Các nhà khoa học nữ mang lại ánh sáng cho người bệnh

(VOV5) - Mục tiêu của tập thể là nghiên cứu phương pháp điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng cách nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc khác nhau.

Giải thưởng Kovalevskaia 2014 được trao cho 1 tập thể và 1 cá nhân là những nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên vào ngày 07/03 tại Hà Nội. Tập thể đạt giải thưởng là các nhà khoa học của Bộ môn Mô - phôi thuộc Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương do Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Y Hà Nội là đại diện với đề tài nghiên cứu sử dụng công nghệ tế bào để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Thành viên của tập thể  nghiên cứu gồm các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên của Bộ môn Mô- phôi thuộc Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương. Mục tiêu của tập thể là nghiên cứu phương pháp điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng cách nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc khác nhau: nếu bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt sẽ lấy tế bào gốc từ vùng rìa giác mạc bên mắt lành, nếu bệnh nhân bị tổn thương cả hai mắt sẽ lấy tế bào gốc từ biểu mô niêm mạc miệng. Sau khi nuôi tạo thành công tấm biểu mô sẽ ghép tự thân vào giác mạc cho bệnh nhân. Đây là phương pháp mới đang được áp dụng trên thế giới và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Còn ở Việt Nam, phương pháp này hoàn toàn mới, chưa có đơn vị nào nghiên cứu và áp dụng. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Y Hà Nội, đại diện tập thể nghiên cứu, cho biết:“Nghiên cứu của chúng tôi là một trong những phương pháp để đưa lại ánh sáng cho những người bị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng một phương pháp được coi là hiện đại nhất bây giờ. Đề tài nghiên cứu của chúng tôi đã đưa lại cho bệnh nhân được hưởng một phương pháp rất mới ở Việt Nam và phương pháp này gần như cứu cánh cuối cùng cho bệnh nhân đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, các phương pháp khác nhau mà kết quả không thành công. Bệnh nhân được hưởng một kỹ thuật mới nhưng với một giá thành rất thấp so với ở nước ngoài”.

Các nhà khoa học nữ mang lại ánh sáng cho người bệnh - ảnh 1
PGS Nguyễn Thị Bình, đại diện tập thể đoạt giải Kovalevskaia 2014. Ảnh: L.V

Trong thời kỳ đầu, việc nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn vì không có kinh phí. Các thành viên đã cùng nhau đóng góp kinh phí để phục vụ cho sự đam mê nghiên cứu khoa học từ năm 2004. Đến năm 2007, tập thể mới có được nguồn kinh phí từ Bộ Y tế, sau đó là nguồn kinh phí từ Bộ Khoa học, Công nghệ. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình cho biết thêm:“Chúng tôi vẫn gặp phải những khó khăn, đó là rất nhiều hóa chất, nguyên liệu không thể mua được ở Việt Nam, nếu gửi mua ở nước ngoài về thì rất phức tạp, với nguồn kinh phí được cấp thì không đủ. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng mầy mò và khắc phục được những khó khăn đó để nghiên cứu thành công việc nuôi tạo các tấm biểu mô để ghép cho bệnh nhân”.

Sau 04 năm mầy mò nghiên cứu, đến năm 2007, lần đầu tiên tập thể đã nuôi tạo thành công tấm biểu mô từ nguồn tế bào gốc vùng rìa giác mạc của thỏ. Các tấm biểu mô này được ghép lại cho thỏ bị bỏng mắt đã cho kết quả tốt. Sau khi nuôi tạo và ghép thành công tấm biểu mô nuôi cấy cho thỏ, tập thể tiếp tục nghiên cứu thành công trên người. Bệnh nhân được điều trị tổn thương giác mạc đầu tiên theo phương pháp này vào đầu năm 2008. Sau ghép, bệnh nhân đã trở lại làm việc được cho đến nay.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Tuệ Khanh, chuyên gia giác mạc, người trực tiếp thực hiện các ca phẫu thuật cho bệnh nhân, cho biết:“Nếu như trong những trường hợp chỉ tổn thương ở lớp biểu mô bề mặt nhãn cầu hoặc lớp biểu mô giác mạc thôi thì hầu như kết quả của phẫu thuật ghép tự thân là bệnh nhân hồi phục nhanh trong vòng 3 tháng sau phẫu thuật và kết quả ổn định trong vòng 6 tháng sau phẫu thuật. Sau đó thì hầu như không có thay đổi gì”.

Các nhà khoa học nữ mang lại ánh sáng cho người bệnh - ảnh 2
Phó Giáo sư Nguyễn Thị Bình, trưởng nhóm nghiên cứu, ngoài cùng bên phải, trong lễ trao giải. Ảnh: VA

 Cho đến nay, 37 bệnh nhân được ghép tấm biểu mô thì 15 bệnh nhân bị hỏng một mắt được ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ phần mắt lành còn lại; 22 bệnh nhân bị hỏng cả hai mắt, lấy mảnh niêm mạc miệng để nuôi cấy. Ghép tấm biểu mô lấy từ tế bào gốc mắt lành thì tỉ lệ thành công khoảng 70, 80% còn nuôi cấy từ tế bào gốc lấy từ niêm mạc miệng thì khó hơn, tỉ lệ thành công là 60,70%. Một số bệnh nhân sau khi ghép xong thì thị lực đã được cải thiện. Chị Hồ Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch công đoàn phụ trách công tác nữ công và nghiên cứu khoa học của trường Đại học Y Hà Nội, cho biết:“Đây là một đề tài nghiên cứu ứng dụng kết hợp rất nhiều giữa bác sĩ lâm sàng với trung tâm nghiên cứu để tạo ra nguồn sản phẩm nhưng nó còn phải thích hợp trên người bệnh. Sự kết hợp của nhóm nghiên cứu tuy mới thực hiện được trên một số nhóm nhỏ các bệnh nhân nhưng cũng đã thể hiện được vai trò rất lớn, đó là thành công bước đầu, một số bệnh nhân đã có những đáp ứng rất tích cực, đem lại nguồn sáng cho người bệnh. Các bước thực hiện của công trình nghiên cứu đảm bảo tính khoa học. Đây cũng là một bước sáng tạo số 1 ở Việt Nam”.

Bên cạnh nghiên cứu về tế bào gốc để điều trị tổn thương nhãn cầu, tập thể cũng đang nghiên cứu tế bào gốc để điều trị cho một số bệnh lí khác cho bệnh nhân. Những đóng góp của nhóm nghiên cứu do Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình chủ trì đã, đang và sẽ mang lại ánh sáng cũng như một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người bệnh./.

 

 


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác