Lễ hội hoa Lan ở Hà Nội

(VOV5) - Lễ hội hoa Lan Hà Nội năm nay diễn ra tại Đình làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, quy mô lớn hơn mọi năm. 

Đã trở thành truyền thống vào dịp đầu Xuân, Hội hoa Lan Hà Nội, Hội Địa Lan Thăng Long lại tổ chức lễ hội hoa Lan Hà Nội. Lễ hội hoa Lan Hà Nội năm nay diễn ra tại Đình làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, quy mô lớn hơn mọi năm. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Lễ hội hoa Lan Hà Nội năm nay thu hút hàng trăm nghệ nhân, chủ nhà vườn sản xuất, kinh doanh hoa Lan trên nhiều vùng miền đất nước. Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng hàng chục loài hoa Lan quý hiếm.

Lễ hội hoa Lan ở Hà Nội - ảnh 1

Năm nay, Ban tổ chức lễ hội hoa Lan Hà Nội trưng bày chủ yếu các dòng hoa Địa Lan truyền thống ở Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Chủ tịch Hội Địa Lan Thăng Long, thành viên Ban tổ chức lễ hội hoa Lan Hà Nội, cho biết: “Trong quá trình giao lưu trên các diễn đàn, mạng xã hội, các nghệ nhân, nhà vườn quen biết nhau. Năm nay tổ chức chúng tôi mời được 42 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hàng năm chúng tôi tổ chức lễ hội hoa để giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm, cách trồng, chăm sóc và nghệ thuật thưởng lãm hoa Lan. Chơi hoa cũng để rèn rũa tính nết, nhân cách con người”.

Lễ hội hoa Lan ở Hà Nội - ảnh 2 Các cây hoa Lan khoe sắc tại lễ hội. Ngọc Anh/VOV5

Chơi hoa rất công phu nhưng đã chơi lan thì phải hiểu về loài hoa quý phái này. Trầm mặc nhưng thanh cao, thượng lưu nhưng tao nhã, đó là đặc tính của loài lan. Có đến hàng trăm loài lan, mỗi loài đều có nét tinh tế riêng. Những loài hoa Lan được ưa chuộng như Đại Hoàng, Thanh Ngọc, Thanh Lan, Hoàng Vũ, Mặc Lan, Cầm Tố, Hoàng Điểm, Ngân Biên, Bạch Ngọc, lan Rừng...  Hoa Lan được ví như Nữ hoàng của các loài hoa, bởi vẻ đẹp kiêu sa, khiến người xem đắm say. Ông Trần Phi Công, chủ vườn hoa Lan Hoàng Vũ, thành phố Nam Định, bộc bạch: “Từ xưa đến nay người Việt Nam vẫn có câu truyền miệng là Vua chơi Lan, quan chơi Trà. Chơi hoa người ta nói là nhất hương, nhì sắc, riêng hoa Địa Lan được mọi người công nhận là đệ nhất hương, là loài hoa cao quý nhất. Địa Lan vừa có hương, vừa có sắc và đặc biệt lại nở đúng vào dịp Tết nguyên đán, là thời khắc linh thiêng đối với người Việt Nam. Cho nên đây là một loài hoa được mọi người hết sức trân trọng. Chơi hoa phải gắn liền với văn hóa. Văn hóa ở đây là cả đời hoa đã chắt lọc những tinh túy nhất của đất, trời dâng cho con người mùi hương tuyệt đỉnh, sắc tuyệt vời. Hoa đã mang lại cho chúng ta tất cả niềm vui, biết bao hy vọng”.

Lễ hội hoa Lan ở Hà Nội - ảnh 3

Một châu hoa Lan thường chỉ sống được 5 năm. Với những người am hiểu biết chơi hoa Lan, một chậu lan để chơi trong ngày Tết thì người ta chơi chậu Lan 3 tuổi trở lên. Họ quan niệm Lan cũng như con người, hoa Lan 3 năm tuổi, tượng trưng cho 3 thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái, một gia đình người Việt Nam thường có 3 thế hệ, giống như một gia đình xum vầy, hạnh phúc. Còn nếu hoa Lan chơi được 4, 5 tuổi thì đó là phúc lớn. Cụ Lê Văn Thọ, một người dân Hà Nội đam mê hoa Lan, cho biết: “Địa Lan là hoa lan truyền thống ngày Tết. Một năm Lan nở hoa một lần vào mùa Xuân, Thanh Ngọc, Đại Ngọc lại nở đúng dịp Tết nguyên đán. Từ lúc nhú hoa, chơi được khoảng 20 ngày hoặc có thể hơn. Hoa Lan năm thứ 2, thứ 3 bắt đầu đẹp. Năm thứ 4 phải chuyển chậu, tách củ ra, tối thiểu 2 hoặc 3 cá thể hoa 1 khóm thì hoa mới khỏe tốt. Mỗi chậu hoa thường trồng 3 khóm, gồm 6 thân, chia làm 3 góc, mầm nào non phải trồng ở ngoài, mầm già trồng ở giữa thì mới xòa ra ngoài đẹp”.

Lễ hội hoa Lan ở Hà Nội - ảnh 4

Khách tham quan lễ hội ngắm Hoa Lan. Ngọc Anh/VOV5

Bên lề lễ hội hoa Lan Hà Nội còn có chương trình giao lưu Địa Lan Xuân Mậu Tuất 2018. Xuân về cũng là dịp để những người yêu quý hoa Lan cùng thưởng thức vẻ đẹp thanh khi trà sen thơm ngát, họ cùng bình về thú chơi hoa, vẻ đẹp hoa Lan, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa. Nghệ nhân Phạm Ngọc Khương, chủ vườn hoa lan Bảo Ngân, Câu lạc bộ Hoa Lan thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, kể: “Cây Hoa Lan đặc biệt nhất mà Câu lạc bộ hoa Lan Bảo Lộc đem ra lễ hội là cây Thủy Tiên màu trắng mà ở Hà Nội hay gọi là cây Kiều trắng. Còn có cây Lan tím kia là cây Giã hạt, thường gọi là cây thanh củi. 2 năm thì cây này trưởng thành, có những cây có thể dài từ 2,5 đến 3m. Đất Lâm Đồng trồng được nhiều loại hoa Lan như cây Vũ Nữ, Giã hạt, Thủy Tiên... Đặc trưng hoa Lan ở Lâm Đồng là nở vào mùa Xuân”.

Với mỗi người Việt Nam, thú chơi hoa ngày Tết là một môn nghệ thuật, gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc. Trong tâm thức của người Việt Nam, ngày Tết thiếu sắc hoa thì chưa đúng nghĩa là một ngày Tết. Lễ hội hoa Lan Hà Nội vào dịp Tết đến Xuân sang đã góp phần quảng bá vẻ đẹp, nghệ thuật chơi hoa Lan, thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt Nam, thấm đẫm giá trị nhân văn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác