Từ hoạt động của Tự lực văn đoàn, ngẫm về văn chương hôm nay

(VOV5)- Là một trào lưu văn học ra đời cách nay đã hơn 80 năm, mặc dù thời gian hoạt động thực tế không dài, chỉ trên dưới mười năm, nhưng những ảnh hưởng đối với văn học Việt Nam hiện đại và các thành tựu đã đạt được của nhóm Tự lực văn đoàn là rất đáng kể. Lẽ dĩ nhiên, ngay cả khi đã trải qua chừng ấy thời gian tồn tại trong lịch sử văn học Việt Nam, các đánh giá về trào lưu do chủ soái Nhất Linh khởi xướng vẫn chưa thực sự thống nhất. Bài viết này chỉ muốn nêu lên những suy nghĩ của người viết được gợi ra từ việc tìm hiểu về Tự lực văn đoàn và những tôn chỉ hoạt động của nhóm văn chương này khi đối sánh với đời sống văn chương hôm nay.


Từ hoạt động của Tự lực văn đoàn, ngẫm về văn chương hôm nay - ảnh 1
Xuân Diệu, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng (thời Tự Lực Văn Đoàn) - Ảnh: Wikipedia

Trước hết, tôi muốn trở về nội hàm của khái niệm “tự lực” trong cái tên của trào lưu văn học do Nhất Linh thành lập: Tự lực văn đoàn. Ta vẫn quen nghe thấy ha chữ này trong cụm từ “tự lực cánh sinh”. Tự lực, có nghĩa là tự trông chờ vào bản thân, vào năng lực và trí tuệ của mình, không phụ thuộc hay lệ thuộc vào ngoại lực nào khác. Với Tự lực văn đoàn, họ xác định cái ý “tự lực” đó ở 3 phương diện. Trước hết là quan điểm tự mình làm ra tất cả những tác phẩm văn chương. Trong 10 vấn đề đặt ra thuộc về tôn chỉ hoạt động của Tự lực văn đoàn, yếu tố đầu tiên chính là vấn đề này. Các thành viên trong nhóm xác định sẽ không dịch văn học nước ngoài mà tập trung sáng tác ra các tác phẩm, làm giàu cho đời sống văn chương dân tộc. Điểm tự lập thứ hai chính là quan niệm độc lập về chính trị của Tự lực văn đoàn. Ngay từ khi ra đời, Nhất Linh và các thành viên đều xác định chọn hướng đi cho văn chương thoát ly chính trị, tức là tránh xa chính quyền thực dân lúc ấy. Và để làm được điều đó, họ đã có một quyết định “tự lực” mà tôi cho rằng rất quan trọng và công việc vô cùng bản lĩnh, đó là tự lực về kinh tế. Cơm áo không đùa với khách thơ, khỏi phải nói, trong giai đoạn đầu, khi Tự lực văn đoàn mới đi vào hoạt động, Nhất Linh đã khổ sở và lao tâm khổ tứ thế nào để tạo được nguồn kinh phí duy trì hoạt động của văn đoàn. Về điều này, nếu muốn rõ thêm, bạn có thể tìm đọc bài Trong bếp núc của Tự lực văn đoàn của nhà thơ Tú Mỡ, một thành viên của nhóm. Quan sát giai đoạn tập hợp và gây dựng văn đoàn trong thời kỳ đầu, từ 1932-1936, càng thấy tài tổ chức và khả năng liên tài cũng như biết phát hiện năng lực đặc biệt ở người khác của Nhất Linh. Nhờ đã từng đi học ở Pháp, Nhất Linh, ngoài ý thức trau dồi kiến thức văn chương, đã rất chú tâm tới chuyện học hỏi các kỹ thuật in ấn, làm báo theo lối phương Tây. Hệ quả là, chính nhờ cách thức làm sách, in báo có chất lượng, tính thẩm mỹ cao, hấp dẫn được số đông bạn đọc, Tự lực văn đoàn đã có thể đứng vững nhờ nguồn thu từ các ấn phẩm này.

Tôi muốn nhân câu chuyện tự lực về kinh tế của Tự lực văn đoàn để nhìn về hoạt động của khá nhiều hội chuyên ngành văn học nghệ thuật trên cả nước hiện nay. Gần như đi tới đâu, trong các câu chuyện bên lề hay chính thức, một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều nhất vẫn luôn là chuyện đầu tư, hỗ trợ sáng tác. Đâu đó luôn có những ì xèo, nói ra nói vào về việc phân bổ nguồn quỹ không đồng đều giữa các địa phương, giữa các hội, giữa các chuyên ngành và giữa các cá nhân. Đã có không ít hội thảo, thay vì bàn chuyên môn, lại xoay qua bàn luận gay gắt vấn đề tài chính, những khúc mắc trong việc giải ngân chưa thỏa đáng ở một vài trường hợp “có vấn đề”. Sự thật, hình như chưa ai nghĩ, nếu không có tiền ngân sách nhà nước, việc sáng tạo văn học nghệ thuật của họ hẳn đã tệ đi hơn? Rõ ràng, khi họ chủ động được việc viết của mình trên nhiều phương diện, sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật họ đạt được sẽ không hề nhỏ. Lâu nay, nhiều nghệ sỹ vẫn thường lớn tiếng phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, họ cần tự do sáng tạo, cần được tháo bỏ những định hướng về tư tưởng, nhưng hình như chưa ai kêu ca chuyện: tại sao nhà nước cứ đầu tư tiền cho tôi rồi lại đòi hỏi tôi phải sáng tác theo một đề tài nọ, hình thức kia? Thực tế là chẳng nhà nước nào ngăn cản tự do sáng tạo của người nghệ sỹ, nếu họ thực sự muốn đạt tới điều đó trong sáng tạo. Nhưng người nghệ sỹ có bản lĩnh để nắm được tinh thần tự do ấy hay không, lại là câu chuyện mà làm sẽ khó gấp vạn lần nói. Tôi tâm đắc với hai chữ “tự lực” trong cái tên Tự lực văn đoàn chính bởi điểm vừa nêu. Những nhà văn của giai đoạn nước ta vẫn còn thuộc Pháp đã xác định rất rõ thái độ bất hợp tác với chính quyền thực dân trong việc từ chối lệ thuộc vào chính trị cũng như kinh tế. Hơn ai hết, những trí thức tây học như Nhất Linh hiểu rằng, muốn là một nhà văn chân chính, nhà văn đứng về phía nhân dân, trước hết, anh phải là một nhà văn độc lập, không đeo trên mình bất cứ thứ danh vọng nào khiến ngòi bút của anh phải dè dặt, ngại ngùng trước trang giấy.

Tính bình dân, đại chúng

Đọc lại 10 điều trong tôn chỉ hoạt động của nhóm Tự lực văn đoàn hơn 80 năm trước, chợt nhận ra một điều thật thú vị. Gần như tất cả những thành viên trong văn đàn thuở ấy đều được đào tạo bài bản trong các trường của Pháp. Họ nói và viết tiếng Pháp có khi còn giỏi như tiếng Việt, ấy vậy mà, trong 10 tôn chỉ đặt ra, có tới ít nhất 3 lần, hai chữ “bình dân” được nhắc lại để nhấn mạnh chủ trương về một lối văn đại chúng và giản dị. Những cây bút hồi ấy đã xác định ngay từ đầu một lối văn theo chủ nghĩa bình dân, làm cho mọi người cũng có tư tưởng bình dân, một lối văn giản dị, ít dùng chữ Nho, một lối văn thật có tính cách An Nam, một lối văn ca tụng những nét hay, vẻ đẹp của nước ta mà có tính cách bình dân, dễ hiểu, khiến cho người khác đem lòng yêu mến nước một cách bình dân, không có tính trưởng giả, quý phái, v.v… Nói kỹ ra thì dài dòng thế, nhưng tóm lược lại, theo các nhà văn Tự lực văn đoàn, điều họ nêu ra và được quán triệt tới mức như “khẩu quyết” trong võ thuật, cũng chỉ là tinh thần cổ súy nồng nhiệt cho tính giản dị, trong sáng và đậm đà bản sắc dân tộc trong các tác phẩm văn chương Việt.

Thế mà nhìn lại văn chương đương đại, thấy ngán ngẩm thay cho những người luôn bắc loa vào miệng trong các phát ngôn cổ súy cho cái mới, cái hiện đại của phương Tây, song trên thực tế, chưa chắc đã hiểu thấu đến tận cùng những điều gần gũi và giản dị của đời sống hằng ngày. Sự nông cạn thường đi kèm với thói đua đòi, thích bắt chước, thích làm sang. Điều này trong đời sống có vẻ như rõ rệt hơn, còn trong văn chương, đôi khi nó dễ bị đánh đồng theo kiểu “xập xí xập ngầu” với tinh thần tìm tòi, cách tân mang tính học thuật táo bạo, có tính khai mở. Những động thái mang tính khua chiêng gõ trống của một số người trong các phong trào làm mới thi ca gần đây đôi khi làm những người có tri thức và nặng lòng với văn chương nước nhà phải ngần ngại. Từ sự bất lực trước thói huyênh hoang không thể kiểm soát, nhiều người chọn cách im lặng như một thái độ tỏ ý bất hợp tác khi không thể dung hòa hay chấp nhận những sự gọi là cách tân thơ. Trên thực tế, nhiều năm nay, trong nước đang diễn ra một hiện trạng, những người có vốn kiến thức uyên bác về văn chương thế giới lại có xu hướng tìm về các giá trị văn chương truyền thống của dân tộc. Trong khi đó, một số kẻ tập tọng được chút vốn chữ nghĩa nước ngoài lại ra sức cổ vũ cho những thứ mà có khi chính họ cũng chưa hiểu cho thực hết nhẽ văn chương. Nhìn lại những tôn chỉ Tự lực văn đoàn đưa ra cách nay đã hơn 8 thập kỷ, càng thấy trân trọng tình yêu với tiếng Việt, với bản sắc văn hóa và tinh thần vì đại chúng của những văn nghệ sỹ, những trí thức Tây học thời đó.

Viết tới đây, lại nhớ tới chia sẻ của nhà thơ Vũ Quần Phương trong một lần tôi có dịp trò chuyện cùng ông. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, văn chương thời nay, nếu muốn có đông đảo độc giả, nhất thiết phải viết thật đại chúng. Lẽ dĩ nhiên, nội hàm của hai chữ “đại chúng” theo nhà thơ có thể rất rộng. Nhưng tôi dám chắc, nó sẽ có hàm chữa cái ý “bình dân”, “giản dị”, “dễ hiểu” mà các thành viên của Tự lực văn đoàn từng đặt ra trong tôn chỉ. Nhưng cái “đại chúng” đó phải được thể hiện ở hình thức, ở cái áo, cái vỏ của tác phẩm tiếp cận độc giả, còn cái lõi của tác phẩm, vẫn phải đạt tới tầm tư tưởng, tầm nhìn có độ cao và chiều sâu của người viết. Tác phẩm của nhà văn Trung Quốc vừa đạt giải Nobel năm vừa rồi, Mạc Ngôn, là ví dụ tiêu biểu cho điều đó. Gần như độc giả ở mọi trình độ đều có thể thưởng thức và tìm thấy sự vui thú riêng với những tiểu thuyết của ông như Rừng xanh lá đỏ, Cây tỏi nổi giận, Đàn hương hình, Cao lương đỏ, Báu vật của đời, v.v… Khi nói ra điều đó, nhà thơ cao niên Vũ Quần Phương cũng phải thừa nhận, dù biết thế song chính ông cũng không thể viết được theo lối này. Ông đã quá quen với cái tạng nghiêm trang trong ngôn ngữ, trong hình thức thể hiện tác phẩm, việc chuyển đổi sang một giọng điệu mang tính vui đùa, đại chúng, dẫu biết sẽ giúp tác phẩm đến được với đông đảo bạn đọc hơn, ông vẫn chưa thể làm. Sự trong sáng, giản dị bao giờ cũng là vẻ đẹp cao quý nhất của văn chương chứ không phải những cố gắng uốn éo làm duyên câu chữ. Một thứ văn mải mê chăm chút cho vỏ chữ, xác lời thì chỉ làm mệt mỏi và chán nản, đâu thể gợi được xúc cảm chân thành, đồng cảm ở độc giả.

Giải thưởng văn chương

Để nói về điều này, trước hết, tôi xin trích lại thông tin theo một bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc về giải thưởng của Tự lực văn đoàn. Theo tác giả của Đất nước đứng lên, giải thưởng Tự lực văn đoàn được trao ba lần vào các năm 1935, 1937 và 1939. Lần đầu, giải thưởng dành cho tập truyện ngắn Ba của Đỗ Đức Thu, tiểu thuyết Diễm dương trang của Phan Văn Dật, tiểu thuyết Bóng mây chiều của Hàn Thế Du. Năm 1937, giải thưởng dành cho các tác phẩm: kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc, tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, tiểu thuyết Nỗi lòng của Nguyễn Khắc Mẫn, tiểu thuyết Làm lẽ của Mạnh Phú Tư và tiểu thuyết Cái nhà gạch (tức Tiếng còi nhà máy) của Kim Hà. Tới năm 1939, giải được trao cho tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ và tập Nghẹn ngào của nhà thơ Tế Hanh.

Điều đáng nói ở đây là những giải thưởng ngày ấy của Tự lực văn đoàn, qua sự thử thách của thời gian (không hề ngắn), đã chứng tỏ một cách thuyết phục, những người trao giải đã thực sự có con mắt xanh. Chừng ấy năm qua, nhiều thế hệ bạn đọc vẫn say sưa với Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, với Bức tranh quê của Anh thơ hay Nghẹn ngào của Tế Hanh. Chúng tôi chưa có dịp đọc lại toàn bộ các báo chí phát hành trong những ngày ấy để biết thêm việc, liệu xung quanh những giải thưởng của Tự lực văn đoàn có xảy ra những “lùm xùm” hay “tiếng bấc tiếng chì” như giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam trong những năm qua không, nhưng có lẽ, sức hút vẫn còn rất mạnh mẽ của các tác phẩm được giải thưởng Tự lực văn đoàn ở thời điểm hiện tại, đã là bằng chứng đủ để ta tin vào sự công tâm, khách quan cũng như con mắt biệt nhãn trong việc phát hiện và tạo dựng tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam của văn đoàn thông qua giải thưởng ấy.

Vài ngẫm nghĩ nhân đọc lại đôi nét về hoạt động văn chương của Tự lực văn đoàn, một trào lưu văn học mà theo như giáo sư Hoàng Xuân Hãn, nó không phải là đầu tiên, cũng không phải là duy nhất, có xu hướng cách tân văn chương và theo đuổi khát vọng chấn hưng đất nước, nhưng rõ ràng, đó là trào lưu văn học có ảnh hưởng sâu đậm nhất, rõ rệt nhất với văn học Việt Nam hiện đại. Điều đó không phải là kết luận chỉ ở một giai đoạn lịch sử đã qua, mà vẫn đang và sẽ còn tiếp tục đúng theo sự thẩm định của một nhà cố vấn có tiếng nói uy tín nhất, đó chính là thời gian.

Phản hồi

Các tin/bài khác