|
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)phát biểu ý kiến. Ảnh: Internet |
(VOV5) - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, chiều 30/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính. Đây là dự án Luật lớn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính tập trung vào các vấn đề như: Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính; việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khi vi phạm Luật và cách xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Đa số các ý kiến cho rằng cần phải tăng mức phạt vi phạm hành chính tối thiểu. Vì mức phạt hành chính tối thiểu đối với cá nhân 50.000 đồng và tổ chức 100.000 đồng như hiện nay là quá thấp, không đủ tính răn đe. Một số ý kiến cũng đề nghị tách lĩnh vực sở hữu trí tuệ ra khỏi Luật vì đã có Luật riêng về sở hữu trí tuệ. Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù việc tạm giữ phương tiện, tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính nhưng đây lại là biện pháp có tính răn đe cao hơn những biện pháp xử phạt. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến lạm dụng, thậm chí áp dụng sai quy định pháp luật. Ông Thân Đức Nam , đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, góp ý: “Về mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính, tôi cho rằng mức phạt tối đa với cá nhân 1 tỷ đồng, đối với các tổ chức 2 tỷ đồng quy định tại dự thảo Luật là quá cao. Mức phạt tiền cao không phải là biện pháp hữu hiệu, hạn chế vi phạm mà còn dẫn đến tiêu cực. Tôi đề nghị cân nhắc tăng mức phạt tối đa trong từng lĩnh vực cho phù hợp, vừa đảm bảo tính răn đe, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, mức thu nhập bình quân của người dân hiện nay.”
Sáng cùng ngày, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật quảng cáo. Đa số các ý kiến tán thành việc giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo. Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nêu ý kiến: “Tôi hoàn toàn nhất trí với việc giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm cơ quan quản lý Nhà nước về quảng cáo và vấn đề quảng cáo hàng hóa đặc biệt. Về quảng cáo trên bảng quảng cáo băng rôn và màn hình quảng cáo, tôi tán thành giữ quy định cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo nhằm đảm bảo giữ gìn cảnh quan kiến trúc đô thị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Bởi hoạt động quảng cáo thu được nguồn lợi mà vị trí và địa điểm đẹp không có nhiều nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo thường cạnh tranh quyết liệt hoặc cố tình vi phạm. Vì thế, việc cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo trong Luật là rất cần thiết, tạo thuận lợi cho người hoạt động quảng cáo và cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo".
Các ý kiến cũng cho rằng cần cấm triệt để quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực, kích dục, rượu, thuốc lá... ./.