Đêm nhạc “Tiếng trúc, tiếng tơ” - âm thanh ba miền hòa quyện

(VOV5) - Đêm nhạc “Tiếng trúc tiếng tơ” giống như một bức tranh âm nhạc truyền thống mà ở đó mỗi nghệ sĩ mang đến cho thính giả những tác phẩm độc đáo của mình. 

Đêm nhạc “Tiếng trúc, tiếng tơ” - âm thanh ba miền hòa quyện - ảnh 1
Các nghệ sĩ Thanh Bình, Thanh Hoài, Xuân Hoạch trong đêm nhạc "Tiếng trúc tiếng tơ"

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Từng âm sắc, giai điệu và tiết tấu của nhiều thể loại ca nhạc dân tộc được thể hiện bởi các nghệ sĩ hàng đầu trong làng cổ nhạc, tạo thành một dòng chảy âm thanh xuyên suốt ba miền Bắc-Trung-Nam được thể hiện trong đêm nhạc Tiếng trúc tiếng tơ. Đây là cuộc gặp gỡ âm nhạc giữa những người tâm huyết với cổ nhạc Việt Nam khắp trong Nam, ngoài Bắc và cả ở nước ngoài như: Nghệ sĩ Hương Thanh, NSUT Đặng Công Hưng, Đoàn Thanh Bình, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch, Ngô Thanh Hoài… đã mang đến cho người thưởng thức những ấn tượng đẹp về sự tinh tế và độcđáo của nền âm nhạc truyền thống.  


Đêm nhạc “Tiếng trúc tiếng tơ” giống như một bức tranh âm nhạc truyền thống mà ở đó mỗi nghệ sĩ mang đến cho thính giả những tác phẩm độc đáo của mình. Nếu như nghệ sĩ nhân dân Ngô Thanh Hoài thể hiện những làn điệu chèo của đồng bằng Bắc Bộ, những điệu ngâm thơ cổ thì nghệ sĩ ưu tú Đoàn Thanh Bình trình diễn kĩ thuật mẫu mực của dòng ca trù đàn hát khuôn, nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch lại nhẩn nha với làn điệu Xẩm từng làm nên tên tuổi của mình. Nghệ sĩ Đàm Quang Minh, một trong những người đưa ra ý tưởng chương trình cho biết: "Chương trình được hình thành từ cuộc gặp gỡ với những người bạn nhạc ở phương xa, đó là ca sĩ Hương Thanh-ở Pháp. Khi về nước, chị Hương Thanh có mong muốn được gặp gỡ anh chị em trong làng cổ nhạc miền Bắc để được giao lưu, làm quen. Trong lúc gặp gỡ, anh chị em có ý tưởng làm chương trình chung với nhau để xây dựng câu chuyện âm nhạc Việt Nam, có Bắc, có Nam, nhân tố của câu chuyện này đều là cổ nhạc Việt Nam cả".


“Tiếng trúc tiếng tơ” cũng gắn liền với ý tưởng đưa các loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam như đàn đáy, đàn nguyệt, đàn bầu được làm từ chất liệu truyền thống như cây trúc, dây tơ tằm trở lại với thói quen nghe nhạc của người Việt. Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch không chỉ tham gia tích cực trong việc phục dựng các bộ môn ca nhạc cổ như hát xẩm, ca trù mà còn là người nghiên cứu và tái tạo được sợi dây đàn bằng chất liệu tơ tằm, nhằm tìm lại những âm thanh cổ điển của nhạc cụ truyền thống, thất truyền từ hơn nửa thế kỉ nay. Theo ông, trong văn học cổ, cây trúc biểu tượng cho sự thanh cao, thẳng thắn là hình tượng của người quân tử. Còn âm thanh mềm mại, ấm áp và tình tứ một cách kín đáo của dây tơ là biểu tượng cho giọng ca của đào nương. Hai hình ảnh mang tính biểu tượng văn hóa này muốn nói lên sự hòa hợp của âm nhạc truyền thống phương Đông: "Làm được tơ mới biết cái hay của tơ. Đã bao nhiêu năm ca trù bị gián đoạn, chỉ hoài niệm lại tiếng tơ, hoài niệm lại dây tơ. Còn bây giờ làm được dây tơ thì tôi mừng nhất. Đến bây giờ dám khẳng định là dây tơ đã chuẩn, đã xuất hiện trong chương trình này. “Tiếng trúc tiếng tơ” cũng là từ ý tưởng ấy. Trong lòng tôi mừng lắm. Ngay như nghệ nhân Kim Đức cũng bảo: “thôi, mừng rồi, mấy chục năm nay mới nghe lại được tiếng tơ, đẹp lắm”. Đó là món quà mà có lẽ cuộc đời tôi dù chỉ se sợi tơ để phục vụ cho công việc của mình nhưng tôi thấy nó cũng đáp ứng được cho nhóm của mình. Sau này cũng mong nó được tỏa ra để giữ gìn bản sắc của cây đàn bằng dây tơ".


"Tiếng trúc  tiếng tơ” là  một chuỗi chương trình có cấu trúc mở, phô diễn những gì là tinh túy của từng thể hát như ca trù, hát chầu văn, hát chèo, hát xẩm, hò Huế, đờn ca tài tử…Tại đây, người nghe được thưởng thức những thanh âm, tiết tấu vừa trầm bổng, vừa tha thiết nhưng rất đỗi quen thuộc trong văn hóa âm nhạc Bắc Bộ… Đó là làn điệu chèo “Đào liễu”, “Quan âm Thị Kính”, “Gà rừng lới lơ” qua giọng hát nghệ sĩ Thanh Hoài, âm thanh bác học của dòng ca trù đàn hát khuôn qua giọng ca của nghệ sĩ Đoàn Thanh Bình với làn điệu “Thét nhạc lối cửa đình”. Nghệ sĩ Trọng Quỳnh đưa người nghe đến với điệu hò và hát chầu văn “Ông Hoàng Mười”, “Cô đôi thượng ngàn”, nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch vừa hát, vừa kéo đàn với làn điệu xẩm “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” nhẩn nha nhưng đầy triết lý. Ông Nguyễn XuânThành, một khán giả cho biết: "Đây là một món sở trường của tôi. Tất cả những món hôm nay tôi được“ăn” là những món đặc sản, tuyệt vời. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe một chươngtrình mà mình thấy rạo rực từ đầu đến cuối, làm cho tôi nhớ lại lúc mình còn nhỏđược đi nghe xẩm, nghe hát chèo. Với những nghệ sĩ tài năng, tôi nghĩ đây là những tinh túy mà các nghệ sĩ đã truyền lại được cho người xem".


Còn anh Nguyễn Thế Bách, một người trẻ đến nghe nhạc cũng thể hiện sự tâmđắc của mình với “Tiếng trúc tiếng tơ”:  "Cảm xúc của tôi có rất nhiều trong chương trình biểu diễn hôm nay,cho tôi vỡ ra được nhiều kiến thức văn hóa của người Việt, rất rộng. Buổi biểu diễn rất tuyệt vời".


Có lẽ, không có mong muốn nào tha thiết hơn là để cho âm nhạc truyền thống khơi dậy trong lòng người yêu ca nhạc dân tộc những điều bình dị, nhân ái nhất. Bởi thế mà những người nghệ sĩ thầm lặng ấy đã tự hứa với mình, trong từng tiết mục biểu diễn sẽ dốc hết tâm huyết, mang lời ca tiếng hát từ đáy lòng mình để cùng hòa vui trong một tiếng tơ đồng./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác