Hậu phương của người lính đảo Trường Sa (phần 2)

 (VOV5) - “Anh ở giữa đảo xa/ Yêu từng mảnh đất này/ Em ơi em có biết/ Mãi mãi biển bên anh”. Giữa trùng khơi xa cách nhưng tình yêu của những người lính Trường Sa được thương gửi về đất liền nơi đó có gia đình, có người phụ nữ yêu thương và có những đứa con xinh xắn bằng những câu thơ dạt dào như vậy. Đó là những vần thơ mộc mạc giản dị nhưng chất chứa tình yêu thương được Nguyễn Duy Chinh nắn nót gửi về cho vợ là Hoàng Thị Mai ở huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Tình yêu biển, yêu mảnh đất Trường Sa của Duy Chinh dường như luôn được tiếp thêm sức mạnh từ nơi hậu phương, quê nhà.

 

Hậu phương của người lính đảo Trường Sa (phần 2) - ảnh 1
Duy Chinh đề bốn câu thơ ở mặt sau bức thư gửi vợ

Nhấn vào đây để nghe âm thanh:



Mỗi lúc nhớ chồng, mẹ con chị Hoàng Thị Mai lại bật đĩa có những ca khúc về Trường Sa lên nghe. Biết rằng đã ngàn lần chị nghe bài hát “Gần lắm Trường Sa” trong tâm trạng khắc khoải khôn nguôi. Chính những bài hát này anh đã hát cho chị nghe và rồi không biết từ lúc nào nó trở thành hành trang đồng hành cùng chị trong cuộc sống khi chồng vắng nhà: “Anh rất thích hát về Trường Sa, hay hát bài về Trường Sa cho vợ nghe như: Gần lắm Trường Sa, Hành khúc về Trường Sa. Bản thân mình rất yêu Trường Sa nên chỉ biết hát về Trường Sa thôi chứ không có cách gì khác. Anh còn gửi đĩa về cho mẹ con ở nhà. Mở nhiều nên cũng thuộc”.

Chuyện tình của cô giáo Hoàng Thị Mai với chồng là thiếu uý Nguyễn Duy Chinh công tác ở đảo Trường Sa Lớn cũng thật lãng mạn. Họ quen nhau, yêu nhau, ròng rã bốn năm trời qua mục thư kết bạn trên báo Tiền Phong. Sau đám cưới họ chỉ sống bên nhau được gần hai tháng  bởi chồng lại khoác ba lô lên đường ra đảo tiếp tục nhiệm vụ. Mai một mình “vượt cạn” và tranh thủ sự giúp đỡ của gia đình, bà con làng xóm nuôi con. Hơn 20 tháng sau, Duy Chinh mới biết mặt con qua tấm hình vợ gửi. Còn ở đất liền, mẹ con chị Mai cũng đang hết sức cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để chồng yên tâm công tác nơi đảo xaAnh luôn quan tâm và động viên kịp thời nên mẹ con cũng phải cố gắng. Nghĩ anh ở ngoài đấy cũng vất vả hơn nhiều nên phải cố gắng làm sao để xứng đáng với anh hơn. Cố gắng để chăm sóc các con, nuôi dạy các con để anh yên tâm công tác ở ngoài đấy”.

 

Hậu phương của người lính đảo Trường Sa (phần 2) - ảnh 2
Một trong rất nhiều cánh thư của chồng từ Trường Sa gửi về cho Mai


Có chồng công tác ở Trường Sa, chị Mai cũng hình thành dần thói quen, tìm đọc nhiều bài viết về nơi chồng đóng quân, thuộc nhiều bài hát về nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Mọi hình dung về Trường Sa cũng chỉ là qua sách báo, phim ảnh hay qua lời kể của chồng. Rồi niềm vui bất ngờ đến với chị sau hai năm xa cách, tháng 7 năm 2007, Mai được ra thăm chồng. Chuyến đi này trong đoàn thân nhân, mình chị là nữ: “Được báo tin trước nửa tháng. Hầu như ngày nào cũng thấp thỏm, mong thật nhanh, thật sớm để được ra Trường Sa. Ăn không ngon ngủ không yên chỉ mong có ngày để được ra Trường Sa”.

 

Quà mang ra Trường Sa thăm chồng ngoài hoa quả, chè mạn, đôi dép..., thứ chị nâng niu và luôn giữ bên mình là tấm hình hai vợ chồng và chiếc đĩa CD quay cảnh sinh hoạt đời thường của hai mẹ con chị Mai trên đất liền. Điều đặc biệt là chuyến đi ấy chị đã tạo một sự bất ngờ lớn đối với  thiếu úy Nguyễn Duy Chinh, chồng chị. “Không biết là vợ ra. Vẫn đi làm bình thường. Đảo trưởng hỏi, vợ ra rồi, sao vẫn cứ làm ngoài cầu cảng. Lúc đó đảo trưởng mới bảo về, để gặp vợ. Về không nghĩ đó là sự thật. Sự bất ngờ rất là xúc động. Thời gian đó xa cách vợ rất dài, khi đó, được 28 tháng. Cháu Đạt được 21 tháng cộng với thời gina mang thai. Rất xúc động, 2 vợ chồng chỉ biết ôm chầm lấy nhau mà khóc, hạnh phúc quá. Không nghĩ là vợ ra ngoài này thăm. Lúc đó, khi vợ trong vòng tay mình bằng da bằng thịt, mới hiểu rằng đó là món quà đặc biệt vợ dành cho mình và với sự tạo điều kiện, giúp đỡ của chỉ huy và đất liền dành cho 2 vợ chồng nơi đảo xa”- Duy Chinh tâm sự.

Rồi vinh dự lại đến với chị Mai sau 5 năm đặt trên đến Trường Sa, tháng 6 năm 2012, chị lại một lần nữa lên con tàu của Hải quân để vượt trùng khơi đến thăm chồng. Chứng kiến sự đổi thay của Trường Sa, thấy được cuộc sống của chồng, chị Mai cũng thấy yên tâm. Trước khi lấy anh, chị là cô giáo mầm non của công ty đóng tàu Nam Triệu. Nhưng rồi khi sinh con thứ 2, kinh tế công ty khó khăn giảm biên chế, cộng với việc chỗ làm cách nhà bốn chục cây số nên chị xin nghỉ để tiện việc chăm con. Gia đình nội ngoại đều khó khăn không giúp đỡ được nhiều, phần lớn cuộc sống của 3 mẹ con dựa vào đồng lương quân nhân của anh gửi về. Chỗ ở thay đổi liên tục vì phòng trọ tăng giá theo thị trường  nhiều lúc cũng cực. Dù cuộc sống của 3 mẹ con chị còn bộn bề khó khăn nhưng không vì thế mà chị khiến anh bận lòng: “Mình không được thường xuyên chia sẻ tình cảm và những khó khăn nhất là khi chăm con. Con ốm, mình ốm, lúc ấy mẹ con ở nhà rất vất vả,  không có người phụ giúp. Thời tiết thay đổi là quay ra ốm, không có người hỗ trợ, đưa đón con. Đấy là khó khăn lớn nhất. Anh cũng thương vợ lắm, nhưng không biết làm sao. Chỉ biết gọi điện về bảo vợ cố gắng lên. Bây giờ nhiệm vụ của anh thì mình phải động viên để anh cố gắng. Động viên anh cố gắng ở ngoài đó công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ vì ở nhà đã có em, các con khỏe mạnh”.

  

Hậu phương của người lính đảo Trường Sa (phần 2) - ảnh 3
Ba mẹ con Hoàng Thị Mai...

 

Hậu phương của người lính đảo Trường Sa (phần 2) - ảnh 4
...bên mâm cơm đạm bạc.


Sự động viên, niềm tin vào tình yêu là điểm tựa vững chắc để vợ chồng Hoàng Mai và Duy Chinh gắn bó và yêu thương nhau hơn. Dù ở xa nhưng  Duy Chinh thấu hiểu nỗi vất vả của vợ con ở nhà nhưng với người lính thì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu: “Mình là bộ đội, công tác xa nhà, xa đất liền. Mọi công việc, mọi gánh vác của người chồng, người cha, dồn hết lên đôi vai của người vợ. Người vợ nơi quê nhà không những làm mẹ, làm con, và còn làm cha, nuôi dạy con cái, qua năm tháng, mình thấy rằng vợ chịu rất nhiều thiệt thòi, nhưng bằng nguồn động viên, an ủi giúp đỡ và đã vượt qua những khó khăn rong cuộc sống. Thấy rằng đó là niềm tin, niềm hi vọng để ở ngoài đảo xa, mình cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và đó cũng là món quà để tặng cho đất liền, cho người thân, đặc biệt là người vợ và các con”.

 

Duy Chinh bảo giờ có điện thoại nên mọi việc trong nhà như cúng giỗ 2 bên nội ngoại, việc học của con đều được vợ anh thông báo. Thường thì hàng ngày anh đều điện về để nghe được tiếng nói ríu rít của hai con: Đạt, cậu con trai học lớp một, bé Hà Linh, 4 tuổi và người vợ yêu. Đó là giây phút ấm lòng nhất của người lính biển Trường Sa. Bất chợt cu Đạt đề nghị hát tặng bố một bài. Tiếng hát trẻ thơ trong trẻo khiến cho chị Mai quay đi lau vội giọt nước mắt. Còn đầu dây bên kia nơi có bố Chinh của Đạt chắc cũng nghẹn ngào vì xúc động bởi thật đơn giản với anh đó chính là sức mạnh, là nguồn lực để người lính đảo tiếp bước, vững tay súng bảo vệ vùng trời bình yên. /.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác