|
Quảng cảnh hội trường |
(VOV5) - Chiều 18/6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 5 Luật với đa số phiếu tán thành. 5 Luật thông qua gồm: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giáo dục đại học; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật lao động (sửa đổi).
Sáng cùng ngày, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật xuất bản (sửa đổi). Các ý kiến đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi). Việc ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện để lĩnh vực xuất bản tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt nhiệm vụ định hướng văn hóa - tư tưởng và phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đa số các ý kiến đều nhất trí với việc cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản. Dự án Luật cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng giữa trung ương, địa phương và cơ sở; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản. Nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định như luật hiện hành về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, giao Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cho cơ sở in của cơ quan, tổ chức ở Trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép cho cơ sở in của địa phương. Bà Trần Thị Diệu Thúy, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: “Về loại hình tổ chức nhà xuất bản, tôi không nhất trí dự thảo luật sửa đổi xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do Nhà nước sở hữu mà như giữ như Luật xuất bản hiện hành là nhà xuất bản được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc đơn vị sự nghiệp có thu. Việc này trong thực tế không gây trở ngại cho việc định hướng tư tưởng bởi vì nhà xuất bản được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện để đảm bảo không bị lợi dụng làm trái mục tiêu và định hướng tư tưởng.”
Còn bà Trần Thị Hồng Thắm, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, cho rằng: “Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản và chính sách phát triển xuất bản phẩm, trong đó nên chăng chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý tập trung tất cả các xuất bản phẩm. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu với công nghệ hiện nay không khó, không quá tốn kém và nhanh chóng. Khi chúng ta muốn kiểm tra một ấn phẩm nào trên thị trường thì chỉ cần một thiết bị đọc mã như là mã hàng hóa ở siêu thị thì sẽ có đầy đủ thông tin liên quan đến xuất bản phẩm đó như tác giả, nhà xuất bản, số giấy phép, nhà in, số bản in, nội dung xuất bản phầm, mã quản lý xuất bản phẩm…”
Đối với việc liên kết xuất bản và hợp tác quốc tế, hầu hết các ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi nhà xuất bản, tăng cường xã hội hóa và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Về xuất bản điện tử, một vấn đề mới nổi lên hiện nay, một số ý kiến cho rằng nên bỏ quy định riêng về xuất bản điện tử trong dự thảo luật vì như vậy sẽ phù hợp với xu thế xuất bản trên thế giới, thuận lợi cho hoạt động xuất bản trước yêu cầu hội nhập.