Trương Đăng Dung - một hướng đi riêng trong sáng tạo

(VOV5) -  PGSTS Trương Đăng Dung đã khẳng định được một cá tính sáng tạo, điều vốn rất khó trong lĩnh vực lý luận văn học. 

Tôn trọng tính khách quan của khoa học, với tinh thần hiện sinh tích cực lấy con người làm trung tâm – quan điểm này tạo hướng đi riêng trong công việc và cả trong cách sống của PGS-TS Trương Đăng Dung. 

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Phương Hằng:
Nhìn sự tồn tại của con người trong hữu hạn và cô đơn, do đó trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc, PGS-TS Trương Đăng Dung luôn trân trọng từng khoảnh khắc. Khoảnh khắc bên những người thân quý, hay chỉ một thoáng qua với người xa lạ, bởi rất có thể ngày mai ông không được gặp họ nữa. Khoảnh khắc đắm chìm trang viết, hay khi lúc đứng trên bục giảng … Cả khi uống cà phê, thì đó cũng là giây phút tỉnh thức để cảm nhận đầy đủ ý nghĩa của từng giây phút. Tất nhiên, để sống được như vậy cũng cần một quá trình - quá trình tự rèn luyện, nỗ lực thu nhận tri thức và kinh nghiệm sống, vượt lên các giới hạn bản thân, lựa chọn một hướng đi riêng.

Hướng đi ấy, PGS TS Trương Đăng Dung bộc lộ rõ ngay từ các chuyên luận đầu tiên. Theo đó nghiên cứu văn học phải được nhìn nhận một cách khách quan, độc lập, là một môn khoa học gắn với vai trò nền tảng của triết học. Các phân môn của khoa học văn học cũng tồn tại độc lập với nhau, giống như nhà lí luận và nhà phê bình mang hai chiếc áo khác nhau,  không thể giẫm chân lên nhau, mượn bóng nhau. Nghiên cứu văn bản và sự tiếp nhận văn học là điều vô cùng quan trọng. Một văn bản sẽ có nhiều hướng tiếp nhận khác nhau, không thể mặc định, không thể đóng khung theo những cách hiểu nhất định.

Trương Đăng Dung - một hướng đi riêng trong sáng tạo - ảnh 1PGS TS, nhà thơ, dịch giả Trương Đăng Dung - Ảnh: vannghequandoi.com

PGS TS Trương Đăng Dung cho biết: “Khởi đầu tôi nghiên cứu về những vấn đề của phản ánh nghệ thuật, với mục đích chỉ ra những bất cập của phản ánh nghệ thuật. Nhưng sau đó tôi nhận thấy muốn làm rõ hơn nữa bản chất của tác phẩm văn học thì phải nghiên cứu ở giai đoạn mà tác phẩm đã được viết ra rồi. Điều gì sẽ xảy ra với một tác phẩm đã được viết ra, được công bố? Lúc này nhà văn còn kiểm soát được văn bản của mình hay không? Sự tạo nghĩa của văn bản được bắt đầu từ khi tác phẩm được xuất bản, đến với người đọc. Nếu ta thừa nhận điều này thì có nghĩa là một văn bản văn học có muôn vàn gương mặt khác nhau”.   

Nghiên cứu cơ chế tạo nghĩa của văn bản gắn với mỹ học tiếp nhận là một hướng nghiên cứu mà PGS-TS Trương Đăng Dung đã theo đuổi nhiều năm nay. Theo PGS-TS Phạm Xuân Thạch, chủ nhiệm Khoa Văn học – Trường Đại học KHXH và NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, các công trình của PGS-TS Trương Đăng Dung đã góp phần quan trọng vào sự chuyển động trong đời sống nghiên cứu lí luận văn học ở nước ta: “Tôi nghĩ rằng bước chuyển đó diễn ra rất âm thầm lặng lẽ vào thập niên 90 của thế kỷ 20, với nỗ lực của rất nhiều học giả khác trong việc tạo nên một mô hình lý luận văn học khác mang tính đa nguyên hơn, đề cập nhiều vấn đề hơn năng động hơn so với mô hình lý luận văn học Xô viết đã hiện tồn. Chưa bao giờ, trong lịch sử văn học Việt Nam, lý luận văn học có mối quan hệ chặt chẽ với triết học như giai đoạn hậu đổi mới. Và đặt nền tảng cho điều này chính là các công trình của PGS-TS Trương Đăng Dung”.

Các công trình lý luận của PGS TS Trương Đăng Dung có tính học thuật cao, vừa tạo nền tảng lý thuyết vừa có khả năng gợi dẫn lý thuyết. Ông đã khẳng định được một cá tính sáng tạo, điều vốn rất khó trong lĩnh vực lý luận văn học. Tiến sỹ Nguyễn Thị Như Trang – Giảng viên khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Hành trình khám phá sự bất ổn của thầy Trương Đăng Dung, theo cảm nhận của tôi là hành trình khám phá sự phong phú sự phức tạp của nền tảng lý thuyết, để từ đó thầy đưa ra được quan điểm riêng của mình. Thầy Dung là một trong những người ít ỏi ở nước ta được coi là một nhà lý luận. Và đọc các công trình của thầy, tôi cảm nhận được một hành trình thầy tập trung vào nền tảng lý thuyết về sự biến thiên của văn bản văn học”.

Làm lý luận văn học, làm thơ và dịch thuật – “ba nhà” tưởng khác nhau tồn tại thống nhất trong một bản thể. Theo nhà văn Thiên Sơn, những đóng góp của PGS-TS Trương Đăng Dung có ý nghĩa sâu sắc về mặt khoa học và văn hóa: “Ông là một trong những người đối thoại văn hóa. Ở nước ta không có nhiều người có thể làm được như vậy, đưa văn hóa trong nước ra nước ngoài và đưa văn hóa nước ngoài vào Việt Nam”.

Bao trùm quan niệm trong công việc và sáng tạo,  đó là quan niệm sống của một trí thức luôn quan tâm tới số phận con người, quan tâm tới tiến bộ xã hội. Nhân loại đang đi về đâu khi chiến tranh và nghèo đói bất công vẫn không ngừng gia tăng. Số phận con người ra sao trong sự bấp bênh của đời sống này? Đó là những câu hỏi mà PGS-TS Trương Đăng Dung không ngừng tự vấn trong cuộc sống hằng ngày và trong sáng tạo.

PGS TS Trương Đăng Dung là nhà thơ, dịch giả, nhà lý luận văn học hàng đầu ở nước ta hiện nay. Các công trình nghiên cứu đã xuất bản của Trương Đăng Dung có thể kể đến như: Các vấn đề của khoa học văn học, Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Tác phẩm văn học như là quá trình, Văn bản văn học và sự  bất ổn của nghĩa. Ở góc độ một dịch giả, ông là người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungary và đến nay vẫn là bản dịch duy nhất. Ông cũng dịch nhiều tài liệu triết học, nghiên cứu văn học và tiểu thuyết nước ngoài từ bản dịch tiếng Hungary sang tiếng Việt. Bên cạnh đó, những sáng tác trong hai tập thơ “Những kỉ niệm tưởng tượng” và “Em là nơi anh tị nạn” của ông được bạn bè văn chương và độc giả đánh giá cao. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác