Hội thảo Chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992

(VOV5) - Sáng 9/6, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới” tổ chức Hội thảo khoa học“Chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992 - những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung”.

Hội thảo Chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992 - ảnh 1


Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định vai trò quan trọng của Hiến pháp năm 1992 trong quá trình đổi mới đất nước và nhấn mạnh: Nghị quyết Trung ương 2 đã xác định: thể chế hoá chủ trương, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật, đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Vì vậy, nghiên cứu những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung về Chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992 cần thể hiện rõ hơn vai trò kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân phù hợp với tình hình đổi mới đất nước hiện nay.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: “Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thể hiện được trong Hiến pháp những quan điểm đổi mới về kinh tế trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 và Nghị quyết Trung ương. Ở đây có vấn đề là khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai, tài nguyên nhưng thể hiện như thế nào trong Hiến pháp để có nhiều hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế và thể hiện được trong Hiến pháp vai trò của kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể dần dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Vai trò quản lý điều tiết, định hướng của Nhà nước đối với nền kinh tế.”



Tại hội thảo, nhiều tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học đã phân tích làm rõ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về việc xác định chế độ kinh tế theo Cương lĩnh năm 2011 và các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11; Các hình thức sở hữu và việc hiến định các hình thức sở hữu ở Việt Nam; Chế độ quản lý tai sản của nhà nước, đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước; Các thành phần kinh tế và hiến định các thành phần kinh tế; Vai trò của Nhà nước trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung Chương Chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992./.

Phản hồi

Các tin/bài khác