(VOV5)- Dự thảo Luật giáo dục đại học và dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi) là các nội dung được Quốc hội thảo luận ngày 25/5.
Trong số 5 vấn đề của dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận 3 vấn đề là: địa vị pháp lý của công đoàn; hệ thống tổ chức và tên gọi công đoàn các cấp; tài chính công đoàn.
Các ý kiến đều khẳng định Công đoàn Việt Nam là thành viên quan trọng của hệ thống chính trị-xã hội, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề thiết thực cho người lao động. Công đoàn Việt Nam không chỉ đại diện cho giai cấp công nhân và những người lao động mà còn là cầu nối giữa quần chúng với Đảng. Ông Phạm Phi Hùng, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, góp ý: “Theo tôi tên gọi tổ chức công đoàn nên giữ nguyên là từ trước tới nay chúng ta vẫn chia làm 4 cấp: công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên, công đoàn cấp tỉnh, thành phố và Tổng liên đoàn Việt Nam . Tôi cho rằng mô hình công đoàn khác nên giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam .”
Thảo luận về dự thảo Luật giáo dục đại học, các ý kiến khẳng định vấn đề quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học được cho là một trong những điểm cốt lõi của dự thảo Luật giáo dục đại học. Bà Đàm Thị Mỹ Hương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, nêu ý kiến: “Tôi tán thành với nhận định của Ủy ban thường vụ Quốc hội là Hội đồng trường là thiết chế không thể thiếu đối với các cơ sở giáo dục đại học. Việc thành lập Hội đồng trường chính là để quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, góp phần làm cho hệ thống giáo dục đại học hoạt động có tính tự chủ cao và tính chịu trách nhiệm trước xã hội. Tuy nhiên, để Hội đồng trường, Hội đồng quản trị các cơ sở giáo dục đào tạo hoạt động có chất lượng, hiệu quả, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định hướng dẫn tổ chức thực hiện chi tiết, gắn quyền hạn và quyền lợi một cách cụ thể đối với từng đối tượng trong Hội đồng và quy định có kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm đúng mực.”
Ảnh minh họa: Báo Lao động
Về mô hình cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở giáo dục đại học, đa số các ý kiến đề nghị nên giao Chính phủ ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Đối với vấn đề xã hội hóa giáo dục, nhiều ý kiến tán thành việc xã hội hóa giáo dục nhưng đề nghị làm rõ khái niệm cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận và cơ sở giáo dục đại học phi lợi nhuận. Cơ sở giáo dục đào tạo tư thục cần dành ít nhất 25% phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi để đầu tư cho giáo dục đào tạo hoặc cho các hoạt động từ thiện.
Để đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đa số các ý kiến nhất trí phải có quy định kiểm định chất lượng giáo dục đại học và phải công khai kết quả kiểm định nhưng cần có lộ trình thực hiện./.