Hoạt động bác ái của người công giáo tỉnh Đồng Nai

(VOV5) - Hoạt động bác ái là thế mạnh của đồng bào công giáo nhiều địa phương, trong đó có đồng bào công giáo tỉnh Đồng Nai. Đồng bào công giáo nơi này tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo, khám chữa bệnh, chăm lo phát triển giáo dục đào tạo ở địa phương.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hoạt động bác ái của người công giáo tỉnh Đồng Nai - ảnh 1
Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Đồng Nai có hơn 873.000 tín đồ công giáo thuộc 259 giáo xứ và giáo họ. Nổi bật trong các phong trào yêu nước của đồng bào công giáo ở đây là công tác bác ái xã hội và xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2007 đến nay, toàn giáo phận đã đóng góp hơn 1.060 tỷ đồng cho công tác từ thiện bác ái. Số tiền này sử dụng để xây dựng và sửa chữa hàng trăm căn nhà tình thương; chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi; cứu trợ người dân bị thiên tai.  Bên cạnh đó, giáo dân còn đóng góp hơn 11,6 tỷ đồng cho công tác xóa đói giảm nghèo. Linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Đồng Nai, cho biết:Về phong trào bác ái của đồng bào công giáo tỉnh Đồng Nai, chúng tôi cũng tự hào là  đồng bào đóng góp tích cực, đặc biệt là các công tác từ thiện bao giờ năm sau cũng cao hơn năm trước. Điển hình chỉ riêng trong năm ngoái, chúng tôi đã đạt được 100 tỷ đồng về công tác từ thiện xã hội. Rồi các phong trào khác như làm đường giao thông nông thôn. Bây giờ ở các xóm đạo hầu như không còn đường đất nữa. Ngoài ra còn có phong trào xóa nạn mù chữ. Hầu như xứ đạo nào cũng có học bổng cho các em học sinh nghèo. Còn các em nghèo không đi học được thì xứ đạo mở các lớp học tình thương rồi kết hợp với các trường công để các em được tham gia học tập.  Nhìn chung, phong trào bác ái năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.

 

Trong số các hoạt động bác ái, đồng bào công giáo Đồng Nai làm tốt công tác khám chữa bệnh từ thiện và chăm sóc người già, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật. Hiện người công giáo ở Đồng Nai đã thành lập được 17 cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật, nuôi người già neo đơn; 14 cơ sở y tế từ thiện áp dụng đông tây y. Một trong số 14 cơ sở khám chữa bệnh từ thiện trên địa bàn do người công giáo đảm trách hoạt động hữu hiệu là phòng khám từ thiện của dòng Trợ thế Thánh Joan Thiên Chúa ở phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa. Tu sỹ Bona Nguyễn Mạnh Hoan, người phụ trách phòng khám, cho biết:Phòng khám của chúng tôi mở cửa 4 ngày trong tuần. Những người nghèo đến khám chữa bệnh ở đây đều được miễn phí hoàn toàn, Ngày nào đông thì chúng tôi có khoảng 60 bệnh nhân. Ngày ít thì có khoảng 20-30 bệnh nhân. Bệnh nhân đến khám bệnh, chữa bệnh và được phát thuốc luôn. Còn đây là phòng khám về đông y. Chúng tôi có lấy một chút ít thôi để trả lương cho nhân viên và thuốc men còn người nghèo thì được miễn phí hoàn toàn. Bệnh nhân được cung cấp hai bữa ăn chính là trưa và chiều với giá 5000 đ/bữa. Buổi sáng thì bệnh nhân ăn cháo do các sơ dòng Đa Minh phục vụ. Còn các bệnh nhân nằm điều trị thì được giúp kinh phí giường nằm. Thuốc men một số loại do nhà dòng bào chế lấy.

 

Trong những năm gần đây, đồng bào công giáo ở Đồng Nai đã chi hàng trăm tỷ đồng cho công tác khuyến học, chăm lo đào tạo cho con em trên địa bàn, chăm sóc sức khỏe của người dân… Linh mục Jusse Nguyễn Văn Uy, trưởng ban bác ái xã hội Caritas giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai, cho biết:     Về công tác bác ái, từng xứ đạo thực hiện theo 9 công tác bác ái xã hội. Còn cấp giáo phận thì cũng làm những công việc như thế nhưng có lớn hơn 1 chút, ở tầm vóc như là những cô nhi, nhà mở, trường khuyết tật, phòng khám nhân đạo đông y hoặc tây y để giúp đỡ cho những người nghèo, nhà nuôi những người già neo đơn. Về giáo dục thì chúng tôi được phép của chính phủ để xây dựng Trường Trung cấp nghề Hòa bình để đón nhận những em học sinh học hết lớp 9 không thể lên lớp 10 được vì hoàn cảnh nghèo hay có khó khăn nào đó, rồi những em lớp 12 mà không vào được các trường Đại học, Cao đẳng hay không có khả năng thì các em vào đây để học lấy một nghề để mưu sinh và đóng góp cho xã hội.

 

Hoạt động bác ái của người công giáo Đồng Nai góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Đồng Nai. Những đóng góp này khẳng định xu thế đồng hành cùng dân tộc của người Công giáo Đồng Nai nói riêng, người Công giáo Việt Nam nói chung./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác