Nơi chỉ có thầy giáo cắm bản

(VOV5) -  Điểm trường Huổi mới 2 thuộc trường tiểu học Tri Lễ 4 là ngôi trường khó khăn nhất hiện nay ở xã Tri Lễ.


Trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, một xã biên giới rẻo cao của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An không có giáo viên nữ. Trường có 41 thầy giáo, thay phiên nhau dạy học tại 6 điểm trường. Con đường từ trung tâm xã đến điểm trường, các thầy giáo phải vượt quãng đường hơn 40 km, trong đó chỉ 10 km đường nhựa, còn lại đường đất lầy lội, trời mưa xuống khiến đường lầy lội, đất nhão, trơn tuột. Gian nan, khó khăn là vậy nhưng các thầy giáo của trường Tiểu học Tri Lễ 4  luôn động viên nhau vì con chữ, vì các em học sinh thân yêu nên khó khăn nào cũng có thể vượt qua.


Nơi chỉ có thầy giáo cắm bản - ảnh 1
Năm thầy giáo cắm bản tại điểm trường Huổi Mới 2



Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Điểm trường Huổi mới 2 thuộc trường tiểu học Tri Lễ 4 là ngôi trường khó khăn nhất hiện nay ở xã Tri Lễ. Điểm trường này hiện nay có hơn 60 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, là con em đồng bào dân tộc Mông của 10 bản vùng cao, biên giới của xã. Có bản cách điểm trường hơn 10 cây số, học sinh phải dậy từ 4giờ sáng đi bộ men theo các con đường đồi núi, suối sâu để đến trường. Đường đến trường gian nan nên các điểm trường của trường tiểu học Tri Lễ 4 nói chung và điểm trường Huổi Mới 2 đều không có bóng dáng các cô. Điểm trường này có 5 thầy giáo, mỗi thầy đến từ một tỉnh nhưng tựu chung lại tất cả đều vì tình yêu con trẻ. Anh Nguyễn Ngọc Tân, cán bộ đồn biên phòng Trí Lễ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, cho biết: “Do đặc thù quá khó khăn, là xã giáp biên giới, các cô giáo lên đây không đủ sức khỏe, không chịu được. Chủ yếu ở đây là các thầy giáo bám bản, bám lớp, bám trường đem con chữ cho các em”.

Bước chân vào trường là hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Có khi muốn liên lạc với bên ngoài, các thầy phải đi bộ khoảng 3 km lên một ngọn đồi cao để hứng sóng rớt. Nhiều lần đi bộ cả buổi đến nơi cũng không hứng được sóng lại phải quay về. Những lúc cuối tuần mưa không dứt, các thầy giáo trẻ phải ở lại trường. Khi đó, họ chia nhau đi hái rau, măng, bắt cá dưới khe, lấy hoa chuối rừng làm thức ăn. Thầy Lương Ngọc Xuyến, người dân tộc Thái, cho biết đã gắn bó với điểm trường Huối Mới 2 được 4 năm. Con đường từ nhà anh đến trường chỉ có vài cây số nhưng quả là gian nan: “Đến đây thì nhiều thầy cũng khó đi. Sức khỏe mau giảm, không đủ sức cầm tay lái đến trường. Nhà tôi ngoài xã. Từ nhà đến trường là 5 km, tùy thời tiết nếu trời mưa đi 2-3 giờ mới đến nơi còn đi trời nắng thì đi mất 30 phút. Vào tuần nào mưa liên tục thì tôi ở lại trường. Đầu tháng 8, tháng 9, có tháng ở lại hết tháng không về được, đường xói mòn, sạt lở”.


Nơi chỉ có thầy giáo cắm bản - ảnh 2
Mới mưa, đường đã lầy, trơn trượt.


Quãng đường đến trường chỉ trong vòng gần 10 cây số, vào ngày trời nắng thì không trở ngại nhưng mưa xuống, những chiếc xe số bình thường phải quấn xích vào bánh, một số thầy phải dùng xe phân khối lớn như Win. Ủng cao su, áo mưa là đồ bảo hộ không thể thiếu với các thầy. Thầy giáo Thò Bá Trù, người Mông ở xã Tri Lễ, dạy ở điểm trường Huổi Mới 2 cho biết khoảng 4 năm nay các thầy mới đi được xe máy vào trường, còn trước đó toàn đi bộ, men theo con đường mòn của người dân: “Do con đường đi khó khăn quá, các cô không đi được mà chỉ có các thầy đảm bảo sức khỏe mới đi được. Mặc dù các cô cũng muốn nhưng quả là khó khăn. Từ nhà tôi lên trường khoảng 7km phải đi mất hơn 1 tiếng vì đường đi lại khó. 1 tháng xe máy phải đem đi sửa 1, 2 lần. Nhiều bộ phận của xe hỏng rất nhanh. Lốp xã thì 2 tháng thay một lần, còn phanh 1 tháng thay một lần, riêng vành và côn thì cũng thay liên tục”.

Nơi chỉ có thầy giáo cắm bản - ảnh 3
Đoàn phóng viên của VOV chụp cùng các thầy cô giáo và học sinh tại điểm trường Huổi Mới 2


Thày giáo Thò Bá Trù cho hay khi đã chọn nghề giáo, các thầy cũng đã xác định những khó khăn, trở ngại khi tiếp cận với các em học sinh tiểu học. Ở lứa tuổi này nếu là cô giáo thì công việc dạy dỗ các em sẽ dễ dàng hơn.  là người trẻ tuổi nhất, chưa có gia đình nhưng đến nay thầy Trù cũng đã quen với việc rẽn rũa các em từ việc vệ sinh cá nhân cho đến chuyện học hành: “Vì dân mình tộc dạy các con từ lớp 1 vì mình biết tiếng nên dạy được nhiều. nhiều khi nói tiếng Việt học sinh cũng chưa biết. Khó nhất là dạy học sinh tập nói, tập hát, cách đọc viết. Các em không biết cái gì cả. quần áo rách, tay chân không biết rửa. Đến trường thầy dạy cho cách ăn mặc, cách vệ sinh chân tay. Lần đầu tiên đến lớp như ở nhà, cũng chơi như lúc ở nhà chứ không biết là học như thế nào”.

Dạy chữ, dạy hát, dạy chăm sóc vệ sinh cá nhân…đều một tay các thầy hướng dẫn. Nhìn ánh mắt tròn to, trong veo của học sinh thân yêu, các thầy giáo của điểm trường Huổi Mới 2 lại tự động viên nhau hãy cố gắng, tất cả vì cái chữ, vì tương lai của con trẻ.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác