Từ truyện đến phim - Sức hút và thách thức

(VOV5) - Áp lực cho các nhà làm phim là phải sáng tạo, đưa ra được các yếu tố mới nhưng cũng phải tôn trọng tinh thần, văn hóa, lịch sử của bản gốc.

Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đang đối mặt với vấn đề là khan hiếm kịch bản hay. Đã có không ít cuộc vận động sáng tác nhằm tìm kiếm kịch bản hay nhưng vẫn rất khó để có được kịch bản đủ sức thuyết phục nhà sản xuất bỏ tiền đầu tư. Vì thế, kịch bản phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học luôn là lựa chọn khả thi của nhà làm phim.

Dẫu còn không ít khó khăn, thách thức khi đưa một tác phẩm văn học lên màn ảnh, nhưng rõ ràng văn học luôn là “vỉa quặng” dồi dào để điện ảnh khai thác. Chủ đề này lại một lần nữa được đề cập trong Liên hoan Phim lần thứ 23. Phóng viên Dương Hà có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ (TS), nhà phê bình văn học Hoàng Cẩm Giang (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) về chủ đề “Từ truyện đến phim- Sức hút và thách thức”.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
 
Từ truyện đến phim - Sức hút và thách thức - ảnh 1Tiến sĩ- nhà phê bình văn học Hoàng Cẩm Giang.

PV: Xin chào Tiến sĩ- nhà phê bình văn học Hoàng Cẩm Giang, Văn học và điện ảnh luôn có mối quan hệ khăng khít. Tác phẩm văn học là nguồn cảm hứng bất tận để sáng tạo điện ảnh. Xu hướng làm phim khai thác từ văn chương đang được điện ảnh nước nhà quan tâm. Chủ đề này là một trong những chủ đề nóng được Liên hoan Phim lần thứ 23 đề cập tới. Vậy theo Tiến sĩ Hoàng Cẩm Giang thì các bộ phim chuyển thể từ văn học thời gian qua đã thành công như thế nào?

TS Hoàng Cẩm Giang: Nhiều tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ văn học thời gian qua đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng công chúng nhiều thế hệ, thì điểm chung của những bộ phim này đều được các đạo diễn có sự sáng tạo nhất định khi biến tác phẩm từ nghệ thuật ngôn từ thành nghệ thuật của điện ảnh. Đặc biệt, họ đã lưu giữ, duy trì được, kiến tạo được một không gian văn hóa phù hợp với tác phẩm gốc, đồng thời có sự tương thích với không gian văn hóa đương đại khi thực hiện bộ phim.

Tôi lấy ví dụ về bộ phim “Trăng rơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Trần Thùy Mai. Trong truyện ngắn thì hàm lượng chi tiết tự sự tương đối ít, ở đây đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã sáng tạo một không gian nhà vườn của xứ Huế là nơi sinh sống của một gia đình có người vợ đầy tính chịu đựng, hi sinh, nhưng vô tình lại trở thành bi kịch đối với người chồng của cô ta. Ngôn ngữ điện ảnh đẹp, cách thể hiện cảnh quan trong phim tốt khiến việc chuyển thể thành công, tạo nên một tác phẩm điện ảnh thu hút công chúng. 

PV: Những tác phẩm văn học tại sao lại hấp dẫn và có sức hút đối với các nhà làm phim đến như vậy thưa tiến sĩ?

TS Hoàng Cẩm Giang: Bộ phim dựa trên tác phẩm văn học thì luôn có lợi thế đó là có cộng đồng người xem vốn là người đọc. Nhưng với các độc giả này thì họ luôn chờ đợi để được nhìn thấy diện mạo, hình hài mới khi phát triển thành phim. Chính vì thế mà họ luôn chờ đợi, hi vọng các nhân vật trong văn học sẽ sống thêm một đời sống điện ảnh. Bởi ngay từ khởi thủy văn học và điện ảnh luôn cần cốt truyện, chi tiết, tình huống kịch tính, chính vì thế hai loại hình này thường tương hỗ lẫn nhau.

PV: Vậy theo quan điểm của chị thì khi chuyển thể từ truyện sang phim thì các nhà làm phim nên tuân thủ các nguyên tắc nào?

TS Hoàng Cẩm Giang: Với người làm điện ảnh thì họ phải nắm được nhiều nguyên tắc trong quá trình chuyển thể văn học sang phim khá là phức tạp. Bởi văn chương có ngôn ngữ riêng, và điện ảnh cũng vậy. Để hài hòa, nhuần nhuyễn được điều này đòi hỏi các nhà làm phim cần phải chuyển thể một cách linh hoạt các tình tiết, chi tiết, bối cảnh từ truyện sang phim một cách thuyết phục.

Ngoài ra không gian văn hóa đằng sau bản gốc đó cần được duy trì, nếu làm không tốt điều này thì không khí trong phim sẽ rất khác.

Tôi lấy ví dụ gần đây bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” khi chuyển thể lại từ bộ phim cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi đã gặp phải vấn đề là chưa thực sự tôn trọng yếu tố gốc về lịch sử và văn hóa của vùng Nam Bộ được miêu tả trong tác phẩm gốc,  không tạo được hiệu ứng tốt đối với công chúng khi họ đã quá quen thuộc với tác phẩm văn học.

PV: Một tác phẩm văn học tốt thường chứa đựng cốt truyện, tình huống, diễn biến tâm lý nhân vật hấp dẫn, là mảnh đất màu mỡ để điện ảnh khám phá và sáng tạo. Vậy khi chuyển thể sang điện ảnh thì các nhà làm phim có chịu áp lực hay những thách thức gì không, thưa chị?

TS Hoàng Cẩm Giang: Tôi nghĩ rằng thách thức lớn nhất đặt ra cho các nhà chuyển thể, đó là anh sẽ chọn bao nhiêu phần trăm để đưa vào phim, dựa nhiều hay dựa ít, tại sao lựa chọn chi tiết này hay nhân vật này mà không phải là chi tiết và nhân vật kia…  

Đặc biệt là khi khán giả xem phim thì luôn dùng tiêu chí văn bản gốc để so sánh, đối chiếu và đánh giá về bộ phim. Áp lực cho các nhà làm phim là phải sáng tạo, đưa ra được các yếu tố mới trong bộ phim, khiến bộ phim hấp dẫn, mới mẻ, giống như một tác phẩm điện ảnh độc lập vốn có. Đồng thời anh cũng phải tôn trọng tinh thần, văn hóa, lịch sử của bản gốc.

Ví dụ về bộ phim “Kiều @” của đạo diễn Mai Thu Huyền chẳng hạn. Khi chuyển thể thì đạo diễn chủ yếu dựa trên mối tình giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh. Đặc biệt là nhân vật Hoạn Thư trong phim đã chuyển thể quá sáng tạo so với bản gốc. Nếu như Hoạn Thư trong bản gốc là người phụ nữ có cái ghen rất đáo để, rất văn hóa, thì khi sang phim nhân vật Hoạn Thư lại trở thành người phụ nữ có cái ghen rất bình thường. Đặc biệt là không gian văn hóa trong “Kiều @” đã bị chuyển đổi thành không gian mang tính du lịch, không giữ được tinh thần của bản gốc… thì tôi nghĩ rằng đó là một trong những thử thách mà các nhà làm phim cần vượt qua.

PV: Cảm ơn Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Hoàng Cẩm Giang đã trò chuyện với chương trình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác