Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ công

(VOV5) - Chính phủ Việt Nam đã triển khai đồng bộ Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.


Việt Nam được đánh giá là quốc gia có người dân sử dụng internet cao hơn mức bình quân khu vực. Với lợi thế phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là trong quản lý hành chính công, Chính phủ Việt Nam đã triển khai đồng bộ Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, nhằm cải cách thủ tục hành chính.



Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Gần 10 năm qua, thành phố Đà Nẵng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Thành phố đã thực hiện được gần 500 dịch vụ công trên tổng số gần 1.200 dịch vụ công. Trong đó, tập trung vào những dịch vụ công mà doanh nghiệp và người dân có tần suất sử dụng nhiều như các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng, thuế, bảo hiểm, chính sách xã hội…


Hiện, trong 63 tỉnh, thành phố, mới có duy nhất Đà Nẵng xác lập được hệ thống đăng nhập 1 lần cho công dân hay hành chính 1 cửa. Theo đó, người dân chỉ khai báo thông tin nhân thân 1 lần là có thể làm được tất cả các thủ tục. Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: “ Muốn ứng dụng được công nghệ thông tin thì phải có hạ tầng, nhân lực, chính sách công nghệ thông tin, phải có sự đầu tư và truyền thông cho công nghệ thông tin. Tất cả những yếu tố đó sẽ có nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực sự quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin. Đó chính là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử”.


Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ công  - ảnh 1


 Nghị định số 64 của Chính phủ về việc "Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước" được ban hành tháng 4/2015, với mục tiêu là xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng tới nâng cao chất lượng năng suất, giảm chi phí hoạt động; Cung cấp thông tin dịch vụ công trực tuyến kỹ thuật cao, làm cho hoạt động nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn. Thực hiện Nghị định này, nhiều cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương khai thác tiềm năng của công nghệ thông tin và đã có những ứng dụng bước đầu, triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hành chính đạt hiệu quả và đi vào nền nếp, Tiến sỹ Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng người đứng đầu tại một số cơ quan nhà nước cần xác định rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý:  “Lãnh đạo của một số địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó sẽ giúp cán bộ, công chức có thói quen, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và hình thành văn hóa chia sẻ thông tin”.


Theo Bộ Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, thay vì mức độ nội bộ cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin có bao nhiêu dịch vụ công được cung cấp, thì giai đoạn này sẽ hướng tới số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tỷ lệ phần trăm hồ sơ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ.


Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ công  - ảnh 2


Tại Diễn đàn cấp cao về công nghệ thông tin – truyền thông năm 2015 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là đổi mới mạnh mẽ, với tiêu chí là minh bạch, cụ thể, và có lộ trình mang tính bắt buộc đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước: “Một trong những giải pháp mà chúng tôi đã bàn với Bộ Thông tin và Truyền thông, căn cứ vào công bố về chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, căn cứ vào dịch vụ công, chúng ta phải đề ra các quy định bắt buộc, có lộ trình cụ thể cung cấp dịch vụ công. Bên ngoài xã hội thành phong trào thi đua giống như những gì chúng ta đã làm với cải thiện môi trường kinh doanh. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin ko phải đợi mời thầu mới tìm đến, mà căn cứ vào hiểu biết của mình, những dịch vụ gì dưới góc độ công nghệ hoàn toàn có thể cung cấp đc thì hãy chủ động chào hàng”.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước là chương trình đột phá trong cải cách hành chính, nhằm hiện đại hóa nền hành chính công của Việt Nam. Để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa Dự thảo Luật An toàn thông tin trình Quốc hội. Theo đó, Luật An toàn thông tin sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý và điều hành công việc, góp phần nâng cao chỉ số chính phủ điện tử của Việt Nam trong thời gian tới./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác