Triển lãm "Sự thu nhỏ của không gian" của Vũ Kim Thư

(VOV5)- Tối 19/2, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), đã khai mạc triển lãm “Sự thu nhỏ của không gian”. Các sản phẩm không gian thú vị được tạo ra bởi bàn tay tỉ mỉ của nghệ sỹ Vũ Kim Thư.

Trước đó, vào năm 2011, Kim Thư cũng đã từng có một triển lãm tổ chức tại đây cùng nghệ sỹ Nguyễn Oanh Phi Phi mang tên gọi “Không gian và những mảnh vỡ của không gian”, nhưng triển lãm lần này là triển lãm cá nhân đầu tiên của chị.

Triển lãm
Một tác phẩm được trưng bày trong triển lãm "Sự thu nhỏ của không gian"

Vũ Kim Thư là một nghệ sỹ tự do sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tiếp nối con đường hoạt động và nghiên cứu nghệ thuật của cha mẹ, trong đó cha cô là một chuyên gia nghiên cứu về thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, còn mẹ là một họa sỹ. Cô từng tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, sau đó tốt nghiệp cao học từ Học viện Nghệ thuật Chicago (Mỹ). Kim Thư đã từng có thời gian tham giac các trại sáng tác quốc tế tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản.

Trong những tác phẩm của cô, chất liệu và quy trình đóng một vai trò rất quan trọng. Giấy xuyến chỉ, một loại giấy truyền thống của Việt Nam là chất liệu tạo hình mà Kim Thư thường sử dụng cho các tác phẩm của mình. Nhưng ở đây, cô đã kết hợp sử dụng cả giấy washi, một loại giấy truyền thống của Nhật Bản cùng với giấy xuyến chỉ cho các tác phẩm được trưng bày.

Triển lãm
Các tác phẩm được tạo dựng bởi hai loại giấy truyền thống của cả Việt Nam và Nhật Bản, đó là giấy xuyến chỉ và giấy washi

Các tác phẩm trong triển lãm “Sự thu nhỏ của không gian” lần này được phát triển một cách nối tiếp từ ý tưởng vẽ trên giấy xuyến chỉ để tạo ra không gian ba chiều trong triển lãm “Không gian và những mảnh vỡ của không gian” diễn ra vào năm 2011. Trong thời gian một năm đó, Kim Thư đã có cơ hội được sang Nhật Bản, học về làm giấy, và hiểu rõ hơn về nghề làm giấy truyền thống washi của xứ sở hoa anh đào.

Từ đó, cô nhận thấy giữa giấy washi của Nhật và giấy xuyến chỉ của Việt Nam có một sự kết hợp nhuần nhuyễn với nhau, và đặc biệt là đều có khả năng để truyền tải được ánh sáng. Vì thế, trong các tác phẩm, ánh sáng được tạo ra làm nổi bật lên từng tầng lớp không gian, góp phần cuốn người xem vào một thế giới thu nhỏ kỳ bí và đầy lý thú.

Triển lãm
Những hình ảnh quen thuộc về đô thị Hà Nội cũng được tái tạo xen kẽ trong các mảng không gian

Những hình ảnh về thế giới mà cô tạo dựng là sự hòa lẫn, đan xen của ba mảng không gian. Người xem có thể chiêm ngưỡng được những ngọn núi cao với các căn nhà bé nhỏ bên triền núi của Nhật Bản được tạo ra bởi giấy washi trộn lẫn ngẫu hứng với hồ, khiến cho dáng hình của những ngọn núi trở nên tự nhiên, sinh động. Hay người xem có thể bắt gặp cả những mảnh không gian “tí hon” được tái tạo trong những chiếc hộp gỗ nhỏ gọn, xinh xắn.

Đó là kiến trúc truyền thống của Nhật với cánh cửa đẩy mở ra bên trong là một không gian sống đặc trưng. Bên cạnh đó, còn là không gian mang hơi hướng hỗn độn, chắp vá nhưng thân thuộc của đô thị Hà Nội cùng những chuyển động không ngừng của xe cộ, con người cũng dễ dàng được bắt gặp ngay trong những tác phẩm này.

Triển lãm
Một bạn trẻ đang mải mê thưởng thức một mảng không gian được tạo dựng trong hộp gỗ tại triển lãm

Sự hòa lẫn tinh tế trong các mảng không gian tưởng chừng đối lập này cũng như cách Kim Thư thể hiện suy nghĩ và bộc lộ cảm xúc chính mình trong thời gian cô rời Hà Nội và ở Nhật Bản trong vòng một năm qua. Kim Thư tâm niệm, quá trình sáng tác của người nghệ sĩ cũng chính là tác phẩm của họ. Bởi quá trình chính là khoảng thời gian mà người nghệ sĩ không ngừng tìm kiếm mọi ngóc ngách mới mẻ trong nghệ thuật, cũng như trong chính con người mình.

Nhưng điều đặc biệt là cô không gò bó cảm xúc của người xem vào bằng “khuôn hình” của những tầng lớp không gian mà cô muốn thể hiện hay cố gắng tạo ra một thông điệp nào cụ thể. Thông qua những mảng không gian nhỏ ấy, người xem chỉ đơn giản là được tự do thưởng lãm, ngắm nhìn thế giới trong một sự hòa hợp và có thể thỏa sức tưởng tượng để tự hình dung ra một thế giới riêng cho chính mình. Từ đấy, hình thành nên sự tương tác giữa nghệ thuật và chính người thưởng thức nghệ thuật.

Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 13/3./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác