cuộc trao đổi đối kháng về mặt thị giác, dù chỉ sử dụng một số ít yếu tố tương phản." Các bố cục bao gồm giấy dâu tằm mỏng xuất xứ từ Trung Quốc chồng lớp trên vải lanh thô, và các vùng màu đa sắc dạng hình học. Sự căng thẳng giữa cái lững lờ, vần vũ của các hình thể giấy thanh tao, cùng cái chắc chắn của các dạng hình học, thôi thúc người xem chìm vào trạng thái khi mắt không thể tập trung hoàn toàn vào chỉ một trong các yếu tố mà không bị cản trở và bị thu hút bởi sự hiện diện của yếu tố còn lại. Các dạng hình học, thường xuất hiện dưới dạng ba chiều và được mô tả ở một góc nhìn hơi lạ lẫm khác thường, buộc đôi mắt phải dáo dác, kiếm tìm một sự thuyết phục nào đó trong vô vọng.

Trong các tác phẩm trên giấy dó có tựa đề 'Gió,' thay vì mềm mại, vô hình như tơ của những lớp giấy dâu tằm trong tranh, Yên Khê lại trừu tượng hóa những dạng hình thành những hình khối rắn chắc nhiều sắc màu.

Loạt tác phẩm này, chính chất liệu giấy dó đã mang lại cảm giác mong manh  đối  lập  với  các  dạng  hình  học  tương phản đè trên.

Trong bài tiểu luận 'Phân cực thầm,' Joe Fyfe viết, "Ý tưởng về sự chắc chắn và hoài nghi đang tiếp diễn với tính chất đương đại và chi phối cuộc sống của chúng ta, nơi tồn tại quá nhiều sự phân cực. Suy cho cùng, trong mọi trường hợp, tác phẩm của Yên Khê đều chứng thực cho một lý tưởng, mà trong đó, người nghệ sĩ trình bày sự tiếp nối trong đời sống của chúng ta và sự giao kết với hình thái trừu tượng, rằng nó có thể phân minh muôn dạng theo một cách độc nhất, lạ thường nhưng bất biến với thời gian."

Nữ nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê từng theo học École Camondo, một trường tư danh giá về thiết kế và kiến trúc nội thất tại Paris.  Tác phẩm 'Borderline' (thực hiện năm 2018) của nghệ sĩ, một điêu khắc nổi bật với chất liệu sơn mài truyền thống Việt Nam, đã trở thành tác phẩm nghệ thuật đương đại đầu tiên thuộc khu vực Đông Nam Á được đưa vào bộ sưu tập Quốc gia Pháp, tại bảo tàng Guimet vào năm 2019.

Bên cạnh việc thực hành nghệ thuật thị giác, Yên Khê còn trau chuốt cho sự nghiệp diễn xuất đáng chú ý của mình xuyên suốt  30 năm qua với những vai diễn chính trong các bộ phim của chồng cô – đạo diễn nổi tiếng Trần Anh Hùng, trong những phim như 'Mùi đu đủ xanh' (1993), 'Xích lô' (1995), và 'Mùa hè chiều thẳng đứng' (2000) (Đạo diễn Trần Anh Hùng là người đoạt giải thưởng Đạo diễn Xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Cannes lần thứ 76). Và gần đây,  Trần Nữ Yên Khê đảm nhận vai trò Chỉ đạo Nghệ thuật và Thiết kế Phục trang cho bộ phim 'The Taste of Things' (sản xuất 2023) cũng do Trần Anh Hùng đạo diễn – bộ phim cũng được Pháp cử đi đại diện tham dự Oscar cho hạng mục phim quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác